Xin chào Khách

Adnet.uCoz.com

Cộng đồng

Trang chủ » Articles » Truyện » Truyện ma Đăng truyện

Chat với thế giới bên kia - 7

Thông thường, do sợ hãi người trốn chạy thực tại vì cho rằng thực tại này là khổ đau, đang khổ đau hay mang tính chất khổ đau. Giống như nói đời là khổ và biến nó thành câu khẩu hiệu, đi đâu làm gì cũng nói như vậy. Người bị liệu trong cái cho là khổ. Có câu trong cái rủi có cái may và trong cái may có cái rủi. Vậy trong cái khổ có cái vui và trong cái vui có cái khổ. Nếu nhìn kỹ sẽ thấy có cái không rủi không may và cũng có cái không khổ không vui. Vậy đời đâu chỉ là khổ hay rủi mà đời còn vui, may, không rủi không may, không vui không buồn. Thực tại có thể khổ đau, hạnh phúc, không khổ đau không hạnh phúc nhưng thực tại vẫn chỉ là thực tại mà thôi. Nó sẽ trở nên khổ đau hay hạnh phúc khi ai đó đặt ý niệm vào nó. Hôm mẹ tôi làm món đậu đỏ chiên ăn với bún và rau. Đây là món dinh dưỡng Ohsawa, món mà tôi thích ăn từ nhỏ. Thực ra hồi nhỏ không phải tôi thích ăn món này mà vì thích ngồi lăn mất viên bột đậu đỏ, thấy vui vui, vậy thôi, vì thích làm nên cũng thích ăn. Trong bữa ăn, người khen ngon, người khen bình thường, người chê dở. Cùng một món đậu đỏ chiên mà có đến ba lời bình phẩm, vậy bản chất đậu đỏ chiên có phải tự nó mang ba lời bình phẩm này không? Món đậu đỏ chiên là một thực tại và không ngon cũng không dở vì nó không yêu cầu ai bình phẩm về nó. Món ăn được cho là ngon vì ai đó đặt ý niệm ngon cho nó, được cho là dở vì ai đó đặt ý niệm dở cho nó và được cho là bình thường vì ai đó đặt ý niệm bình thường cho nó. Thực tại bị biến mất khi mình đặt ý niệm hay vọng tưởng về nó. Nói cách khác, buông bỏ ý niệm hay vọng tưởng về món đậu đỏ, tức là không đưa ra lời phán xét trong trường hợp này, người dùng món đậu đỏ chiên chỉ để dùng nó thôi, người tiếp xúc với thực tại mầu nhiệm. Thực tại ở đây là gì, là không ngon không dở, không đẹp không xấu, không tới không lui, không sinh không diệt, không tăng không giảm, không vui không buồn, không được không mất, không may không rủi, không hạnh phúc không khổ đau… Đối diện với thực tại là đối diện với tính “không” của nó, và “không” này không phải là ‘có không’ mà là thực tại biểu hiện khi nó đầy đủ nhân duyên và không biểu hiện cũng khi đầy đủ nhân duyên.

Vậy có cần phải chuyển hóa thực tại hay không hay những thứ mình gọi là chuyển hóa chỉ mang tính chất cung cấp điều kiện cho thực tại thay đổi hay biểu hiện dưới hình thức khác. Nếu nói ôm ấp và chuyển hóa nỗi khổ niềm đau thì cái gì gọi là khổ đau đâu đem ra coi. Khổ đau đã không có thì ôm ấp cái gì, chuyển hoá cái gì. Bất cứ ai cũng phải ít nhất một lần trải qua khổ đau và khổ đau có mặt biết khổ đau có mặt, vậy thôi. Khổ đau không phải là ta nên ta không bị kẹt trong cái khổ đau này. Chuyển hóa nó là cung cấp điều kiện cho nó chuyển sang hình thức khác, như hạnh phúc chẳng hạn vì hạnh phúc là sự vắng mặt của khổ đau. Giúp cho khổ đau vắng mặt, hạnh phúc sẽ biểu hiện. Cung cấp điều kiện cho khổ đau chuyển hóa tức là nhìn khổ đau bằng con mắt vô tướng như hạt giống khổ đau xuất phát từ trong mình, người kia có tri giác sai lầm, mình và người kia chưa thấu hiểu lẫn nhau, mình còn đặt ra tiêu chuẩn và danh sách đòi hỏi, các tâm sở bất thiện đang triển khai dàn hàng trong mình. Vào lúc này mình phải quán chiếu nguyên nhân của khổ đau, mình đã làm gì để khổ đau có mặt, mình nói điều gì sai, mình suy nghĩ bạo động ra sao, mình thiếu chín chắn thế nào… Mình phải đi thiền hành, tập thở cho cơn đau lắng xuống, phải chia sẻ với người mình nghĩ là đã làm khổ mình, tập lắng nghe để hiểu người kia hơn, hiểu người kia mới hiểu được mình, biết nỗi khổ của người kia cũng là lúc hiểu nỗi khổ của mình.

Tại sao phải làm như vậy? Vì mình và người là một, sở dĩ mình có là vì người kia có nên mọi người có mặt vì mọi người cần nhau. Cô giáo dạy tiếng Pháp không có học trò thì lấy ai mà dạy hay trường lớp hình thành nhưng không có thầy cô thì học với ai. Món cà ri có mặt vì có sự đóng góp của nước, bột cà ri, xả, khoai tây, khoai lang, tàu hủ, dầu ăn, bếp gas… Chỉ cần thiếu nước hay thiếu cà ri, mòn cà ri sức mấy có mặt. Nhìn người khác phải thấy mình trong đó như một người hoàn toàn xa lạ gặp gỡ mình, phải có duyên mới gặp nhau, không có duyên dù người trong gia đình cũng không gặp nhau. Mình mang trong cơ thể yếu tố đất, người cũng vậy nên quán chiếu thấy mình và người cùng sự cấu tạo. Mình mang trong cơ thể yếu tố nước, người cũng vậy nên quán chiếu thấy mình và người là nước. Mình mang trong cơ thể yếu tố sức nóng, người cũng vậy nên quán chiếu thấy mình và người là sức nóng. Mình mang trong cơ thể yếu tố không khí, người cũng vậy nên quán chiếu thấy mình và người là không khí. Mình mang trong cơ thể yếu tố không gian, người cũng vậy nên quán chiếu thấy mình và người là không gian. Thử rút hết đất, nước, sức nóng, không khí, không gian ra khỏi cơ thể, mình chẳng là gì, có thể chỉ là một hạt bụi, thậm chí không đủ sức để là hạt bụi. Năm yếu tố có trên địa cầu, mình và người cùng sống trên địa cầu, châu lục, quốc gia, cùng thở, cùng ăn. Rau cải, củ quả, cũng vậy, cũng từ năm yếu tố này. Mình ăn rau là ăn đất, ăn nước, ăn không khí, ăn năm yếu tố mà thôi. Nếu không khác nhau, hạnh phúc hay đau khổ của người chính là hạnh phúc hay đau khổ của mình. Trong gia đình, một thành viên buồn, cả nhà không vui. Trong nhóm bạn, một người vui, cả nhóm được chia sẻ. Cộng đồng được xây dựng bởi sự đóng góp của từng cá nhân nên không có sự khác biệt giữ cá nhân và tập thể. Mình giải quyết được nỗi khổ, cả cộng đồng bớt khổ. Mình được hạnh phúc, cả cộng đồng được hưởng.

