Quê tôi thuộc miền hạ của đồng bằng Bắc Bộ, nằm cạnh con sông Đáy,con sông mà bốn mùa dâng nước tưới tiêu cho những cánh đồng lúa mênh mông. Từ con sông Đáy lớn đó, người ta đào những nhánh sông nối với nó để đưa nước vào ruộng đồng. Con sông nhỏ ở làng tôi cũng như vậy, ngày ngày đem dòng nước đỏ gạch phù sa tưới cho hàng ngàn hecta lúa. Mộ Bà Đống nằm ngay cạnh con sông nhỏ này, trên con đường cái lớn ở xã tôi với xã bạn. Chẳng biết ngôi mộ này có từ bao giờ, chỉ biết rằng khi tôi được sinh ra đã có nó từ lâu. Ngày ấy tôi còn bé lắm, chưa đi học vỡ lòng đâu, cũng chưa bao giờ được đi đâu xa hơn từ nhà đến cái cửa hàng hợp tác xã mà dì tôi bán cách nhà chỉ khoảng 80m.Tôi thường hay chơi với lũ trẻ hàng xóm, chúng cũng choai choai tuổi tôi. Trò chơi mà chúng tôi hay chơi nhất là trốn tìm, bắn nhau, bán hàng và làm công chúa. Ngày ngày, lũ trẻ hàng xóm phải đi chăn trâu còn tôi thì phải trông nhà cho mẹ nên buồn lắm, chỉ mong nhà mình có trâu như nhà chúng nó để đi chăn cho vui. Nhưng mẹ thì cương quyết không nuôi, nên tôi cứ dõi mắt nhìn theo chúng bạn cưỡi lưng trâu mà thèm. Một hôm, cái Hoa, nhà nó bên cạnh nhà tôi rủ: -T ơi, đi chăn trâu với tao không? -Có, tao thích lắm , chờ tao với. Cái Hoa hơn tôi 2 tuổi nhưng nhìn nó già giặn lắm , vì là chị lớn trong nhà nên nó phải làm mọi việc , từ chăn trâu, cắt cỏ, đến nấu cơm. Hôm đấy là mùng 2 Tết âm lịch nên bọn trẻ con xóm tôi đứa nào cũng mặc quần áo mới, được ở nhà không phải đi chăn trâu. Chỉ có mỗi cái Hoa phải đi nên nó buồn, nó gọi tôi đi. Tôi mặc bộ quần áo mới mà mẹ may cho, cái áo hoa màu đỏ khoác ra ngoài cái áo bông, hí hửng treò lên lưng trâu.Con trâu không cao lắm nhưng tôi trèo mãi không được, cứ bám vào lưng nó được một tí là lại tuột ra đến bốn năm lần.Cái Hoa bực mình, cứ luôn mồm nhắc: -Mày cầm cái đuôi con trâu. Được chưa? -Được rồi -Bây giờ mày đặt một cái chân vào hông con trâu, cái chỗ lõm lõm ấy. -Đặt rồi. -Đu lên lưng nó. -Nhưng tao không đu được. Sợ lắm. -Mày ngu thế. Làm như tao đây này. Cái Hoa làm mẫu cho tôi nhìn mấy lần, nó trèo lên trèo xuống con trâu cứ nhanh thoăn thoắt ấy chẳng sợ gì cả mà tôi thì không thể. Cực chẳng đã, cái Hoa phải đứng xuống, lấy 2 cái tay của nó vần cái mông của tôi mới lên được lưng con trâu. Nó cho tôi ngồi trước, nó ngồi sau, tay cầm cái thừng kẽ giật mấy cái, con trâu đủng đỉnh bước đi. Con trâu nhà nó đen bóng, 2 cái sừng cong dài, cặp mắt lồi lồi, ấy thế mà nó hiền lắm, chẳng đánh nhau với con trâu nhà khác bao giờ, cũng chẳng thấy nó lồng lên bao giờ, chẳng thế mà lúc tôi cầm cái đuôi của nó níu xuống để trèo lên mà nó vẫn cứ đứng yên. Con trâu đi sát vệ đường, nó gặm cỏ sột soạt nghe thật vui tai.Tôi ngồi trên lưng trâu vừa thích vừa sợ, cứ run run, còn cái Hoa thì cứ luôn miệng hát nghêu ngao.Mọi người đi chúc Tết khá đông, mấy chị thôn nữ hai cái má căng tròn đỏ hồng dưới cái rét lành lạnh của ngày Tết trông thật xinh. Tôi bám chặt vào cái phần gồ lên ở lưng con trâu, luôn miệng kêu: -Sợ lắm, sợ lắm Hoa ơi, tao chưa bao giờ ngồi lưng trâu, tao sợ ngã lắm. -Có việc gì mà phải sợ, mày cứ bám cho chắc vào, không ngã đâu. Con trâu vừa đi vừa gặm cỏ, qua cái cửa hàng của dì tôi, qua cái chợ chiều mà người dân vẫn hay họp, nó cứ đi theo con đường cái lớn ấy, thung thăng gặm cỏ. Con sông hôm nay nước không đỏ như hồi tháng 7 nữa mà trong xanh hiền hòa, mặt nước lăn tăn gợn sóng, mấy cái thuyền đậu ven sông khẽ đung đưa theo dòng nước. Từ xa, tôi đã nhìn thấy một đống đất to đùng lẫn cả gạch đá mà ai đã đổ chặn hết cả lối đi. Tôi thấy cái Hoa kêu lên: -Ọ…ọ… Con trâu tự dưng đứng lại, cái Hoa trèo xuống lấy một hòn đất ở mé sông, cầm trên tay, nó bảo: -Sắp đến mộ Bà Đống rồi, tao đặt lên mộ của bà một hòn đất để bà phù hộ cho, mày không xuống cầm một hòn đặt vào, bà không phù hộ cho mày đâu. -Kệ, tao không làm đâu. Cái Hoa trèo lên lưng trâu, con trâu đi tiếp đến mộ Bà Đống, cái Hoa tụt xuống, đặt hòn đất lên mộ, miệng lẩm bẩm khấn: -Con lạy bà, bà phù hộ cho con … Xong rồi nó cầm cái dây thừng kéo con trâu đi vào bờ mương. Cái bờ mương thấp quá, con trâu chúi cả phần đầu về phía trước. Hai cái tay tôi trượt khỏi cái lưng trâu, ngã cái oạch xuống dưới đất, miệng kêu “Hự” lên một tiếng rồi nằm im.Cái ngã làm tôi đau quá, không nói được câu nào, cũng không động đậy được tay chân, bụng không thở nổi.Lúc đó trong đầu tôi chỉ nghĩ: -Tại mình không đặt đất vào mộ bà nên bà không phù hộ cho, chắc là mình chết mất.
