Xin chào Khách

Adnet.uCoz.com

Cộng đồng

Trang chủ » Articles » Truyện » Trung Hoa Đăng truyện

Dương Giác Ai tử hữu - Tả Bá Đào

Tử hữu là chết vì bạn. Dương Giác Ai tử hữu là Ông Dương Giác Ai chết vì bạn, người bạn đó là Ông Tả Bá Đào.

Thời Xuân Thu, vua nước Sở là Sở Nguyên Vương rất sùng Nho trọng Đạo, chiêu hiền đãi sĩ. Người trong thiên hạ hạ nghe tiếng tìm đến rất đông.

Thuở ấy, tại núi Tích Thạch xứ Tây Khương có một hiền sĩ họ Tả tên Bá Đào, cha mẹ đều mất sớm, nhưng có chí học hành, sớm trở thành người có tài an bang tế thế.

Tả Bá Đào, tuổi gần 40, nhưng gặp lúc chư Hầu thôn tính lẫn nhau, người thi hành nhân chính thì ít mà kẻ tàn bạo thì nhiều, nên không ra làm quan. Sau nghe tin Sở Nguyên Vương hâm mộ nhân nghĩa, đãi sĩ chiêu hiền, nên từ biệt xóm giềng, vai mang túi sách, lên đường đi đến nước Sở. Khi đến đất Ung, gặp lúc mùa Đông gió rét, Tả Bá Đào dầm mưa cả ngày, quần áo ướt sủng, thấy mặt Trời sắp lặn, vội tìm đến một xóm để xin tạm trú qua đêm. Từ xa, thấy trong rừng trúc có ánh đèn chiếu qua cửa sổ, Tả Bá Đào bước nhanh tới, thấy một gian nhà lá có hàng rào thấp xung quanh, bèn đẩy cánh cổng bước vào, gõ nhẹ lên cửa. Một người đàn ông trong nhà bước ra, Tả Bá Đào thi lễ nói :

- Tiểu nhân là người ở Tây Khương, tên Tả Bá Đào, muốn đến nước Sở, không ngờ giữa đường gặp mưa, không tìm được quán trọ, nên đến đây xin ngủ nhờ một đêm, mai lại lên đường sớm, không biết Ông chủ có cho phép không ?

Người chủ nhà nghe nói vậy thì vội vàng đáp lễ, rồi mời vào nhà. Tả Bá Đào nhìn quanh nhà chỉ thấy có mỗi một cái giường chất đầy sách, ngoài ra không có đồ đạc gì đáng kể. Tả Bá Đào biết chủ nhà nầy là một nho sĩ. Người ấy nói :

- Để tôi nhúm lửa hong quần áo của anh cho khô rồi chúng ta sẽ nói chuyện.

Nói rồi nhúm lửa, hong quần áo cho Tả Bá Đào, rồi hâm rượu cùng thức nhấm, mời Tả Bá Đào dùng cho ấm với thái độ ân cần. Tả Bá Đào hỏi tên họ chủ nhà, người ấy đáp :

- Tiểu sinh họ Dương, tên Giác Ai, cha mẹ mất sớm, ở đây một mình, bình sanh rất ham đọc sách, bỏ việc nông tang. Nay may mắn gặp hiền sĩ từ xa đến đây, chỉ giận mình nghèo, không có gì thết đãi, mong đừng chê trách.

Tả Bá Đào nói :

- Trong lúc mưa gió lạnh lẽo, được cho ngủ nhờ, lại có cơm rượu là quí lắm rồi, ơn ấy không quên.

Hai người cùng nhấp chén rượu nóng, trò chuyện về học vấn, và hoài bão của mình, suốt đêm không ngủ, cảm thấy thân thiết nhau, nên đồng kết làm anh em. Tả Bá Đào lớn hơn Dương Giác Ai 5 tuổi nên làm anh. Tả Bá Đào ở nhà Dương Giác Ai 3 ngày thì mưa tạnh đường khô. Tả Bá Đào nói :

- Hiền đệ có tài vương tá, ôm chí kinh luân, sao không nghỉ đến chuyện sử sách lưu danh, lại cam ẩn thân nơi rừng suối, thật đáng tiếc lắm vậy !