Buồn vui đều vô thường và vô thường là hạnh phúc nên người an nhiên với cả buồn lẫn vui. Buồn đó và vui đó, đến rồi đi, đi rồi đến, rất nhanh, thậm chí có người không biết mình đang buồn hay vui. Nhìn sâu để thấy buồn vui không kéo dài mãi, nên cần phải biết trân quý cái vui nhưng không níu kéo nó, để tự nhiên và cần phải chấp nhận cái buồn nhưng không xua đuổi nó. Nhiều nỗi buồn rất vô cớ theo kiểu tôi buồn không biết vì sao tôi buồn, cái buồn này nguy hiểm vì khiến mình làm nô lệ cho nỗi buồn rất nhanh. Buồn phải buồn cái gì tức là có đối tượng của nỗi buồn, biết rõ nguyên nhân thì chăm sóc cho nỗi buồn, hóa giải nguyên nhân, giúp nỗi buồn được vơi, đồng thời lấy đó làm bài học để sau này không còn những nỗi buồn đại loại như thế. Nhiều nỗi buồn phát ra vì bị dính mắc nhiều quá, như dính mắc ý niệm về hạnh phúc. Nếu cho có nhiều tiền mới có hạnh phúc, có tiền rồi vẫn buồn. Cho có người bạn đời xinh đẹp mới hạnh phúc, có rồi vẫn buồn. Cho sự nghiệp địa vị cao sang mới hạnh phúc, có rồi vẫn buồn. Hình như loài người bận bịu đủ thứ nhưng lại rất rảnh rang với nỗi buồn. Thật ra, đâu có gì ghê gớm lắm đâu, buông bỏ mọi dính mắc thì mình sẽ hạnh phúc thôi. Nhạc sĩ Đức Huy có bài hát mang tựa đề Và Con Tim Đã Vui Trở Lại. Lắm lúc mình nên vui trở lại, dành thời gian cho việc vui trở lại hay đầu tư cho việc làm thế nào để con tim vui trở lại. Người thường có khuynh hướng tấn công khổ đau bên trong và bên ngoài, tức là mình khổ nên mình muốn chứng minh với người khác là mình đang khổ và cố gắng dìm bản thân trong đau khổ, hơn thế nữa mình gieo rắc nỗi khổ cho người khác, bắt họ phải chịu khổ chung với mình. Thật dại dột và nếu không nói là ngu xuẩn. Đó là tình trạng bế tắc, tự cho không lối thoát. Thế giới cứ ca tụng ngôn ngữ tuyệt vọng, thú đau thương rồi cho là biểu hiện thái độ thông cảm. Mình vô tình tưới tẩm những hạt giống đau thương mà không biết như xem bộ phim bi thương, vở kịch bi thương hay cuốn tiểu thuyết bi thương. Đi vào thế giới ảo rồi thông cảm cho một thế giới ảo, mình đồng hoá với cái ảo.

Đau khổ là thứ cảm xúc tiêu cực nhưng cũng tích cực. Tiêu cực vì nếu không chuyển hóa, thân tâm sẽ tiết ra chất độc khiến cơ thể bị bệnh. Bệnh của tâm làm cho thân bệnh, nhiều trường hợp muốn chữa bệnh thân phải chữa bệnh tâm. Người bị căng thẳng thần kinh dẫn đến mất ngủ, đau bao tử, chóng mặt và khó thở. Tất cả đều do tâm mà ra nên tâm an, thân sẽ an. Quán niệm hơi thở là phương pháp giúp tâm an rất mau và chánh niệm là bài thực tập nuôi dưỡng an lạc trong từng cảm thọ. Một loại cảm thọ phát khởi, nó cần được nhận diện và gọi đúng tên nhưng khoan vội can thiệp. Cảm thọ đôi khi mang tính giả dạng do cái tưởng của mình, giống như không buồn cứ tự cho là buồn. Nhìn kỹ rồi đi vào cảm thọ, trở thành một với cảm thọ, mình hiểu đó là cảm thọ gì và biết rõ diễn tiến của nó. Chánh niệm biết cảm thọ phát khởi, diễn ra và kết thúc. Nếu không làm chủ cảm thọ, cảm thọ sẽ làm chủ ngược trở lại. Giống như làm chủ cơn giận, biết cơn giận xuất phát từ đâu và thôi không giận nữa. Còn để cơn giận làm chủ, bản thân không kiểm soát được và bị điều khiển bởi những hành vi có ý thức mơ hồ. Khi cơn giận đã qua, mình bắt đầu hối hận, thấy nhiều khi mình bồng bột, nóng vội. Tính chất tích cực của đau khổ là nhờ vào nó mình tìm ra con đường hạnh phúc và hạnh phúc có mặt trong từng tế bào của đau khổ. Người bị bệnh rất trân quý sức khoẻ. Cái họ cần không phải là bằng cấp hay danh vọng, họ chỉ cần khoẻ mạnh là vui sướng lắm. Mình cứ tưởng bệnh tật hay tai nạn chỉ xảy ra với người kia, chứ không bao giờ xảy ra cho mình. Vì bệnh, mình quyết chí tìm thầy chữa bệnh, tìm hiểu nguyên nhân căn bệnh và lúc khoẻ mạnh, học cách phòng chống bệnh để sau này không rơi vào tình trạng đau ốm nữa. Không thấy rõ nguyên nhân của khổ nên mình nói nó là tiêu cực, nhưng nhìn sâu được, một con đường không khổ sẽ mở ra, mình chỉ việc bước trên con đường đó.

Thực ra không có cái ta trong hạnh phúc hay khổ đau. Ai là người hạnh phúc, ai là người khổ đau? Nói ta đang hạnh phúc, không lẽ lát nữa ta sẽ khổ đau. Hoặc bây giờ ta đang khổ nên ráng chịu đi để lát nữa ta hạnh phúc. Mình hay có ý niệm về ta như thế nên bị kẹt vào các điều kiện của hạnh phúc và các điều kiện của khổ đau. Điều kiện của hạnh phúc là tự ý cho rằng đi du lịch đến Paris hay Thượng Hải mới hạnh phúc mà không biết chẳng đi đâu cả vẫn là điều kiện của hạnh phúc. Điều kiện của khổ đau là tự ý cho rằng người kia nói như vầy, làm như vầy thì mình khổ lắm mà chẳng biết người không làm gì không nói gì, mình vẫn khổ. Một đứa trẻ nói với ba mẹ, con lớn rồi, con làm gì là chuyện của con, ba mẹ không nên can thiệp. Cậu chỉ hạnh phúc nếu ba mẹ để cậu yên, cậu muốn làm gì thì làm, nếu họ nói ra nói vào, cậu sẽ khổ vô cùng. Đứa trẻ khác ngược lại, nói với ba mẹ, con muốn ba mẹ quan tâm, trò chuyện với con, hỏi han, lắng nghe con. Cậu chỉ hạnh phúc nếu ba mẹ chú ý đến, vì cậu muốn chứng minh mình đang có mặt, muốn được chăm sóc. Vậy theo thế gian, hạnh phúc là sự thoả mãn về đòi hỏi và khổ đau khi quyền đòi hỏi bị tước đi, đồng thời tính thoả mãn bị bức bách nhưng không đủ điều kiện thực hiện. Trong nhà Phật, hạnh phúc và khổ đau là một nên không phân biệt cái này là hạnh phúc, cái này là khổ đau. Con kiến cắn, biết kiến cắn, cắn xong thấy đau, biết đau, vì đau nên lấy dầu xức, xức xong thấy đỡ đau, biết đã đỡ đau, đỡ đau rồi hết đau, biết hết đau. Đem tâm giận con kiến, cái đau vẫn có mặt, cái đau do kiến cắn chưa hết mà cái đau do giận con kiến gây ra chồng lên cái đau kia, con kiến đâu quan tâm mức độ đau thế nào. Vậy cái đau do con kiến mang tới hay do mình thêm mắm thêm muối? Tương tự, một người khen mình, mình khoái chí, cảm thấy hạnh phúc, vui, biết vui, cái vui đang diễn ra, biết cái vui đang diễn ra, cái vui kết thúc, biết cái vui đã kết thúc. Đem cái tâm đặt vào lời khen, tức là có khen mới có hạnh phúc, ngày hôm sau không ai khen mình nên hơi khó chịu. Vậy hạnh phúc là được khen hay không được khen?