Một lúc sau, tôi thấy cái Hoa chạy đến, nó cúi xuống gọi: -T ơi, T ơi, mày có làm sao không? Mày có làm sao không? Tôi mở mắt nhìn nó, miệng muốn nói mấy câu, mà không sao nói nổi chỉ thấy tội cái Hoa, nó cứ mếu máo. -Đừng chết T ơi, đừng chết. Nó luồn tay xuống nâng tôi ngồi dậy, tôi có cảm giác dễ thở hơn nên mới rên được . -Hư…hư…Đau quá…đau quá…hư…hư… -Đau ở đâu? -Ở sau lưng ấy, đau quá… hư… hư…, đau ở chân nữa…hư..hư… Cái Hoa lấy tay xoa lưng cho tôi,vừa xoa vừa dỗ. -Ừ. Thôi, nín đi, nín đi ,đừng khóc nữa. Nói rồi, nó cúi xuông thổi phù phù vào cái đầu gối của tôi đang rớm máu. Vậy là toi cái quần mẹ mới may cho, thủng một lỗ to tướng , lại rơi vào đúng năm mới nữa chứ, chắc lại dông cả năm đây. Con trâu dường như cũng hiểu ý, nó biết tôi đang đau hay sao mà cứ chăm chỉ gặm cỏ quanh cái chỗ bờ mương này, không chịu đi xa. Những luống rạ cứ trơ cái gốc ra như đang đòi bàn tay con người cuốc bẫm .Xa xa hàng cây phi lao đang vi vu theo tiếng sáo diều của bọn con trai trong xóm cũng không làm cho tôi bớt đau đi. Đợi con trâu ăn no, cái Hoa đến cầm dây thừng kéo nó về, còn tôi không dám ngồi trên lưng trâu nữa. Cú ngã đau quá làm tôi nhớ đời, đó cũng là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tôi ngồi trên lưng trâu. Tôi bước tập tễnh theo sau con trâu, cái Hoa sợ tôi về mách mẹ nên nó cứ thí thỏn : -Đừng kể cho mẹ mày biết nhé, kẻo mẹ mày đánh cho vì cái tội trốn đi chơi. Nhớ chưa. Bao giờ táo nhà tao chín, tao hái cho mà ăn. Nghe vậy nên tôi cũng thấy xuôi trong lòng, ngước mắt lên nhìn mộ Bà Đống to lù lù tôi cảm thấy sờ sợ, cái đống đất mà tôi cứ ngỡ ai đó đổ ra đường chính là ngôi mộ của bà lấp hết cả lối đi đã thêu dệt bao chuyện huyền bí ở quê tôi. Cái ngôi mộ đã làm cho biết bao cán bộ xã phải đau đầu khi mỗi ngày một to ra làm giao thông gần như kẹt hẳn. Người đi xe đạp đến đoạn đó phải nhấc xe lên men xuống bờ sông mà đi, người đi bộ cũng phải vòng xuống. Còn lũ trẻ con chúng tôi, người lớn phải bế lên mới qua được. Ngôi mộ ấy có gì linh thiêng mà không ai dám phá? Vì sao người dân cứ mang đất đặt lên mộ của bà? Chuyện kể rằng: Hồi ấy, trong làng có ông cụ, cứ sáng sớm tinh mơ, khi con nước lên, ông phải vác cuốc ra đồng, xẻ bờ để nước vào ruộng tưới cho lúa .Ông làm việc này cần mẫn và luôn đúng giờ. Sáng hôm đó, ông dậy từ 3 giờ sáng. Vác cuốc trên vai, ông nhẩn nha ra đồng. -Chà! nước hôm nay lên sớm quá. Ông nghĩ thầm trong bụng, đến con mương, ông lội xuống chuẩn bị mở cống cho nước vào thì ông bỗng giật nẩy người. Có một xác người trôi lềnh bềnh gần miệng cống. Ông nhảy vội lên bờ, vứt cuốc bỏ chạy. -Bớ…bớ…người ta…có người chết…có người chết bà con ơi! Ông cắm đầu cắm cổ chạy thục mạng đến đầu xóm, gặp mấy người đàn ông cắt cói về, thấy ông hốt hoảng, mọi người hỏi: -Có chuyện gì đấy ông? -Ở gần con mương kia có người chết trôi các ông ơi! -Vậy hả, vậy thì xuống kéo người ta lên rồi đem người ta đi chôn , chứ ai lại để thế tội nghiệp họ lắm. Mọi người kéo nhau đến bờ mương, họ lội xuống sông vớt người chết trôi lên bờ.Đó là một người đàn bà không biết đã chết được mấy ngày rồi, mà cũng không biết quê quán ở đâu lại trôi dạt về đây. Thật khổ thân. Những người đàn ông này hì hục đào một cái huyệt ngay cạnh con sông, Họ lấy cái chiếu cuốn người đó lại đặt xuống huyệt ,lấp đất lại, thắp cho người đàn bà xấu số đó nắm nhang rồi mọi người tất tả ra về sau một đêm thức trắng. Mặt trời đang lấp ló ở rạng đông, tiếng người gọi nhau í ới ra đồng, Tiếng chim hót đâu đây như đang báo hiệu một ngày mới bắt đầu. Chuyện tưởng rằng đến đó là xong. Nhưng không, mấy ngày sau có một bà đi chợ sớm lắm, hơn 3 giờ sáng, bà xách giỏ tôm mà mới cất vó tối qua đi chợ xã bạn để bán. Đến gần nấm mộ, bà nhìn thấy một người mặc quần áo trắng toát, ngồi trên mộ. Bà nghĩ mình nhìn nhầm, lấy tay dụi mắt ,nhìn lại lần nữa thì ôi thôi: “Đúng là ma rồi”. Con ma quay lại nhìn thẳng về phía bà, tóc nó xõa xuống. Bà đứng như trời trồng, miệng há hốc ra, giỏ tôm rơi bịch xuống đất, mồ hôi toát ra đầm đìa. Mấy phút sau, định thần lại, bà lẩm nhẩm niệm kinh Phật. -A di đà Phật, A di đà Phật….Tôi lạy bà, bà có linh thiêng giúp tôi bán tôm đắt hàng, lúc về tôi sẽ tạ ơn bà, bà đừng trêu tôi nữa. Tôi cũng vì miếng cơm manh áo mà phải vất vả sớm hôm . A di đà Phật. Khấn xong, bà không nhìn thấy người đàn bà ở trên