- Không phải em không muốn ra làm quan, nhưng chỉ vì hoàn cảnh chưa thuận tiện mà thôi.

- Nay Sở Vương có lòng cầu hiền, nếu hiền đệ có chí ra giúp đời nên cùng anh đi đến đó.

- Xin tuân lời huynh trưởng.

Dương Giác Ai liền thu xếp hành trang, với một túi gạo, cùng một ít tiền dành dụm bấy lâu đem theo làm lộ phí.

Hai người lên đường đi về phương Nam, hướng đến nước Sở. Đi được mấy ngày thì Trời đổ mưa to, phải tạm trú nơi lữ quán, tiền lộ phí dần dần hết sạch, chỉ còn một túi gạo, 2 người thay nhau vác gạo đội mưa mà đi. Mưa vẫn không tạnh, lại thêm có tuyết. Hai anh em qua khỏi Kỳ Dương, đến vùng Lương Sơn, hỏi thăm tiều phu đường đi. Họ nói là từ đây đi hơn trăm dặm nữa không có bóng người, đều là đồng không mông quạnh, thú dữ hoành hành, tốt nhất là đừng đi tới nữa.

Tả Bá Đào hỏi ý kiến của Dương Giác Ai :

- Hiền đệ nghĩ thế nào ?

- Từ xưa có câu : Tử sanh hữu mệnh. Đã đến đây, phải cố đi tiếp, không nên thối chí.

Lại đi thêm một ngày nữa, tối ngủ nơi cổ mộ, quần áo không đủ ấm, gió lạnh thấu xương. Hôm sau, tuyết lại rơi nhiều hơn nữa. Tả Bá Đào chịu lạnh không nổi, nói :

- Anh thấy đi hơn trăm dặm nữa, không có bóng người, lương thực không đủ, quần áo mỏng manh, nếu chỉ một người đi, may ra có thể đến được nước Sở, còn nếu 2 người cùng đi, ắt phải chết lạnh hoặc chết đói dọc đường, nào có ích chi. Anh đưa quần áo cho em mặc, với số lương thực còn lại nầy, em có thể đến được nước Sở. Anh quả thật không đi nổi nữa, cam chịu chết ở đây. Hiền đệ gặp Sở Vương, ắt được trọng dụng. Lúc ấy hiền đệ trở lại đây mà chôn cất thi thể của anh.

Dương Giác Ai nói :

- Sao hiền huynh lại nghĩ thế ! Anh em ta đã kết nghĩa thì tình như cốt nhục, em không thể bỏ anh chết tại đây để một mình đi tìm công danh.

Nói rồi nhứt định không nghe, dìu Bá Đào đi tiếp, được chừng 10 dặm, Tả Bá Đào nói :

- Gió tuyết càng nhiều, làm thế nào đi tiếp được nữa. Hãy tìm một nơi tạm nghỉ.

Nhìn trước mặt thấy một cây dâu già có thể làm chỗ tránh tuyết được, nhưng chỉ đủ chỗ cho một người. Dương Giác Ai liền đỡ Tả Bá Đào đặt ngồi nơi cội dâu, rồi chạy đi tìm củi đốt. Khi đem mấy cây củi về thì thấy Bá Đào đã cổi hết áo quần, nằm trần chờ chết. Dương Giác Ai kinh hoảng nói :

- Sao hiền huynh lại làm như vậy ?

- Anh đã suy nghĩ kỹ, không còn lối thoát, hiền đệ chớ làm lỡ. Mau lấy quần áo của anh mặc vào cho đủ ấm, mang túi lương thực lên đường ngay, anh cam chịu chết nơi đây.

Dương Giác Ai ôm Tả Bá Đào khóc lớn :

- Hai anh em ta thà cùng chết nơi đây cho trọn tình nghĩa, nỡ nào lại chia ly !