Sử dụng chánh niệm trông chừng khổ đau lẫn hạnh phúc. Chuyển hóa nỗi khổ niềm đau nhưng cũng học cách chuyển hoá an lạc hạnh phúc. Tu mà cứ đòi phải an lạc thì nguy hiểm, có thể mình vẫn còn dính mắc vào cái an cái lạc. An lạc là an lạc ngay trong khổ đau. Nếu sống trong an lạc, đi ra vùng khổ đau, mình sẽ chịu không nổi. Muốn thử thách bản thân, hãy đi ra vùng khổ đau, vẫn an lạc được mới gọi là an lạc đích thực. Tự viện có thể cấm sử dụng internet, cấm sử dụng điện thoại di động hay cấm đi ra ngoài một mình nhưng người tu tập vững chãi, thực sự an lạc, cho họ sử dụng internet, xài điện thoại thoải mái hay đi đâu đó một mình, họ vẫn không bị vướng vào tà dục, không bị tà dục lôi kéo. Cái này cái kia bị cấm vì sợ, sợ người phạm sai lầm và minh chứng cho thấy đã có người phạm sai lầm. Lúc ban đầu, chưa biết điều phục thân tâm như thế nào, cấm là chuyện đương nhiên nhưng với người biết tu biết chứng, dù cho phép họ cũng không dính vào. Có những thứ an lạc trá hình người tu không biết, cứ cho đó là sự an lạc mình phải hướng về như đi tìm sự an lạc bên ngoài nhiều hơn an lạc bên trong. Chẳng hạn tổ chức khoá tu hay làm từ thiện, đây là việc làm đáng quý đáng trân trọng không gì bàn cãi nhưng đừng bị kẹt vào nó. Nhiệm vụ của người tu là tu, không vì mục đích gì khác. Nếu tu giỏi, những việc khác tự nhiên sẽ giỏi. Một học trò đi học, điều đầu tiên người thầy phải dạy là đạo đức rồi mới đến cái chữ, cái đọc, cái viết. Nền giáo dục châm mẫm vào tài năng nhưng quên đi đạo đức, nền giáo dục phá sản, chỉ đào tạo ra những cái máy biết làm việc nhưng không biết yêu thương. Người tu biết học và không biết hành, khổ đau vẫn còn và nếu có an lạc, an lạc này không tự nhiên, nó mang dáng vẻ của hưởng thụ.

Bên Tây phương, nhất là trong kỹ năng làm việc, người ta hay lập những danh sách do’s và don’ts, tức là làm những việc phải làm và không làm những việc không làm. Cách này cũng tốt, thiết nghĩ mình nên lên danh sách như vậy, thay đổi chút xíu là danh sách cần làm ngay và danh sách không cần làm ngay, hay danh sách các yếu tố cần chuyển hoá và danh sách các yếu tố cần buông bỏ. Hạnh phúc rất quan trọng, khổ đau cũng quan trọng nên chăm sóc cả hai. Chăm sóc hạnh phúc của mình làm cho nó dài lâu. Hạnh phúc của mình là gì, là mình, là ba mẹ, là gia đình, là những người xung quanh. Chăm sóc khổ đau của mình làm cho nó nằm im, xoa dịu nó, biến nó thành điều kiện hạnh phúc. Khổ đau của mình là gì, cũng là mình, là ba mẹ, là gia đình, là những người xung quanh. Đừng bao giờ trốn chạy khổ đau mà chấp nhận nó. Đừng bao giờ ôm đồm hạnh phúc mà hãy cho ra. Thực tập để các điều kiện khổ đau không có mặt và đó cũng là lúc tạo điều kiện cho hạnh phúc phát khởi. Người có nhiều khổ đau nhiều khi lại là người hạnh phúc nhất vì họ biết rõ hương vị của hạnh phúc là gì do đã nếm trải hương vị của khổ đau.

Tình thương là gì? Làm thế nào để yêu thương đậm sâu? Trên đời này thực sự có tình yêu đích thực không? Người trẻ hay hỏi, cô ấy có thương mình không, anh ấy có thương mình không, ba mẹ có thương mình không hay bạn bè có thực lòng với mình không. Ấy vậy họ ít khi tự hỏi, mình có thiệt thương cô ấy hay anh ấy không, mình có thiệt thương ba mẹ không, mình có thiệt thực lòng với bạn bè không. Tình thương đích thực là thứ tình cảm đẹp đẽ, ban phát hạnh phúc đến đối tượng, hiểu rõ khổ đau của đối tượng, vui với cái vui của đối tượng và thiết tha với đối tượng đó một cách chân thành tột cùng. Thương người thì phải làm cho người vui như có mặt cho họ, lắng nghe họ và khuyến khích họ vượt qua thử thách. Thương người thì phải biết người đang buồn điều gì, mong muốn điều gì và có nỗi khổ niềm đau nào. Thương người thì phải hạnh phúc khi người hạnh phúc, hạnh phúc của người chính là hạnh phúc của mình. Thương người thì phải đối xử với người thành thật, không suy tính, không đắn đo, không kỳ thị. Khi yêu thương hết lòng, mình không đặt điều kiện, không đòi hỏi quá đáng và không thấy mình là người ban phát yêu thương. Ranh giới giữa thương và ghét rất mỏng manh. Có người thương nhiều lắm nhưng khi ghét rồi là ghét cả tông môn họ hàng, nên cái thương lúc ban đầu hơi có vấn đề. Tình thương không có mặt của sự chiếm hữu vì như vậy là lợi dụng tình thương, người càng ngày càng xa cách. Mình phải biết hy sinh, đức tính hy sinh vượt thắng mọi đòi hỏi, nếu có chăng đó chỉ là sự chia sẻ để các bên hiểu nhau và nhờ thế thương nhau hơn.