mộ đó nữa. Cầm giỏ tôm trên tay, bà cắm đầu cắm cổ chạy thật nhanh qua ngôi mộ đó, vừa chạy vừa niệm Phật. Con đường vắng tanh vắng ngắt, không một bóng người qua lại. Mặt sông đen ngòm, tiếng quẫy nước của con cá đi ăn đêm càng làm tăng nỗi khiếp sợ của bà..Mấy cây chuối ban ngày trông đẹp thế mà ban đêm đứng im lìm như che cho ai đang trốn phía sau một cách ma quái. Đến chợ, trời đã bắt đầu hửng sáng, bà đổ tôm ra để bán.Những con tôm to như ngón tay cái cứ nhảy tanh tách, xòe cái đuôi ra như muốn hăm dọa ai. -Bao nhiêu mớ tôm này đấy bà? -Các bác mua đi tôi lấy rẻ thôi, kiếm chút tiền đong gạo cho các cháu. Chỉ mấy phút sau bà đã bán xong giỏ tôm. Cầm tiền trên tay, bà vui mừng vì hôm nay có gạo cho các con ăn. Bà thong thả đi đến hàng gạ̣o, mua hết số tiề̀n bán tôm đó rồi ra về. Chợ mỗi lúc một đông hơn, tiếng ồn ào huyên náo mỗi lúc một nhiều lên, nào là hàng gà, vịt, lợn, chó, mèo, rau, củ, quả…thôi thì thập cẩm đủ thứ được bày ra bán. Tiếng mấy bà bán cá đang cãi nhau ầm ĩ về chỗ ngồi….Tất cả cứ hỗn độn. Xách bị gạo trên tay, bà phấn khởi lắm vì chưa bao giờ bà bán giỏ tôm nào nhiều tiền như giỏ tôm này, mà cũng chưa bao giờ bà bán đắt hàng như ngày hôm nay. Vừa đi bà vừa lẩm bẩm: -Tối nay ta lại đi cất vó tôm nữa. Đêm đó nằm ngủ, bà mơ thấy có một người đàn bà đứng trước giường của nói rằng: -Tôi giúp bà bán tôm đắt hàng mà bà không tạ ơn tôi gì cả? Sao bà quên lời hứa nhanh thế? Ngày mai đi chợ bà nhớ mang hòn đất to đặt lên ngôi mộ của tôi, nếu không tôi phạt bà đấy. Tỉnh dậy, bà vã cả mồ hôi: “Có lẽ nào đó chính là người đàn bà dưới mộ hôm qua? Mà đúng rồi, hôm qua, mình vừa niệm Phật vừa xin bà ấy. Mà thôi, đúng rồi, đúng là bà ấy rồi” Con gà trống nhà ai cất tiếng gáy “Ò ó o…o”, trời sắp sáng rồi đây. Tiếng con dế mèn kêu rả rích ở góc vườn, bà tất tả đi xuống bếp cắt một nải chuối chín vàng, cầm nón , xách giỏ tôm đi chợ. Con đường làng lác đác cũng có mấy người đi chợ sớm, hai bên đường những cây cỏ còn ướt đẫm hơi sương, mấy con nghóe nhảy chộp chộp dưới bờ sông như đang chơi trò đuổi bắt. Bà cảm thấy yên tâm vững bước hơn. Chẳng mấy chốc bà đã đi đến ngôi mộ hôm qua. Bà đặt nải chuối xuống trước ngôi mộ, một hòn đất to bà để chính giữa ngôi mộ. Thắp nén nhang, bà lầm rầm khấn: -Tôi xin bà, bà sống khôn chết thiêng, bà bỏ lỗi cho tôi. Hôm qua tôi chưa tạ ơn bà, bà đừng giận tôi nữa. Nay tôi có chút lòng thành mong bà nhận cho rồi bà giúp cho tôi bán mẻ tôm này đắt hàng nữa bà nhé. Nói rồi, bà xách giỏ tôm rảo bước đến chợ. Đang vôi bước bà nghe thấy: -Bà gì ơi, bà bán tôm ơi! Chờ tôi với. Bà quay lại thì thấy một người đàn ông đang hớt ha hớt hải chạy đến phía bà. -Bà bán bao nhiêu giỏ tôm này đấy? để tôi mua hết cho. Vậy là chỉ mấy phút bà đã bán xong giỏ tôm. Bà vui vui mua 5 trái cam chín ở bên đường rồi về. Trên đường về bà chuyện trò với người đàn ông mua tôm của mình: -Ông được bao nhiêu cháu? -Dạ thưa bà, tôi có 5 cháu. Đông con nó khổ như vậy đấy bà ạ. Đêm nào tôi cũng phải ra nông trường cắt cói về để làm chiếu mang ra chợ bán lấy tiền đong gạo cho các cháu. -Từ nhà ông ra đến nông trường có đến 6 cây không? -Cũng cỡ đấy, mỗi lần cắt cói xong phải kết cói lại với nhau, rồi kéo trên sông mới được nhiều ,chứ mà gánh về đến nhà thì được bao nhiêu mà vất vả lắm. Mải chuyện, hai người đã đến ngôi mộ đó từ bao giờ, bà lấy cam vừa mua đặt lên mộ thắp nén nhang xong rồi họ đi tiếp.Người đàn ông đi cùng thấy thế liền kể: -Bà biết không đêm hôm đó tôi kéo cói về như mọi lần , cơ mà đến chỗ ngôi mộ mà bà vừa thắp nhang ấy tự dưng không thể kéo cói đi được nữa.Tôi nghĩ chắc mấy bó cói phía sau vướng vào đâu, tôi bơi ngược lại kiểm tra nhưng không có gì. Tôi lại kéo tiếp nhưng những bó cói cứ ì ra. Mệt quá tôi lên bờ ngồi nghỉ.