CẤM SƠN MẦU NHIỆM (tt) Sau này về kể lại cho sư phụ và sư ông nghe, ông cười khẽ bảo: - Đó là các vị địa tiên. Lúc sinh thời họ luyện huyền môn nhiều hơn tu Chánh Pháp, cho nên lúc mãn phần họ đắc quả vị thụt. Các vị ấy không đạt Niết Bàn, không nhập vào tứ quả, cũng không được về cảnh trời nên tạm ở lại trong núi tiếp tục tu hành… - Vậy họ ở đến bao giờ hả thầy? – Tôi chen vào. - Không được hỏi leo! – Sư phụ tôi nạt. Giơ tay ngăn sư phụ tôi, sư ông cười và kể tiếp: - Có vị định nghiệp sâu dày, sẽ ở lại làm tổ của huyền môn linh giới. Vị nào muốn tu lên nữa thì chuyên sâu vào thiền định. Đến khi nào thành tựu các vị ấy sẽ được lên bậc trên tu tiếp. Trong động có nhiều bậc, đến bậc cuối cùng họ theo đường núi về cảnh trời. Mỗi chặng như thế cũng phải mất mấy trăm năm… - Trời! Lâu dữ vậy thầy? - Bởi họ không có thân ngũ hành để tu tập nên lâu. Vị nào muốn đắc quả mau hơn thì lập hạnh đầu thai trở về thế gian để tu tiếp. Nhưng sau khi tái sinh, họ được hưởng nhiều phước báu nhân gian, sự hưởng thụ sẽ che lấp thiên tính, đánh mất chánh niệm ban đầu rồi bị lạc hướng luôn. Bởi vậy, trước khi thác sanh, họ thường giao ước với một vị đồng đạo nào đó thị hiện xuống nhân gian để thức tỉnh mình… - Vậy những vị khác thì sao hả thầy? - Những vị còn lại không tái sinh thì tiếp tục tịnh tu trong núi. Sau đó, họ quán chiếu nhân gian, những ai có duyên với mình thì chiêu cảm về núi để tiếp điển. Người được tiếp điển sẽ có một số thần thông nhất định mà không cần phải bỏ công ngồi luyện. Những thần thông ấy được đem ra cứu độ người đời. Có người chữa bệnh, có người soi căn, xem bói, xem phong thủy…Việc cứu độ sanh nhơn sẽ làm nên công đức. Công đức ấy, người được tiếp điển hưởng một phần, còn lại sẽ quy chiếu về vị chơn linh kia. - Vậy họ độ đến bao giở hả thầy? - Họ độ đến khi nào thu thập đủ một ngàn công đức hoặc một vạn công đức thì xong. Các vị sẽ rút điển lại. Nếu người hữu duyên ấy biết tu tập, sẽ có một vị khác tiếp điển để tiếp tục lập công đức, hoặc được hướng dẫn pháp tu để được vào cảnh giới cao hơn. Ngược lại, nếu người được tiếp điển thiếu huệ căn, cứ nghĩ thần thông đó là của mình rồi dựa vào đó để tìm kiếm lợi lộc, sa đắm vào dục lạc nhân gian. Họ sẽ mất hết thần thông, phước báu tạo ra bao nhiêu đem tiêu xài hết thì chẳng bao lâu nghiệp dữ sẽ đổ xuống trên thân họ. - Nhưng con thấy có nhiều người đâu phải thuộc trường hợp thầy kể, họ có ai đó về dựa xác rồi vẫn chữa bệnh soi căn được vậy! - Những trường hợp đó là loại thứ hai. Họ có phần di nghiệp cửu huyền nên dù không muốn cũng phải làm thầy để bòn công đức cho tổ phụ. Ngoài ra còn có loại thứ ba. Đó là những người tự phá thai, con chết non trong bụng mẹ, hoặc đứa nhỏ sinh ra chẳng bao lâu thì mất, thể phách đứa bé vì có căn duyên với người mẹ nên không chịu đi đầu thai, bám theo hành xác mẹ. Cho đến khi nào đứa bé hữu duyên được một người thầy đạo hạnh dẫn dắt cho về núi tu học. Thời gian tu học từ ba đến bảy năm. Sau đó, đứa bé được gọi là Trạng, quay trở về làm đồng cô cốt cậu xem bói, cắt lễ, cạo gió, khuyến tu.... để lập một ngàn công đức. - Vậy… con có nằm trong những trường hợp trên hông vậy thầy? – Tôi thiệt thà hỏi. Sư ông và sư phụ im lặng quay nhìn nhau cười đầy ẩn ý.
|