Bản chất của con người là tình thương và nhờ có tình thương, họ mới sống được, bằng không họ không thể lớn lên, không thể trưởng thành. Sở dĩ người mạnh mẽ vì tình thương đang trào dâng mãnh liệt. Thương quá mức bị cho là yếu đuối, không phải vậy, thương nhiều hay ít không quan trọng, có thương là hay lắm rồi, không biết thương mới đáng trách. Tình thương không phải là phong trào hay mốt mà là quyền lợi. Mình có quyền thương người này người kia nhưng phải thương như thế nào cho đúng, để mình có hạnh phúc và người kia cũng có hạnh phúc. Nhiều chàng trai hay khoe khoang là mình có nhiều người yêu hay được nhiều cô theo đuổi, các cô cũng vậy. Hoặc nhiều thanh thiếu niên cặp bồ cặp bạn để chứng minh mình có người yêu với người khác, cũng biết lo biết lắng, cũng suy nghĩ mộng mơ. Cái gì đến nhanh thì cũng qua nhanh, nếu có kéo dài cũng là sự tạm bợ. Con người bị ràng buộc bởi nghĩa vụ và trách nhiệm mà không chịu nhìn nhận đó là quyền lợi. Hai vợ chồng mới cưới, vợ có nghĩa vụ và trách nhiệm với chồng, chồng cũng vậy, nếu ai vi phạm, xem như lỗi đạo của nhau. Người chồng than phải đi làm kiếm tiền, phải chăm lo sự nghiệp, phải xây dựng nhà cửa. Người vợ than phải quán xuyến chuyện nhà, phải nuôi dạy con cái, phải chăm sóc gia đình. Nói chung đủ thứ chuyện. Đứa con cũng than, được cho là có nghĩa vụ và trách nhiệm nuôi dưỡng cha mẹ. Nói nghĩa vụ và trách nhiệm nghe sao nặng nề quá, giống như vật cản đường, đè lên đôi vai gầy gò của con người. Cần thay đổi thái độ, vợ chồng hay đứa con phải thay đổi thái độ. Chồng chăm sóc vợ và gia đình là quyền lợi của anh chồng, anh đang chăm sóc hạnh phúc của chính anh, nói như vậy để anh thực hiện quyền lợi hết lòng. Vợ chăm sóc chồng và gia đình là quyền lợi của chị, chị đang chăm sóc hạnh phúc của chính chị, nói như vậy để chị thực hiện quyền lợi hết lòng. Đứa con chăm sóc cha mẹ là quyền lợi của đứa con, đứa con đang chăm sóc hạnh phúc của chính mình, nói như vậy để đứa con thực hiện quyền lợi hết lòng. Biểu hiện của tình thương là xem nghĩa vụ và trách nhiệm là quyền lợi, tức là chấm dứt việc đòi hỏi người khác thương mình vì muốn người khác thương mình, trước hết mình phải thương họ mà làm gì khi thương họ, thực hiện các quyền lợi đã nói ở trên.

Biết thương mới biết tu nên tập thương rồi hãy tập tu. Không biết thương mà đi tu là phá chùa. Ai cũng biết thương yêu nên ai cũng biết tu tập. Vậy có ai mời mình tu tập thì đừng có từ chối, vì nếu từ chối, chứng tỏ mình không biết thương yêu. Một anh chàng nói, từ khi chia tay cô ấy, tôi mới thương cô ấy nhiều hơn. Thật dại dột khi nói như thế vì lúc thương người mình không chịu nói, không chịu đầu tư, không chịu thương. Đến khi người đi rồi, mình mới nói, người đâu có nghe được, mình mới thấy người quý giá như thế nào. Ví dụ khác, khi cha mẹ còn sống không lo báo hiếu, cứ tưởng cha mẹ sống đời với mình. Lúc cha mẹ đột ngột đi rồi, ngồi than, phải chi thế này thế nọ. Tình thương trong mình hời hợt vậy đó, mình cứ lo chạy chỗ này chạy chỗ kia nhưng mấy chỗ đó không hề có mặt người thương. Cái ngu dại giết chết người thương, để người ấy héo hon, buồn tẻ, đến lúc chịu không nổi, người bỏ đi, mình mới giật mình, trời ơi bấy lâu mình cần người ấy mà mình không biết, bây giờ người đi rồi, mình mới hối tiếc vì đã bỏ mặc người quá lâu. Mình chạy theo sự nghiệp, bằng cấp, dự án, bóng hình khác trong khi người ấy chính là sự nghiệp, bằng cấp, dự án của mình. Tình thương là cả một sự nghiệp. Nếu sự nghiệp thành công mà tình thương sụp đổ, mình chỉ là một kẻ thất bại nặng nề. Hãy để tình thương biểu hiện trên gương mặt, trong trái tim và bằng nụ cười. Mình hay ngụy biện, tôi lo sự nghiệp là lo cho cô, lo cho gia đình này, lo cho cha mẹ, lo cho mấy đứa con. Gia đình cần cơm ăn áo mặc lắm chứ, nhưng họ vẫn cần mình hơn. Mình vẫn lo cho sự nghiệp, nhưng lo thế nào để người thương vẫn hiện tiền, không có “delete” họ.

Tu là đi vào cuộc đời để tu, không phải trốn tránh đời theo kiểu chuyện tình Lan và Điệp như người vẫn lầm tưởng. Đức Phật dạy chỉ có tu nơi thế gian, mới thành công và ngay thế gian, ngài tu thành Phật. Câu nói phiền não tức bồ đề được hiểu như vậy, tức là nhờ phiền não mới thấy được bồ đề hay hạnh phúc nằm ngay trong khổ đau. Đạo Phật đi vào cuộc đời là một thứ đạo Phật ứng dụng, nhìn rõ nỗi khổ niềm đau của đời và áp dụng các giáo lý các pháp môn Phật giáo để thực tập và chuyển hóa khổ đau. Người biết tu là người sống trong đời hay nhất, còn dù sống trong đời mà không tu thì như kẻ đi lang thang, ảo hóa đời mình. Tu trong chùa dễ lắm, ra chợ tu mới khó, người nào ở trong chợ tu được là giỏi. Giống như thiền tập, nơi vắng vẻ yên tịnh, hành giả có nhiều thuận lợi, nhưng ở nơi ồn ào, náo nhiệt, vẫn tỉnh thức vẫn chánh niệm, hành giả có sự tiến bộ. Giác ngộ là giác ngộ về sự thật của cuộc đời, nếu không đi vào đời, làm sao hiểu đời, làm sao quán chiếu sự sống. Mang yêu thương về đời, về với sự sống vì đời thiếu thốn tình thương vô cùng. Sở dĩ con người đến với nhau vì cô đơn quá lâu, thiếu thốn tình thương và không có con đường nào để đi. Đi vào cuộc đời để chấp nhận nó, không phải ghét bỏ hay phủ nhận. Cuộc đời được thiết kế bằng những chặng đường phải đi qua và dĩ nhiên sống ở chặng đường nào cũng thấy hạnh phúc, không phải đến cuối cuộc đời mới hạnh phúc. Đi vào cuộc đời tu tập làm gia tăng tính vững chãi với ước nguyện giải thoát và độ đời. Mục đích của người tu là đạt quả vị giải thoát, đạt an vui tuyệt đối, sau đó tìm cơ hội độ đời, giúp người này người kia tu tập. Người tu không tu cho riêng người, còn tu cho người khác, muốn giúp được người khác, phải tu cái đã, chưa thực tập được gì đã đòi độ đời, e rằng sẽ đi sai đường. Nhờ đi vào cuộc đời, người hiểu rõ đời cần gì, sử dụng các phương tiện thích hợp giúp chúng sinh thực tập hạnh phúc, chuyển hoá khổ đau.