Tả Bá Đào rán sức nói :

- Nếu chết cả ở đây thì lấy ai chôn nắm xương tàn ?

- Đã vậy, em xin nhường áo cho anh, để anh tiếp tục đi, em cam chịu chết tại đây.

- Anh vốn lớn tuổi hơn em, lại mang nhiều bệnh tật nên sức yếu nhiều, còn em đang hồi cường tráng, học vấn lại uyên thâm, anh không bì kịp với em. Nếu em gặp được Sở Vương ắt được trọng dụng, anh chết ở đây mãn nguyện rồi. Khi hiển đạt, em trở về đây chôn cất xác anh.

Dương Giác Ai nhìn Tả Bá Đào thấy hơi thở yếu dần, một lúc sau thì tắt hẳn. Cảm thấy đau lòng vô cùng, quá thương tiếc một nghĩa huynh liều chết thay cho mình. Giác Ai khóc lóc thảm thiết, rồi suy nghĩ : Bây giờ nghĩa huynh đã chết rồi, nếu ta mãi lưu luyến nơi đây thì ta cũng sẽ chết cóng, rồi ai mai táng hài cốt của nghĩa huynh, vả lại nếu ta liều chết ở đây thì phụ tấm lòng hy sinh của nghĩa huynh.

Dương Giác Ai bèn lạy Bá Đào, vừa khóc vừa nói :

- Em ra đi, xin hương hồn hiền huynh phò hộ cho em đến nơi đến chốn, lập được chút công danh, rồi sẽ trở lại ngay đây mai táng hài cốt và làm mộ cho hiền huynh.

Tả Bá Đào dường như gật đầu. Dương Giác Ai đem đặt thi thể của Bá Đào vào trong hốc cây dâu già, bẻ cành cây rấp lại cho kín, rồi mặc quần áo của Bá Đào vào mình, vác gói lương thực lên đường. Dương Giác Ai lần hồi đến được kinh đô nước Sở, vào thành hỏi thăm dân chúng.

- Sở Vương cầu hiền tài, làm thế nào tiến cử được ?

Có người đáp :

- Ngoài cửa cung có lập nhà Công quán, vua sai quan Thượng Đại Phu Bùi Trọng đón tiếp kẻ sĩ trong thiên hạ.

Dương Giác Ai tìm đến Công quán, quan Thượng Đại Phu cũng vừa tới và bước xuống xe. Giác Ai liền đến vái chào. Bùi Trọng thấy Giác Ai, tuy quần áo lam lũ nhưng cốt cách phi phàm, vội vàng đáp lễ, mời vào Công quán, hỏi :

- Hiền sĩ từ đâu tới ?

- Tiểu sinh tên là Dương Giác Ai, người xứ Ung Châu, nghe Thượng quốc chiêu hiền nên lặn lội tới đây ứng mệnh.

Bùi Trọng cho dọn cơm nước và rượu thịt thết đãi Giác Ai, giữ lại nghỉ ngơi. Hôm sau, Bùi Trọng đến Công quán đàm luận để xem học vấn của Giác Ai thế nào. Giác Ai đối đáp rành mạch, biện luận trôi chảy, đưa ra nhiều sáng kiến hay. Bùi Trọng vào triều tâu với Sở Vương các việc. Sở Vương triệu Dương Giác Ai vào triều, hỏi cách làm cho nước Sở phú cường. Dương Giác Ai dâng lên 10 sách lược, rất thiết thực cho nước Sở. Nhà vua vui mừng, bày ngự yến thết đãi rồi phong Dương Giác Ai vào chức Trung Đại Phu, tặng cho 100 lượng vàng, 100 tấm gấm. Dương Giác Ai lạy tạ Sở Vương nhưng nước mắt lại chảy ròng ròng. Sở Vương lấy làm lạ hỏi :

- Sao khanh lại khóc như vậy ?