Đang vắt cái quần cho đỡ ướt tôi bổng thấy có cái gì cứ lành lạnh ở phía sau.Quay lại tôi thấy người đàn bà trắng toát đứng ở sau lưng.Tôi đi cắt cói đêm nhiều,những chuyện ma quái tôi gặp thường xuyên nên tôi bình tĩnh nhanh lắm. Tôi nói với người đàn bà ấy: “Bà có thương tôi vất vả thì hãy giúp tôi kéo mẻ cói này về đến nhà, đừng trêu tôi nữa, sau này tôi sẽ hậu tạ bà”.Nói xong, tôi không nhìn thấy bà ấy nữa. Một lúc sau, tôi thấy nước bắt đầu dâng lên, mà sao hôm đấy nước dâng rất nhanh.Tôi lội xuống sông, kéo thử bè cói này thì thấy nhẹ quá như có người giúp. Đêm đó tôi về nhà sớm hơn mọi lần. Đêm đó, tôi về nhà sớm hơn mọi lần. Gọi vợ con ra cùng nhau kéo cói lên bờ cho ráo nước xong, cả nhà tôi về ngủ. Giấc ngủ ngon quá, tôi nằm ngủ cho đến sáng bảnh mắt ra, định bụng đi phơi cói.Vừa bước chân xuống đất đã thấy bà nhà tôi với vẻ mặt khác thường nói: -Ông ngủ gì mà ngủ say thế? Đêm qua ông có thấy gì không? -Thấy là thấy cái gì? Tôi chẳng thấy cái gì cả chỉ thấy mình được đánh một giấc ngon lành thôi. Mà bà nói như vậy là có ý gì? -Có ý gì nữa, đêm qua kéo cói lên bờ xong về nhà tôi cứ thấy có bóng người đàn bà đi theo vào nhà mình. -Cái bà này chỉ nói vớ nói vẩn. Làm gì có người đàn bà nào, chỉ có bà là đàn bà thôi chứ làm gì có người lạ nào vào nhà ta được, chỉ được cái nước khéo tưởng tượng. Thôi ra đường phơi cói kẻo muộn rồi. -Không .Ông phải nghe tôi nói cái đã, không có tôi sợ lắm, tôi không dám đi đâu nữa đâu. -Cái bà này! Có chuyện gì thì nói đi. -Đêm qua lúc ngủ, mà tôi vẫn còn tỉnh cơ, mới thiu thiu ngủ thôi. Tôi mơ thấy một người đàn bà ngồi cuối giường nói với tôi rằng: “Tôi biết chồng bà vất vả sớm hôm nên đêm qua khi ông ấy kéo bè cói qua chỗ tôi, đúng vào đoạn sông cạn nước quá không kéo được.Ông ấy có xin tôi. Tôi đã giúp ông ấy bằng cách làm cho con nước lên sớm hơn mọi ngày để ông ấy kéo cói về nhà cho nhanh. Tôi cũng không cần lễ vật cúng to đâu chỉ cần ông bà nhớ đặt lên mộ của tôi mấy hòn đất là được rồi vì không đắp lên thì ngôi mộ của tôi sẽ bị lún mất.” Tôi mơ thấy như vậy đấy, ông có xin ai không? Nếu có xin thì liệu mà đi trả lễ cho xong đi. Nghe bà vợ kể thế , tôi không khỏi rùng mình bà ạ. Hóa ra cái người đàn bà đứng sau lưng lại theo tôi về đến tận nhà , còn giúp tôi kéo bè cói nữa chứ. Tôi đứng ngẩn tò te một lúc rồi nhắc vợ bắt con gà nấu nồi cơm nếp mang đến mộ bà ấy cúng tạ ơn.Tôi không quên gánh một gánh đất mang đặt lên mộ nữa. Ấy thế mà ngay đêm hôm ấy, người đàn bà ấy lại về nhà tôi nhưng lần này bà ấy nói lời cảm ơn vợ chồng tôi vì đã chu đáo với bà. -Chả trách nào hôm nay đi qua tôi thấy mộ bà ấy có nhiều đất đắp lên thế. -Vâng. Không phải mình nhà tôi đâu bà ạ. Tôi còn biết được nhà kia cũng đắp mộ cho bà ấy nữa cơ. Nghe kể là. -À. Có phải là con gái nhà ai bị hai cái thằng du côn đuổi theo đề bắt hãm hiếp không? -Đúng rồi đấy. Nhà này vì là chỗ thân quen nên mẹ nó mới kể cho tôi biết đấy chứ.Chuyện như thế này: Hôm đấy con bé đi giúp dì nó cấy lúa, ruộng của dì nó ở xa lắm. Hai dì cháu cấy hết mấy xào ruộng thì trời đã tối. Dì cháu nhà nó kéo nhau về nấu cơm. Ăn cơm xong thì đã muộn hẳn rồi. Con bé sợ mẹ nó lo lắng nên nó cứ nằng nặc đòi dì cho về. Chú thì không có nhà, dì thì vướng em nhỏ nên không ai đưa con bé về thế mà con bé dám ra về một mình. Con bé này ngoan ngoãn nết na lắm lại xinh đẹp nữa chứ, bao nhiêu đám dặm hỏi rồi mà nó chẳng đồng ý ai cả. Ở gần nhà tôi có gia đình nhà này chỉ có mỗi thằng con trai, cao ráo khỏe mạnh, gia đình cơ bản, muốn thông gia với bố mẹ nó.Ấy thế mà nó giãy nảy lên: “Không lấy, không lấy, bố mẹ đồng ý thì bố mẹ đi mà lấy, con không lấy đâu. Đen như củ than bóc lõi ấy…” -Con cái bây giờ chúng nó lớn rồi, chúng nó bướng lắm, cái chuyện vợ chồng nó mà không nghe mình thì chỉ có ăn cám thôi ông nhỉ. -Vâng. Bà nói phải đấy. Con bé đi bộ từ nhà dì nó về phải mất cả gần 2 tiếng đồng hồ. Lúc nó đi trên con đường cái này từ xã dưới về , nó bị 2 thằng du côn đuổi theo.Con bé sợ quá chạy lấy chạy để. Trời đã khuya lắm cỡ 11 giờ đêm rồi. Khi nó chạy đến ngôi mộ này thì nó thấy một người đàn bà đứng ở đó. Nó hét toáng lên gọi: -Bà ơi bà, bà cứu cháu với.Cháu bị 2 thằng phía sau đuổi ,bà cứu cháu với bà ơi! Người đàn bà ấy vung tay lên chỉ về phía trước. -Cháu cứ yên tâm, để chúng nó đấy, bà sẽ cho chúng một trận nhớ đời. Con bé thấy bà cụ nói thế nên thấy đỡ sợ hơn, nhưng nó vẫn chạy. Bỗng nó nghe thấy một tiếng “ủm”, nó quay lại nhìn thì thấy cả 2 thằng té xuống sông.Chúng vùng vẫy một lúc sau mới lóp ngóp bò lên bờ được. Cả 2 thằng bắt đầu cãi nhau chí chóe.Thằng chạy trước bảo. -Mày có nghe thấy tiếng thét gì khi đuổi theo con bé kia không? -Không , làm quái gì có tiếng thét nào, mày chỉ thần hồn nát thần tính thôi. -Tao không những nghe thấy mà còn nhìn thấy một người đàn bà mặt nhợt nhạt trắng bệch ra như người chết đuối dí sát mặt tao nữa cơ. -Mày chỉ bịa. Tao không tin. -Tao thề có trời đất. Cái tiếng thét đó là: “Tao giết…” Tao giật nảy cả người lên vấp vào hòn đất rồi ngã xuống. Mà mày chạy