Biểu hiện cao quý nhất của tình thương là thực tập nó. Nói rất hay, viết rất giỏi nhưng thực tập èo uột thì tình thương đó chỉ là lớp vỏ trấu bên ngoài. Tình thương là bản chất của người, tuy nhiên, tình thương phải thực tập bởi vì không thực tập, không làm mới sẽ mai một, sẽ tàn phai. Hai vợ chồng sống với nhau nhiều năm phải biết cách làm mới tình thương, bằng không họ sẽ mau chán vì tình thương bị bào mòn. Vợ chồng già còn đem ra toà li dị, nói chi đến vợ chồng trẻ, bởi họ không đầu tư cho tình thương, họ chỉ đầu tư cho vật chất, sự nghiệp, cho những thứ không phải là tình thương. Đây không là lý thuyết suông, đem ra viết sách hay trưng bày trong tủ kiếng, vì càng nói nhiều, người càng không có thời gian để yêu thương. Một số người lo ngồi tranh cãi các học thuyết, quan điểm hay ý kiến nhưng ít khi chịu thừa nhận rằng, làm như thế rất mất thì giờ. Thì giờ được dùng để có mặt cho nhau, chăm sóc nhau, thay đổi những điều cần thiết. Ngồi tranh cãi chẳng làm được gì mà còn đánh mất tình huynh đệ nếu không biết cách nói chuyện và chia sẻ. Tình thương cũng cần sáng tạo, không phải cứ rập khuôn theo sách vở hay lời khuyên của bác sĩ tâm lý. Có anh chàng sinh viên đại học Bách Khoa thì phải, chuyện xảy ra lâu quá tôi không nhớ nữa. Anh đã xếp một vòng tròn hình trái tim trước sân trường và bày tỏ tình cảm với một cô gái cùng trường. Cô gái sung sướng trước cử chỉ của anh, hạnh phúc không phải là vì nhìn thấy hình trái tim mà hiểu được công lao anh sưu tập hoa, ngồi xếp và muốn mang hạnh phúc đến cho cô. Thực tập tình thương không khó, thương thì không ngại gì nữa, thương thì vẫn cứ thương thôi. Nhìn vào những điều dễ thương của bản thân, xem mình có những tố chất dễ thương nào, tận dụng điều đó mà hiến tặng cho người khác. Ngày xưa tôi có người bạn cùng lớp có nụ cười rất đẹp, bạn ấy biết mình có nụ cười đẹp nên lúc nào cũng cười, chưa làm gì hết, chỉ mới cười thôi, mọi thứ đã trở nên dễ chịu. Tình thương là vậy, là nụ cười, là hỏi han, là chăm sóc, là giữ gìn, là trân quý, là tôn trọng, là sống vì người khác.

Hãy đi vào tình thương, đừng đi vòng quanh, đừng dậm chân tại chỗ. Nhiều người ngồi đo lường tình thương của người khác, phán xét họ, trong khi quên mất mình, quên đánh giá mình. Người trẻ làm việc cật lực để có đủ tài chính đi vòng quanh thế giới và xem đó là nhu cầu bức thiết chứng minh cho tính biết hưởng thụ của mình. Tôi đã chứng kiến một nhóm người ngồi trầm trồ khen ngợi một bạn ngồi kể mình đến nước này nước kia. Đi một ngày đàng học một sàng khôn là vậy, nhưng dù có đi vòng quanh thế giới cũng vẫn chỉ là đi vòng quanh, chưa bao giờ mình thực sự đi sâu vào lòng thế giới. Ngay cả việc sinh sống tại đước bản địa 10 năm, 20 năm hay cả đời, chưa chắc đã hiểu hết tính tình của đất nước đó. Đi 100 quốc gia nhưng không hiểu quốc gia nào, nếu có chỉ là hiểu hời hợt, hiểu theo kiểu phán xét và khoe khoang thì cái hiểu đó còn thô thiển và nhỏ mọn. Có lần đi trên chuyến bay, tình cờ tôi nghe một bạn trẻ ngồi chỉ trích nước của mình và nói chỉ muốn ở nước ngoài, không muốn về nước nữa. Bạn ấy không hiểu rằng đất nước bạn ấy ra sao là có sự đóng góp của bạn ấy, nếu muốn đất nước tốt đẹp, bạn ấy phải tốt đẹp đã. Chê bai đất nước mình, cũng là chê bai chính mình thôi. Nếu bạn ấy không thay đổi, đi đến nước khác ở, một thời gian sau bạn ấy sẽ chán rất mau và nhiều khi đem những điều không đẹp đến nơi ở mới. Đi đến đâu cũng là sự trở về, về ngay từng bước chân. Tình thương cũng vậy, nếu người đến Việt Nam, người mang tình thương đến Việt Nam, đến Nhật Bản, đem tình thương đến Nhật Bản. Tình thương mọi lúc mọi nơi, không phải đến chỗ này thì thương, chỗ kia thì ghét. Cái chỗ đâu bắt người phải thương hay ghét. Bởi người đi vòng quanh nên ngồi trên tàu siêu tốc, tình thương vẫn nhỏ bé và đi nhiều cách mấy, người vẫn đứng tại chỗ, chưa tiến triển gì thêm được.

Năng lượng của yêu thương rất mạnh, đập tan đau khổ rất mau, chữa lành vết thương rất nhanh và hàn gắn sự sức mẻ rất siêu tuyệt. Người bạn đang buồn, cảm thông với nỗi đau, mình ôm lấy đôi bờ vai của bạn hay nắm lấy bàn tay của bạn, người bạn cảm thấy nhẹ nhàng đi phần nào. Đứa con đang khóc, người mẹ chạy tới ôm lấy, sự có mặt của mẹ giúp bé bớt khóc và cảm thấy an tâm hơn. Ông ngoại vừa mất, bà ngoại đau khổ rất nhiều, mấy đứa con và mấy đứa cháu cùng nhau an ủi, khuyến khích, bà bớt đau vì thấy con cháu tề tựu quanh mình. Một đứa bạn ngồi tâm sự với vẻ mặt buồn rầu, số tao sao hẩm hiu, chẳng ai thương tao. Đứa bạn ngồi kế bên, còn tao nữa chi, có tao thương mày nè. Chỉ mới nói thế, người bạn đau khổ đã thấy nhẹ nhõm phần nào và ánh mắt sáng lên. Cậu bạn nói thêm, mày rảnh không, chiều nay đi tập bóng chày hay đá banh gì không. Người bạn đau khổ mừng vui thêm nữa, ít nhất cũng có một người bạn và người đó đồng ý có mặt cho mình trong buổi tập bóng. Người có tình thương năng lượng rất mạnh, bẻ gãy nòng súng, ngăn chặn cả trận cuồng phong, làm chùn bước cả cơn giông bão, người hung dữ nhất cũng trở nên hiền lành. Bài kệ Im Lặng Sấm Sét nói lên tình thương vô biên, phá tan hận thù, đem lại trời xanh mây trắng, không còn mưa gió bão bùng gì nữa, nếu có cũng không làm gì được. Cái im lặng này là sự im lặng của những tham đắm bên trong, không cho nó tấn công và làm mất mát tình thương. Công việc hàng ngày có thể bận rộn nhưng hãy chăm lo cho sức khỏe tình thương và trị liệu tình thương của mình. Tình thương có không ít căn bệnh nên sức khỏe lúc thăng lúc trầm. Thân thể bào mòn và tan rã, tình thương phải tỷ lệ nghịch với nó. Tuổi càng cao, tình thương phải càng lớn, Tuổi cao, tình thương nhỏ lại, có khác gì trẻ nít. Mấy đứa nhỏ nhiều khi biết yêu thương nhiều hơn người lớn. Bé Mai Xuân Trường, mới năm tuổi, con của cô giáo Võ Thị Mến, đã biết chăm sóc mẹ, hiếu thảo với mẹ, điều mà không ít người lớn không thể làm nổi.

Mang yêu thương về, người trở nên giàu có, không bay nhảy nữa. Mang về không phải là đi đâu đó đem về mà tình thương có sẵn trong mình, làm cho nó nảy mầm, phát triển và ra hoa kết trái. Khi tình thương ngự trị và hiện tiền, mình là gì cũng không sợ và đi đâu cũng thấy an toàn. Hãy cho nhiều hơn nhận, tức là ban phát tình thương, nhiều hơn thâu tóm tình thương, giống như hãy là người phụng sự, nhiều hơn là người hưởng thụ. Khái niệm trưởng thành của con người là trưởng thành về tình thương, biết thương, biết yêu. Ngày xưa, một vị sa di chỉ mới bảy tuổi đã biết tu tập, thậm chí đạt đạo quả A la hán, đơn giản vì vị sa di ấy biết quán chiếu sự sống, biết yêu thương tuyệt đối. Tình thương tuyệt đối là thứ tình thương không có mong cầu, không phân biệt đối tượng và cho dù người đối xử thế nào, dễ thương hay không dễ thương, nhiệm vụ của người cũng chỉ là thương thôi. Đến lúc nào đó, cái gì mình cũng thương được, cái gì mình cũng trân quý được, mình trở thành tình thương không sai. Nói đến đức Phật là nói đến từ bi, nói đến tình thương, không nói về điều gì khác. Khi ai kia nhắc đến mình là nhắc đến tình thương, sự thực tập của mình phần nào đúng đắn. Nếu nhắc đến mình là nhắc đến sự tham đắm, giận dữ, ích kỷ, bon chen…, sự thực tập của mình đã mai một và hình như chẳng thực tập được gì.

Cây sứ còn rất nhỏ, nếu mỗi ngày có người tưới nước và chăm sóc, nó sẽ lớn lên và trổ hoa. Hoa sứ màu hồng đỏ, rất đẹp, không sống lâu, khoảng 3-4 ngày là héo và rụng xuống. Thân hoa trở thành đất và nuôi dưỡng trở lại cây sứ. Nhìn cơn mưa, nó không thể là cơn mưa nếu không có sự tổng hợp của hằng hà sa số hạt mưa và hạt mưa không làm được gì nếu một mình đơn độc. Điều cần chú ý là trận mưa có mặt là nhờ từng hạt mưa có mặt, nên trân quý trận mưa, là trân quý từng yếu tố của nó, là hạt mưa. Mỗi hạt mưa nuôi dưỡng cả cơn mưa và các loài sinh thực vật. Nhìn cậu bé đôi mắt tròn xoe, nụ cười chúm chím, đôi bàn tay bụ bẫm chạy nhảy ngoài vườn. Bé lớn lên từ một phôi bào rất nhỏ nhưng vì được gìn giữ, được chăm sóc, cái phôi đó lớn lên, đẹp đẽ và vĩ đại như bây giờ. Đứa con là thành tựu của cha mẹ và hỏi sự nghiệp của ông bà là gì, họ nói, là đứa con của tôi với tâm trạng rất đỗi tự hào. Nhớ lại ngày xưa, cây sứ con bị chặt bỏ, người sẽ không có cây sứ, không có hoa, không có màu hồng, không có gì cho chim chóc, cho đàn bướm bay về. Không có những hạt mưa nhỏ góp lại, mình không thể ngắm mưa qua khung cửa và không thấy nó đẹp như bức tranh. Mưa là sự tiếp nối của đám mây, nhờ mây biết giữ gìn nên cơn mưa mới đẹp như vậy. Đứa trẻ là sự tiếp nối của cha mẹ, là kết tinh tình yêu giữa người nam và người nữ nên giữ gìn đứa con là giữ gìn tình yêu. Mình thường lên tiếng bảo vệ thiên nhiên và các loài động vật, vậy không có lý do gì không bảo vệ đứa con của mình.

Số người trẻ quan hệ tình dục trước hôn nhân không biết cách bảo vệ ngày càng đông và những sinh mạng mới được hình thành. Tác động bởi phim ảnh, bạn bè, môi trường không lành mạnh, trào lưu văn hóa sống thử khiến họ bị mê hoặc bởi những cảm xúc được nguỵ biện là chứng minh cho tình yêu. Bây giờ người ta yêu bằng mắt và xác thịt nhiều hơn yêu bằng con tim, tình yêu đích thực trở thành của hiếm. Mối quan tâm về trách nhiệm bị đặt ở mức tối thiểu và khi có thai ngoài ý muốn họ chối bỏ sự sống bằng cách tự cho mình cái quyền vứt đi mầm non vừa chớm nở. Vong linh thai nhi vì thế có mặt và số lượng vong linh này ngày càng đông, họ oán giận người từ chối họ, cướp đi sự sống của họ. Người biết giữ giới, trong đó giới thứ nhất là bảo vệ sinh mạng muôn loài, sẽ tuân thủ việc gìn giữ bào thai từ trong trứng nước. Vong linh thai nhi trở nên dày đặc hơn và tiếng kêu khóc của chúng vang lên khắp nơi, nào là đói lạnh, nào là không nơi nương tựa, nào là thiếu thốn tình thương, nào là bị ruồng bỏ, nào là bị hất hủi. Ngay cả một cái tên chúng cũng không có, nói chi đến thức ăn, cúng quải hay dẫn đến chùa để nghe kinh kệ. Vô hình chung, đứa trẻ trở thành dây oan với cha mẹ của chúng. Nhiều người hiếm muộn con cái, sinh con không nuôi được hay đứa con mất khi còn trẻ là do trong kiếp quá khứ đã vứt bỏ con của mình. Nhiều nguyên thủ quốc gia, cha mẹ hay bác sĩ rất dại dột đã ban hành những luật lệ, khuyến khích, thậm chí dùng lời đe doạ để ép buộc người khác từ bỏ sự sống trong cơ thể. Hổ dữ còn không ăn thịt con, gà mái yếu ớt vẫn giang rộng đôi cánh che chở cho đàn con, kanguru bỏ con vào túi để mang con theo suốt ngày, vậy mình là người, sao lại đành đoạn vứt bỏ núm ruột của mình, đứa con là máu thịt, là tình yêu, là vẻ đẹp vĩnh hằng. Mình ơi, mình phải biết hy sinh cho đứa con, đó là niềm hạnh phúc vô tận. Thương con, mình bảo vệ cho con. Người có tình thương sẽ bảo vệ sự sống đến tận cùng của tế bào.