sau có mắt như mù ấy. Mày thấy tao ngã thì phải tránh đường khác mà chạy chứ lại đâm vào tao để cả 2 thằng lăn xuống sông. -Thôi nhé từ nay cạch đến già nhé, chỉ vì cái tội ham gái mà đi bắt con gái nhà lành thì có ngày ma quỷ chẳng tha cho đâu. -Mà mày nhìn cho kỹ đi, kia có phải là ngôi mộ của người đàn bà chết trôi không? -Ối giời ơi đúng rồi, đúng rồi.Không khéo lại chính là bà ấy phạt chúng mình đấy. Thôi lo cúi lạy bà mấy cái đi rồi còn về. Con bé nghe được như vậy thì mừng lắm, nó chạy nhanh về nhà. Con chó thấy chủ về vẫy đuôi mừng tíu tít, mẹ nó mở cửa mừng rỡ khi thấy con gái đã về đến nhà. Con bé kể lại đầu đuôi câu chuyện cho mẹ biết. Bà mẹ nghe xong thầm cảm ơn người đàn bà kia đã cứu con mình. Sáng hôm sau, mẹ nó thức dậy sớm, đi lại đoạn đường mà con gái đã đi đêm qua để tìm dấu vết. Mẹ nó đã nhìn thấy dấu chân in vết bùn mà 2 thằng du côn bò lên bờ lúc bị té, chỗ đó ngay sát mộ của người đàn bà chết trôi. Biết con mình được người giúp nên đã qua được cơn hoạn nạn ,mẹ nó chẳng nói chẳng rằng, lẳng lặng mang mấy gánh đất ra xếp lên mộ người chết đuối như một sự trả ơn. Chẳng thế mà bây giờ bà nhìn xem, ngôi mộ đấy ngày càng to ra. -Vâng, tôi cũng biết bà ấy đã giúp mình nên mỗi lần qua ngôi mộ ấy, bao giờ tôi cũng đặt lên hòn đất. Họ vừa đi vừa nói chuyện.Chẳng mấy chốc bà đã về đến nhà, còn ông cũng vội rảo bước để chuẩn bị ra đồng nhặt cỏ cho lúa. Mặt trời đã lên. Những tia nắng ban mai rọi qua khe lá đang xua đi các giọt sương long lanh. Con chim sâu trên cành ổi nhà ai đang ngó nghiêng tìm mồi.Xa xa,mấy cánh đồng làng lác đác người đang câu cáy. Những con cáy đi tìm thức ăn buổi sớm cứ thụt vào trong hang khi nhìn thấy người đi đến, thật đúng là: “ nhát như cáy”. Nhưng cái giống này háu ăn lắm.Chỉ cần làm thức ăn cho chúng bằng ruột một con ốc nhỏ là có thể câu được cả một giỏ cáy đầy trong một buổi sáng. Người ta nói rằng cáy mà làm mắm thì ăn cực kỳ tốt cho bà đẻ vì mắm cáy rất lành. Ngôi mộ của người đàn bà ấy ngày một to ra do người dân kể cho nhau nghe về sự linh thiêng của bà, về những lần bà giúp người dân. Cứ thế từ làng này qua làng khác, từ xã này qua xã khác, người ta đi chợ, đi chơi, đi làm, cứ đi qua mộ bà là mỗi người đặt lên một hòn đất, hoặc hòn đá hay hòn gạch, còn miệng thì không quên nói: “Bà phù hộ cho con…”. Ngày tháng qua đi, ngôi mộ ấy cứ mỗi ngày một lớn lên. Nó to đến nỗi lấp hết cả lối đi. Người dân chuyển sang gọi là “Mộ Bà Đống”. Ngôi mộ to đó đã làm cho ông chủ tịch xã luôn bị bí thư huyện ủy nhắc nhở. Người ta phê bình ông không dẹp bỏ mê tín dị đoan trong dân chúng, làm người dân tin mù quáng vào thần thánh ma quỷ. Đã thế lại thêm mấy tay cán bộ ở các xã khác, mỗi lần đi công tác qua đoạn đường ấy lại phản ánh với cấp trên nên trong các cuộc họp, xã ông cứ bị nêu ra như một sự mỉa mai. Hôm đó, các cán bộ xã họp. Họ bàn về việc dẹp bỏ ngôi mộ Bà Đống, nào là chủ tịch xã, bí thư đảng bộ, bí thư đoàn thanh niên, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm… - Đồng chí bí thư đoàn thanh niên phân công mỗi chi đoàn phải mang theo 3 cái xẻng. 3 cái cuốc 2 cái móng. Còn các đoàn viên khác thì đi tay không làm nhiệm vụ chuyển đất đắp hai bên mé đường- Ông chủ tịch xã phân công. -Báo cáo thủ trưởng em nghe rõ ạ. Anh bí thư trả lời. Sáng hôm sau, đội quân hùng hổ kéo nhau đi. Có những bà mẹ đã không kìm được lòng mình chạy theo để lôi cậu con trai quý tử về. Nhưng chúng nó có chịu nghe cho đâu, cứ đứng trơ ra đó, lại còn đuổi mẹ về nữa chứ. -U về đi, U ra đây làm con xấu hổ lắm, hơi một tí là ầm ĩ cả lên. Đúng 7 giờ sáng, ông chủ tịch xã xuất hiện. Ông đi một mạch đến ngôi mộ Bà Đống, cùng với bí thư đoàn xã, đội trưởng đội an ninh, bí thư Đảng dỡ những viên gạch, những hòn đất đầu tiên trên mộ xuống. Họ làm việc hăng say, trong một buổi sáng ngôi mộ ấy đã được san bằng phẳng. Trời hôm đó nắng lên muộn, những làn sương mỏng giăng giăng khắp nơi trên đồng làng, ngõ xóm tạo nên vẻ u uất khác ngày. Mấy con cào cào châu chấu mọi lần bay rào rào thì hôm nay sao không thấy.Con sông mọi ngày lăn tăn mặt nước mà hôm nay phẳng lặng bất thường. Công việc đã xong, họ kéo nhau ra về. Các đoàn viên trẻ 17,18 tuổi ăn chưa no so chưa tới ấy cứ vô tư đùa giỡn với nhau. Những người mẹ có con tham gia vào việc này không khỏi lo lắng. Họ đứng ngồi không yên chỉ chờ cho màn đêm kéo xuống là mang lễ ra tạ tội với Bà Đống, vì cúng