Bảo vệ sự sống bào thai là bảo vệ chính mình, cho phép bản thân có sự tiếp nối và đi vào tương lai. Thật vui mừng khi người mẹ cảm nhận mầm sống lớn dần trong cơ thể, mẹ đi, con cũng đi, mẹ ăn, con cũng ăn, mẹ vui, con cũng vui, mẹ cười, con cũng cười. Người không có quyền tước đi quyền làm con và hơn cả là không có quyền tước đi quyền làm người của con. Ngày vừa mới hình thành, con mừng lắm, bởi vì con biết rằng, con sắp được nghe tiếng mẹ nói, ngắm nhìn bầu trời xanh và chạy tung tăng giữa không gian thênh thang. Con hạnh phúc khi được làm con của mẹ và không biết mẹ có sung sướng như con không. Nếu quí vị đọc cuốn sách Thiên thần sám hối của Duy Anh, sẽ thấy đứa trẻ bị chối bỏ đau khổ như thế nào. Được sinh ra đời là diễm phúc lớn nhất của một sinh linh, mình may mắn khi cha mẹ gìn giữ mình, cho phép mình ra đời. Thầm cám ơn cha mẹ đã sinh ra mình, cho mình được sống để tu tập, để hạnh phúc với cuộc đời. Sinh ra làm người là điều hết sức hi hữu vì biết bao chúng sinh vẫn còn lăn mình trong các cõi khổ, mong dứt hết nghiệp bất thiện trở lại làm người. Hãy cho đứa con cơ hội làm người là như vậy bởi vì chỉ có kiếp người mới tu tập được, mới giải thoát được. Sinh về cõi dưới hay cõi trời khó tu lắm. Cõi dưới khổ quá, tu không nổi. Cõi trời vui quá, làm biếng tu. Chỉ có con người đủ điều kiện để thực tập hạnh phúc, chuyển hóa nỗi khổ niềm đau. Vậy khi đang làm người, hãy lo hạnh phúc đi và nếu sinh mạng mới sắp chào đời, đó là sự kiện tuyệt diệu vì sắp sửa có người cùng mình thực tập trên con đường hạnh phúc. Nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn làm đủ mọi cách để có con như cầu nguyện, nhờ khoa học, canh ngày giờ… Trong khi đó, mình là người mắn con, có nhiều con, mình sung sướng vì điều đó mới phải. Những thứ mình trân quý nhiều nhất, đứa con là điều phải trân quý nhiều hơn cả, bởi đó là sự sống nhiệm mầu, là tình thương vô tận.

Thông thường, đứa con được dạy là phải hiếu thảo với cha mẹ nhưng cha mẹ cũng phải biết ơn đứa con. Hãy suy nghĩ vì sao đứa trẻ không chọn ông bà kia làm cha mẹ mà chọn mình, vì mình có duyên với đứa con. Đứa con mang đến niềm vui, sự chia sẻ, tình cảm cha mẹ gắn bó hơn và là thành tựu của tình yêu. Nếu chưa muốn có con, đừng để tình trạng có con xảy ra. Nếu biết sức khỏe yếu kém, đừng để cho việc hình thành phôi thai diễn ra. Một khi người ăn nằm với người khác, người phải có trách nhiệm với người ấy và sinh mạng mình tạo ra cũng như hoàn cảnh sống của sinh mạng ấy. Việc người nữ hay người nam tìm đến với nhau nhằm thoả mãn dục tình không bao giờ giải quyết được sự cô đơn mà còn tạo ra những hệ lụy, gia tăng thêm khổ đau và lập hàng rào ngăn cách. Sống là biết giữ gìn cho bản thân và người khác. Thực tập nếp sống lành mạnh và khả năng tự chủ để những cái gọi là “ngoài ý muốn” không xảy ra, trường hợp có xảy ra người biết nhận trách nhiệm và đứng ra lo cho trách nhiệm của mình. Nếu thực sự yêu thương, người giữ gìn cho nhau, nếu đến với nhau, phải có trách nhiệm cho nhau. Tình yêu đích thực là biết hy sinh, chia sẻ và giữ gìn, còn đòi hỏi, ép buộc và buông thả thì cái gọi là tình yêu kia chỉ là mớ bong bóng. Vấn đề không phải là có nên phá thai hay không mà vấn đề là thực tập như thế nào, ăn ở như thế nào, sinh sống như thế nào, yêu thương như thế nào để tình trạng có thai không xảy ra. Yêu thương phải có chánh niệm, biết điều gì nên làm và điều gì không nên làm. Đã buông thả bản thân, còn đòi hỏi quyền phá thai, có phải quá đáng hay không. Thương người, nên gìn giữ cho người và gìn giữ cho mình. Giới thứ ba của Năm giới cư sĩ là bảo vệ tiết hạnh, tức là không ăn nằm với người không phải là chồng hay vợ của mình. Điều này còn có nghĩa, người nam và người nữ quen biết và yêu thương, là bạn trai bạn gái, chưa phải là vợ chồng, thì không nên quan hệ tình dục trước hôn nhân. Nói rộng ra, xã hội không cần và cũng không cần thiết cổ xuý cho cái gọi là sống thử hay tìm hiểu đối tượng về mặt thể xác.

Con người phát triển từ một tế bào gốc nhỏ bé gọi là phôi bào hay phôi thai. Phôi này bị tiêu diệt đồng nghĩa con người không có cơ hội sống, nói chi đến phát triển hay nền văn minh. Một số nhà khoa học biện minh cho hành động sử dụng tế bào gốc để nghiên cứu thuốc men hay các phương thức trị bệnh. Điều này hết sức vô lý, vì huỷ diệt sự sống của tế bào sau này phát triển thành con người để cứu mạng người khác không thể cho là hành động cứu người. Các loài sinh vật cũng vậy, chúng bị lợi dụng cho nghiên cứu khoa học, thử thuốc, bị giết hại làm thịt phẩm, bị lấy xương da làm trang sức, quần áo hay đồ trang trí. Giới thứ nhất nói rõ về việc bảo vệ sự sống của muôn loài, kể cả những loài nhỏ nhất. Một học trò hỏi, con đi học trong trường, môn sinh vật học đòi hỏi phải thực tập ở phòng thí nghiệm, phải mổ ếch mổ cá, nếu không sẽ bị điểm không hoặc bị thi rớt. Vậy có điểm kém hay bảo vệ sự sống của loài cá, loài ếch, mình chọn bên nào? Có bao giờ nghĩ mình thà bị điểm kém còn hơn cầm dao giết hại sinh vật. Người ăn chay biết rằng cơ thể sẽ yếu đi, không đủ chất dinh dưỡng nhưng vẫn ăn chay vì nhờ đó nuôi dưỡng được lòng từ bi và bảo vệ sự sống muôn loài. Ngay cả con kiến còn không dám giết thì nỡ lòng nào tước đi mạng sống của con cá, con ếch hay con chuột bạch. Nói trở lại tế bào gốc, đó là nền tảng phát triển sự sống. Bảo vệ nó là bảo vệ sự sống, bảo vệ loài người. Bên Trung Quốc có mấy con gấu trúc rất đẹp, dễ thương và hiền lành. Mọi người ra sức bảo tồn chúng trước nguy cơ bị tuyệt chủng nên tìm cách nhân bản hay giữ gìn trong các khu thiên nhiên dành riêng. Các loài động vật được trân quý như thế, con người cần trân quý chính mình nhiều hơn như vậy.

Đức Phật ngày xưa yêu cầu các tu sĩ mỗi năm an cư kiết hạ vào khoảng tháng tư đến tháng bảy âm lịch. Thời gian này là mùa mưa, nhiều loài sinh vật và côn trùng sinh sôi nảy nở, việc đi khất thực hay hoằng pháp khắp nơi có thễ dẫm đạp lên chúng nên ngài yêu cầu chư tăng an cư một chỗ vừa lo tu tập vừa tránh được việc sát sinh. Bất cứ sinh vật nào cũng khát khao sự sống, kể cả các loài cỏ cây. Khi đã muốn sống thì là muốn sống lâu, khoẻ mạnh. Thực tập nếp sống từ bi để trân quý sự sống của mình và trân quý sự sống muôn loài. Thực phẩm thực vật có đầy đủ chất chất dinh dưỡng mà thực phẩm động vật có, hơn nữa ăn chay giúp an tịnh thân tâm. Bên cạnh đó, giải trí lành mạnh, tiếp xúc với bạn bè lành, sử dụng các phương tiện hoà bình, người thiết lập lối sống giản đơn, không cầu thị, không lo lắng nhiều. Mình thường đòi hỏi cha mẹ phải thương mình, phải lo cho mình, bản thân cũng phải thương con của mình như vậy. Nếu ngày xưa cha mẹ không cưu mang mình, mình sẽ không có mặt trên cõi đời này và có thể tiếp tục luân hồi ở tận đâu đâu. Mình thương bản thân, thương con của mình, thương đồng loại, thương muôn loài, thương cỏ cây. Ai cũng thương thì không cần ngồi suy nghĩ người này nên ghét hay thương. Bên cạnh chỗ tôi ở có ngôi nhà nuôi dạy trẻ, ngày nào cũng nghe chúng nói chuyện huyên thuyên, chơi đùa, ca hát, rất là vui. Thật may mắn khi có mặt những đứa trẻ. Khuôn mặt chúng đẹp như bông hoa, đôi mắt như bông hoa, đôi bàn tay như bông hoa, tiếng nói như chim hót, chúng không biết giận không biết buồn, chỉ biết yêu thương, chỉ biết vui vẻ. Biết đâu sau này, trong số chúng có những đứa lớn lên trở thành tu sĩ, rồi thực tập hạnh phúc, rồi thực tập giải thoát, mang lại lợi ích cho đời không biết bao nhiêu. Mình thương đứa con, nên cho đứa con cơ hội được sống, được yêu thương, được hạnh phúc, được giải thoát. Mẹ tôi kể, ngày xưa ba tôi bắt mẹ bỏ cái thai mang trong người là chị của tôi. Mẹ phản đối kịch liệt và gìn giữ chị ấy bằng tất cả tình thương của mẹ. Nếu mẹ không làm vậy, bây giờ đâu có chị tôi, tôi đâu thắm thía được tình thương của chị hay hiểu rõ tâm sự của nhạc sĩ Trần Tiến qua bài hát Chị tôi.

Hãy cho con quyền được sống, được lớn lên và được cống hiến cho đời những hoà bình. Sáng nay, một nụ hoa vừa mới nở, à không đó chỉ là một cánh lá thôi, cánh lá còn non và tươi mới nhưng rất đẹp, trên đó có đậu một hạt sương long lanh. Hạt sương chứa đựng cả vũ trụ, cánh lá cũng vậy, nụ hoa cũng vậy, đứa con cũng vậy. Con là đại diện cho một vũ trụ ra đời, nuôi dưỡng con là nuôi dưỡng cả vũ trụ. Cách đây vài tháng, một chú chim non tập bay bay vào phòng làm việc của tôi và ngã xuống. Nó cất tiếng kêu inh ỏi, một hồi sao mẹ nó chạy tới, rồi ba của nó. Ba mẹ cũng cất tiếng kêu inh ỏi như thế. Tôi ôm ấp chú chim non trong lòng bàn tay và đem ra ngoài ban công, chú thấy ba mẹ liền bay đi. Chắc hẳn chú hạnh phúc lắm khi nhìn thấy và tìm lại được ba mẹ, chú vỗ cánh tung tăng không ngã nữa. Cái ngã đau ban đầu cho chú một bài học nên biết thế nào để không bị ngã đau. Đứa con cần tình thương của cha mẹ, cần dìu dắt, cần nâng đỡ. Cha mẹ cũng cần đứa con, cần mái ấm gia đình, cần sự quây quần, cần tiếng cười trẻ thơ. Ngày mai con lớn khôn, đứng vững trên đôi chân, cha mẹ mừng lắm vì nhìn thấy sự tiếp nối của mình đi khắp nơi. Xin đừng xem con là của nợ, con không phải như vậy bởi vì con biết rằng con là món quà vô giá, là hiện thân của vũ trụ, chỉ có cha mẹ mới đủ sức cán đán việc chế tạo vũ trụ đó. Cha mẹ thương con nên cho con ra đời, cho con quyền được sống và vì muốn con sống tốt, cha mẹ gìn giữ những hạt giống của cha mẹ trong con, không cho nó bệnh tật, không cho nó buông lơi. Cha mẹ hãy tu tập vì con, như thân cây khoẻ mạnh, biết nuôi dưỡng cành lá và bông hoa. Nếu nói hoa trái là thành tựu của cây thì con là thành tựu của cha mẹ, của yêu thương và sự chăm sóc đích thực.

Phá hủy sự sống càng nhiều, địa ngục càng dữ dội. Nhìn những dòng sông, nơi thì cạn kiệt, nơi thì lũ lụt, nơi thì ô nhiễm trong khi con người sống nhờ vào chúng. Nhìn cỏ cây, chúng héo úa đi vì trái đất nóng lên, hiện tượng sa mạc hóa và hạn hán không đủ nước để tưới. Không khí thiếu ôxi và dư thừa khí cacbonit, người khó thở hơn và các bệnh hô hấp cứ xuất hiện. Cúm A/ H1N1 là một minh chứng cho sự sống bị hủy diệt, số người mất gia tăng và khoa học tự cho là rất tự hào vẫn đang tìm tòi vaccine. Trẻ em chết vì đói lả, bệnh tật, không y tế, không giáo dục. Chúng bị bỏ bê, người trẻ không được quan tâm, mạng lưới Internet cổ xúy cho lối sống nhanh, đi nhanh, ăn nhanh, yêu nhanh, làm việc nhanh rồi cho đó là giỏi, là hay, là xuất sắc. Trần gian này là một thứ địa ngục và càng ngày càng tệ. Hình như người ta thích đi vào những cái tệ như thế nhưng luôn vỗ tay cho là tốt. Chỉ cần dừng lại và thay đổi, cái gọi là địa ngục kia sẽ được chuyển hóa, người tiếp xúc với nhiều mầu nhiệm của sự sống. Mình không xây địa ngục hay thiên đàng cho những đứa trẻ, nhiệm vụ của mình là đảm bảo hạnh phúc chân thật cho mình và cho những tiếp nối từ mình.

Source: http://damlinhthat.net/chat-voi-the-gioi-ben-kia

Total comments: 0 | Views: 1068
Category: Truyện ma | Added by: admin (27-12-2013) | | Rating: 0.0/0
Truyện mới đăng
- Tóm tắt Biến đổi Trái Đất của SOTT - 7/2017
- Thọ Khang Bảo Giám
- Tóm tắt Biến đổi Trái Đất 07/2016
- Tóm tắt Biến đổi Trái Đất 06/2016
- Dấu hiệu thời đại tháng 05/2016
- Tình hình Trái Đất
- Chuyện Mạnh Phu Nhơn
- Thái-Thượng Cảm-Ứng-Thiên - 2
- Thái-Thượng Cảm-Ứng-Thiên - 1
- Khuyên người trẻ
-Xem thêm-
Những câu nói hay
Người nào ngăn được cơn giận dữ nổi lên như dừng được chiếc xe đang chạy mạnh, mới là kẻ chế ngự giỏi, ngoài ra chỉ là kẻ cầm cương hờ mà thôi.
Kinh Pháp Cú
Tâm sự
Tâm sự số #1306 [1]
Tâm sự số #1275 [1]
Tâm sự số #1270 [1]
Tâm sự số #1258 [0]
Tâm sự số #1249 [1]
Tâm sự số #1233 [3]
Tâm sự số #1227 [4]
Tâm sự số #1219 [2]
Tâm sự số #1195 [3]
Tâm sự số #1183 [3]
Vote
Bạn có bao giờ bị người khác lừa đảo qua mạng chưa?
Tổng bình chọn: 170
Search
Liên kết
Copyright adnet.uCoz.com © 2010-2024
Powered by uCoz
Top