ban ngày họ sợ dân quân bắt được lập biên bản. Tối hôm đó, anh bí thư Đoàn, người tham gia phá mộ đầu tiên bỗng lên cơn sốt. Người cứ nóng hừng hực, chẳng ăn được gì cả, chỉ uống nước thôi. -Mẹ ơi! Con khát nước lắm, mẹ cho con cốc nước . -Ừ, nước đây, con uống đi. Sao mà sốt cao thế này? Hay là …. -Mẹ chỉ nghĩ vớ nghĩ vẩn thôi, chắc là tại con tắm vào buổi trưa lúc vừa đi nắng về rồi cảm ấy mà. Bà mẹ nghe con nói như vậy liền vội vàng đi rang mẻ cám để đánh cảm cho con. Nhưng đêm đó bệnh tình của anh càng nặng thêm, anh cứ nói lung tung lảm nhảm. Có những lúc anh vùng ngồi dậy, hai con mắt trợn trừng đỏ lòm long lên sòng sọc. Cứ lấy hai cái tay đấm vào ngực mình thùm thụp. Vừa đấm anh vừa la hét. -Mày phá mộ tao. Mày phá mộ tao. Tao cho mày chết. Tao cho mày chết. Cả nhà anh ,ai cũng lo sợ. Mẹ anh vô cùng kinh hãy vì bà chưa bao giờ thấy con trai như vậy. Bà gọi đứa nhỏ đến bảo: -Con chạy ngay đến nhà bác Báu nói cho bác biết về việc của anh. -Dạ con đi ạ. Đứa nhỏ chạy đi, bà mẹ quay vào cúi xuống chắp tay lạy : - Con lạy bà, bà thương cháu nó lỡ dại, không biết phải trái đúng sai gì cả nên đã theo người ta phá mộ bà. Để con mua lễ về tạ tội với bà, mong bà tha cho cháu. -Con mẹ này không biết dạy con, để nó đi làm càn. Bây giờ tao phá nhà ngươi, nhà ngươi có để im không? Nói rồi anh ta nhảy phắt một cái bám vào cái kèo trên trần nhà ngồi vắt vẻo trên đó mặc cho cả nhà kêu khóc xin tha. -Khôn hồn chúng mày ra đắp lại mộ cho bà, rồi bà tha cho, nếu không chỉ trong ba ngày thì thằng này không sống nổi đâu. Con bé gọi bác Báu đã về. Bác Báu đi cùng với một ông thầy cúng. Nhìn thấy cảnh tượng này, ông thầy biết ngay phải làm gì. Ông sai bà mẹ nấu nồi xôi gà, giấy tiền quần áo vàng mã được bày lên mâm, mang tất cả ra ngoài mộ Bà Đống cúng. Còn anh con trai lúc này vẫn không ngớt la hét. -Chúng mày ác lắm, quân dã man. Tao một thân một mình trôi nổi đến đây, may mà gặp được mấy người tử tế, họ chôn chỗ đất tốt nên mới có cơ hội giúp dân làng, ấy thế mà chúng mày có để cho tao yên đâu. Anh ta lại nhảy phắt một cái xuống nền nhà, xông đến cầm cái ghế tựa ném bay ra ngoài , mấy cái chân ghế văng ra. Mặt anh ta đỏ phừng phừng, bọt mép sùi ra trông gớm ghiếc. Mấy đứa em sợ quá,chạy vôi ra nấp phía sau gốc cây hồng. Thầy cúng niệm mấy câu gì đó rồi giục mọi người nhanh mang lễ ra mộ tạ lỗi. Mấy đứa em, không quên mang theo xẻng, cuốc để lấy đất đắp lại mộ cho bà . Ngôi mộ sáng qua san bằng như vậy mà bây giờ đã nhô cao lên. Những ai đó đã lẳng lặng mang đất xếp lên mộ bà từ bao giờ, chắc là lúc nửa đêm đây. Trời tối đen như mực, mấy con đom đóm lập lòe đậu trên ngọn lúa, tiếng con cóc nghiến răng kêu kèn kẹt khiến mọi người rợn tóc gáy. Lễ vật được bày ra. Ông thầy cúng lầm rầm khấn, cả nhà ngồi phía sau chắp tay lạy liên tục. Ngọn đèn dầu cháy leo lét, tỏa ánh sáng yếu ớt xuống mâm lễ, gió thổi hiu hiu, làn hơi nước bốc lên quyện vào nhau từ con sông trông như hình người nào đó đang bay càng làm tăng vẻ huyền ảo. Một lúc sau, ông thầy cúng nhắc nhở mọi người nhanh chóng đắp đất cho ngôi mộ rồi ra về kẻo trời sắp sáng. Xong việc, mọi người vội vã ra về. Tiếng gà gáy râm ran trong xóm đang báo hiệu một ngày mới bắt đầu. Xa xa trên bầu trời, ngôi sao mai buổi sáng vẫn đang lấp lánh. Tiếng con vạc đi ăn đêm về, tiếng chó sủa vu vơ như đang đánh tan màn đêm tĩnh mịch. Anh con trai đang ngồi trên giường, chẳng biết anh tự cỏi trói cho mình khi nào chỉ biết rằng lúc mọi người về anh cứ kêu đói muốn ăn. Mẹ anh lấy đĩa xôi cho anh, anh ăn hết cả đĩa xôi với một cái đùi gà rồi đi ngủ. Ngày hôm sau anh hết sốt, nghe mọi người kể lại những điều mà mình đã trải qua, anh không nói gì cả mà chỉ im lặng.Còn ông chủ tịch xã, chẳng hiểu vì sao, hôm ấy ông nằm ngủ trưa, bị một con nhện đái vào mắt trái. Con mắt của ông cứ sưng to đỏ lòm, dỉ mắt chảy ra liên tục. Ông ra trạm xá khám, bác sĩ cho thuốc uống, thuốc nhỏ nhưng mắt vẫn không đỡ, sau đấy một thời gian con mắt trái của ông bị mù hẳn. Ông cũng chỉ được làm chủ tịch thêm 3 tháng rồi không được làm nữa do dính vào vụ gì đó. Còn ông bí thư có đứa cháu trai chẳng hiểu trèo cây sung chơi trượt chân rơi đúng vào cái cọc cắm ở dưới ao, thằng bé mất nhiều máu quá, đưa đến bệnh viện nhưng không cứu được. Anh đội trưởng đội an ninh, một lần ra vườn bẻ ngô. Anh dẫm phải gốc cây ngô mà vợ anh đã chặt từ lâu rồi, da chân xước ra, chảy ít máu thôi, ấy thế mà một tháng sau tự dưng anh lên cơn sốt, co giật. Gia đình vội đưa anh lên bệnh viện. Bác sĩ chuẩn đoán anh bị uốn ván. Người vợ trẻ thương chồng lắm, chị khóc như mưa. -Anh ơi, anh cố gắng ăn vào cho khỏe , cho lại sức anh nhé. Các bác sĩ nói rằng rất khó chữa được, nếu phát hiện sớm thì có thể cứu sống được bệnh nhân nhưng gia đình đưa lên bệnh viện chậm quá . Anh ở bệnh viện chỉ 2 tuần. Hôm đó anh lên cơn co giật, hai hàm răng cắn chặt vào nhau , mắt trợn ngược lên, anh không qua khỏi mất tại bệnh viện. Cái chết của anh ,cái chết của cháu ông bí thư, con mắt trái của ông chủ tịch bị đui, anh bí thư Đoàn thì bị như vậy đã gây sốc cho dân làng. Mọi người cho rằng chỉ tại họ -những người phá mộ bà làm những việc thất đức ấy mới bị trừng phạt như vậy thôi. Anh bí thư kia còn may chán đó là có bà mẹ còn biết lạy tạ kêu xin nên anh mới qua cơn bệnh. Từ đó, dân làng không ai dám làm bất cứ điều bậy gì gần mộ bà. Ngay cả lũ trẻ con chúng tôi cũng không dám nói năng lung tung khi đến gần ngôi mộ đó. Ai cũng tin rằng bà là người linh thiêng và tốt bụng. Tôi con nhớ hôm đấy mẹ bắt tôi đội một thúng cám (loại cám để cho heo ăn) đi chợ bán, mà lúc đó tôi còn bé tí, mới học có lớp 5 thôi, mẹ dặn ra chợ nếu người ta đong cám thì đưa cái ống của nhà mình cho họ chứ không được cho họ đong bằng cái ống của họ. Tôi đội thúng cám trên đầu, ôi chao ôi sao mà nó nặng đến thế mà có nhiều gì đâu chỉ có 6 ống cám thôi ( vì mẹ đang tập cho tôi đi chợ).Người thì bé tẻo teo đội thúng cám mà cứ ngất ngư, vừa bước ra đến ngõ thì gặp cái Duyên. -Mày đi chợ à?, cái Duyên hỏi. -Ừ, mẹ tao bảo đem cám đi bán. -May quá đi cùng tao cho vui. Cái Duyên từ nhỏ đã phải đi chợ rồi nên nó bán hàng giỏi lắm, loại hàng nào nó bán cũng được, từ rau ,quả, gạo cám cua ốc…Nó học cùng lớp với tôi, ngày nào cũng gọi tôi đi học. Nó rất hiền nhưng cứ đến giờ tập đọc là lại bị cô giáo mắng vì đọc quá nhỏ chẳng ai nghe thấy.Đến như tôi ngồi ngay sau nó phải lắng tai mới nghe thấy tiếng của nó. Ấy thế mà mới học xong lớp 6 mẹ nó bắt nó ở nhà không cho đi học nữa khiến tôi nhớ nó kinh khủng. Tôi đội thúng cám đi theo cái Duyên, đến gần mộ Bà Đống cái Duyên bảo : -Mày nhặt một hòn đất ở bên đường đặt lên mộ của bà, nhớ đặt hòn đất phải đặt lên cao không lại lấp đường đi rồi xin bà phù hộ bán hàng cho đắt. Tôi cúi xuống cầm hòn đất mà tay cứ run run vì sợ đổ thúng cám, một tay giữ thúng cám một tay cầm hòn đất đi đến đặt lên mộ bà. Chúng tôi đi đến chợ, cái Duyên chọn chỗ cho tôi ngồi, còn nó phải đi đến hàng gạo. Chỉ mấy phút sau có người đến hỏi mua cám. -Cháu bán bao nhiêu một ống cám, đưa bác mua hết cho Vậy là chỉ một loáng sau tôi đã bán hết thúng cám mà mẹ dặn. Tôi chạy đến chỗ cái Duyên , ngồi đó tôi được nghe một câu chuyện của người bán gạo kể về lòng tốt của Bà Đống. Bà kể: -Hôm đấy, ông hàng xóm nhà bà đi làm về khuya lắm, cỡ 12 giờ đêm chứ không phải ít. Trời tối đen như mực, ông lạch cạch đạp xe. Chiếc xe cũ kĩ, cái xích đã nhão, mấy con ốc rớt ra từ bao giờ cứ đến đoạn xóc là nó long lên sòng sọc. Mặc kệ, ông cứ cố gắng đạp xe cho nhanh để về nhà cho kịp. Đi qua mộ Bà Đống, ông cứ nghe thấy có tiếng người đàn bà : - Quay lại ngay, quay lại ngay, có người cần cứu. Người đàn ông đó quay xe lại. Khi đến cái cống nước ông cứ nghe thấy tiếng. -Ư…ư…Quốc tửu muôn năm…Quốc tửu muôn năm… -Ai đấy? Ai ở dưới cống vậy? -Quốc tửu muôn năm …Quốc tửu muôn năm… Ông xắn quần lội vội xuống cống, thấy một ông lão, nồng nặc mùi rượu, đang đứng tựa lưng vào miệng cống. Ông lão say rượu quá nên trượt chân rơi xuống nhưng không thể leo lên bờ được. Không biết ông ở dưới cống đã bao lâu rồi mà thấy người ông lạnh toát. Ông vội kéo ông cụ lên. Trời ơi, tưởng ai hóa ra ông cụ Ráy. -Cụ ơi, làm sao mà ra nông nỗi này vậy, sao cụ lại ở dưới cái cống này? Rõ khổ thôi cụ uống nhiều như thế thì ở lại nhà con cháu mà ngủ chứ về làm gì? - Hừ…Hừ…Quốc tửu muôn năm… Ông cụ Ráy này hay xỉn rượu lắm. Mỗi lần ông xỉn rượu là lũ trẻ chúng tôi biết hết. Cụ luôn mang theo một cây gậy để chống vì lưng cụ hơi còng mà. Cụ hay vào nhà người cháu ruột làm cán bộ to ở xã để uống rượu. Khi cụ uống nhiều,cái mặt cụ đỏ lên rồi nó lại sưng sưng nữa chứ, cái đầu cụ cứ nghẹo nghẹo một bên, nước dãi từ trong miệng cụ cứ thế chảy ra, rồi tay cầm cái gậy, cụ cứ giơ lên xoay xoay múa múa, miệng cụ lúc nào cũng nói. -Bác Hồ muôn năm, quốc tửu muôn năm…
Khi nghe thấy tiếng cụ Ráy là lũ trẻ con chúng tôi cứ thế chạy theo để xem, cụ không đánh đứa nào cả, nhưng mà đứa nào nhặt đất ném cụ là cụ đuổi đấy. Cụ đuổi đến tận nhà cơ rồi cụ đứng ở ngoài ngõ nhà chúng nó cụ chửi. Mỗi lần cụ đuổi là 2 cái chân cụ cứ như bắt chéo lấy nhau, thế nhưng không bao giờ cụ đứng sai ngõ nhà chúng nó nhé. Nhiều đứa bị ba mẹ lôi về đánh cho một trận đau điếng nên từ đó thấy cụ là không dám ném nữa.Những lúc như thế tôi thường đứng từ xa để xem cụ Ráy. Có lần tôi thấy cụ say rượu quá chẳng nhớ đường đi, cứ đi vào ngõ nhà cái Hoa, đi mấy bước cụ dừng lại vung cái gậy lên múa. Tôi chỉ sợ cụ vào nhà lại vung gậy đánh cái Hoa nên chạy vội về nhà mách mẹ. Đúng lúc đó thì thấy thằng Hưng cháu cụ đang đi. -Ông mày đi lạc đường kìa, ra mà dắt ông về kìa. -Đâu, ông tao đi ở đâu? -Ở ngõ nhà cái Hoa ấy. Thằng Hưng chạy nhanh đến chỗ ông cụ Bắc, Nó cầm tay cụ kéo đi, cụ liêu siêu bước theo nó. Cụ Ráy ngồi lên cái gacbaga, ông hàng xóm dắt xe đi bộ về nhà cụ Ráy. Ông gọi con cháu ra đỡ cụ vào, đưa cái áo ướt của cụ cho họ rồi ông lặng lẽ ra về. Hôm sau con cháu đến nhà cảm ơn ông hàng xóm đã cứu cụ Ráy, ông kể lại câu chuyện đêm qua cho con cháu cụ biết. Họ âm thầm mang lễ đến mộ tạ ơn bà. Ngày đấy sắp đến kỳ thi tốt nghiệp cấp 2, tôi cùng mấy đứa bạn rủ nhau đến mộ bà thắp hương xin bà phù hộ cho thi đậu. Trong nhóm đi này chỉ có một đứa không thắp hương, nó cũng không xin bà mà còn đứng mỉa mai. -Ôi dào chỉ có mê tín dị đoan, thi đậu hay không ở mình ấy chứ. Để xem bà có phù hộ cho chúng mày không nhé. Nhìn cái môi nó trề ra nói mà thấy ghét ghê, chúng tôi chẳng ai thèm trả lời nó một câu. Ấy thế mà kì thi năm ấy cả trường đậu hết chỉ có mình nó trượt thôi. Nó trượt tôi thấy thương nó quá, cả nhà chửi nó, nó xấu hổ với bạn bè đi ra ngoài chẳng dám chào hỏi ai. Sau này tôi học cấp 3, trường học xa nhà nên tôi ít có thời gian đến thăm mộ bà. Sáng nào tôi cũng phải dậy từ 5 giờ để đến trường. Những lúc xe hỏng phải dậy từ 4 giờ ôm cặp sách đi học cho nên ở quê tôi hồi ấy học xong cấp 3 cũng chỉ tính được trên đầu người mà thôi. Có những mùa đông trời lạnh quá, mẹ thương chúng tôi học hành vất vả nên đem gửi tôi nhà bà con gần trường để đi học cho thuận tiện. Cả tuần mới về nhà vào thứ 7 rồi chiều chủ nhật tôi lại đi. Hôm ấy đang học, tôi nghe mấy đứa nói là xã làm một cái lễ to lắm. Các bô lão trong xã ăn mặc nghiêm túc, cả nhà sư trong chùa cũng được mời đến. Họ làm lễ xin thỉnh đi dời mộ bà Đống vào bên trong con đường cái lớn đó. Sau khi cúng xong, người ta bắt đầu đào mộ, dân làng đổ ra xem rất đông. Khi đào đến xương, người dân thấy đó là bộ xương đàn bà, người này nằm nghiêng, 2 tay dang ra, sau gáy của bà có kết lại thành một bông hoa sen rất đẹp. Bộ xương đấy được rửa sạch rồi cho vào một cái tiểu, chôn bên trong con đường cái lớn đó. Từ ngày ấy trở đi, người dân không thấy bà xuất hiện nữa, không ai gặp bà trong những đêm khuya khoắt nữa, cũng từ đấy các tệ nạn lại xuất hiện. Đám du côn lại bắt những cô gái đi làm về khuya, cướp giật cũng xảy ra trên đoạn đường đó. Rồi bọn chích hút ma túy cũng tụ tập nơi đó. Mọi người bảo rằng do mộ bà bị lộ nên bà không còn linh thiêng nữa, không giúp người dân nữa. Con đường cái đó bây giờ đã thông suốt với xã bạn, nó được mở to hơn, được đổ bê tông nên đi lại thuận tiện lắm. Ngày ngày, lũ trẻ cắp sách đến trường mà không gặp trở ngại gì, chỉ có điều những tệ nạn xảy ra về đêm cứ tồn tại mãi mà xã chẳng giải quyết triệt để gì cả. Bốn năm trước về quê, tôi không khỏi đau lòng khi nhận thấy ma túy đã xâm nhập vào mọi con hẻm ngõ ngách của vùng quê, làm băng hoại cả thế hệ trẻ, những thanh niên đang tràn đầy nhựa sống ấy. Rồi lạ hơn nữa đó là hiện tượng chết trẻ của người dân nơi đây rất nhiều. Những người đang ở lứa tuổi làm bao việc có ích cho đời ấy lại cứ lăn ra chết vì ung thư, trong khi đó các cụ già 70, 80 tuổi lại sống rất thọ. Đứng trên ngôi nhà 3 tầng của người em mới xây tôi phóng tầm mắt ra xa, cánh đồng lúa vẫn trải dài xanh bất tận, vẫn những ngôi nhà hàng xóm thân thương ấy, chúng bạn mỗi đứa một nơi. Tôi bồi hồi nhớ lại tuổi thơ của mình, dòng sông nhỏ ấy đi đâu mất thay vào là con mương nước xanh như ao tù, chẳng con thuyền nào đi vào được, mấy cây bèo lục bình trôi lững lờ. Sao cứ thấy buồn đến thế.
Source: http://www.thegioivohinh.com/diendan/showthread.php?t=37717
|