Dương Giác Ai bèn tâu lên vua Sở việc cùng Tả Bá Đào kết nghĩa, cùng ứng mệnh đi đến nước Sở, nhưng giữa đường gặp gió tuyết dữ dội, vv . . . Giác Ai thuật hết đầu đuôi, vua Sở nghe xong rất cảm động, hết sức thương cảm Bá Đào, các quan trong triều cũng xót xa thương tiếc. Vua Sở hỏi :

- Bây giờ ý khanh thế nào ?

- Thần xin được nghỉ phép ít ngày để trở lại đó lo chôn cất thi thể của nghĩa huynh, công việc xong, thần xin trở về đây ngay để phục vụ Đại vương.

Sở Nguyên Vương chấp thuận, truy phong Tả Bá Đào làm Trung Đại Phu, ban cho nhiều lễ vật để cúng tế, sai quân sĩ theo làm tùy tùng, cùng Dương Giác Ai trở lại tìm thi thể của Tả Bá Đào. Dương Giác Ai lạy tạ Sở Vương, rồi cùng đoàn tùy tùng đi trở lại vùng Lương Sơn, tìm đến gốc dâu già, quả thấy thi thể của Tả Bá Đào còn nguyên tại đó. Dương Giác Ai khóc, lạy Tả Bá Đào, xong bảo quân sĩ tùy tùng mời các vị phụ lão trong vùng đến đây. Giác Ai đi quanh khu vực nầy để tìm chỗ tốt mà an táng nghĩa huynh.

Giác Ai tìm thấy một chỗ đất gần đó có phong thủy rất tốt. Giác Ai dùng nước thơm rửa thi thể Bá Đào, rồi mặc vào phẩm phục triều đình Trung Đại Phu cho Tả Bá Đào do Sở Vương ban tặng, liệm vào quan tài, tế lễ trọng thể rồi an táng nghĩa huynh nơi chỗ đất đã chọn. Giác Ai cho xây mộ, có tường bao bọc chung quanh, trồng cây cảnh, xây trụ hoa biểu, trên đề rõ danh tánh, chức phận, rồi xây một nhà thờ cách mộ 30 thước, đắp tượng Tả Bá Đào, mướn người trông coi nhang khói và giữ gìn phần mộ.

Mọi việc làm xong. Dương Giác Ai tế lễ Tả Bá Đào nơi đền thờ, nhớ thương khóc lóc thảm thiết. Các phụ lão trong vùng đến dự thấy cảnh ấy cũng rơi lệ.

Đêm ấy, Dương Giác Ai ngồi buồn một mình dưới ánh đèn khuya, chợt thấy một người mờ ảo đến trước ánh đèn, nhìn kỹ thì ra đó là Tả Bá Đào hiện hình về. Giác Ai cả sợ hỏi :

- Hiền huynh hiện hồn về gặp em có điều gì chăng ?

Hồn Tả Bá Đào nói :

- Cám ơn hiền đệ giữ đúng lời hứa về đây lo cho anh đầy đủ, lại xin quan hàm cho anh, anh cám ơn em vô hạn, nhưng phần mộ của anh nằm gần phần mộ của Kinh Kha, người nầy lúc còn sống đi hành thích vua Tần Thủy Hoàng, không thành công, nên bị giết chết, Cao Tiệm Ly lén đem thây hắn về chôn cất nơi đây, hắn hung hăng dũng mảnh, đêm thường mang kiếm đến đây mắng nhiếc anh sao dám đến đây chiếm cái thế đất tốt của hắn, đòi anh phải dời đi nơi khác, nếu không hắn đến quật mồ vứt thây anh ra ngoài đồng. Vì sự nguy hiểm như thế, nên anh hiện lên báo cho em biết, mong em cải táng anh qua nơi khác để tránh tai họa. Dương Giác Ai định hỏi lại, bỗng cơn gió nổi lên, rồi Tả Bá Đào biến mất.

Sáng ra, Dương Giác Ai liền đến hỏi các bô lão trong vùng. Các hương lão nói :

- Trong khu rừng kia, có ngôi mộ của tráng sĩ Kinh Kha, trước mộ có ngôi miếu. Kinh Kha rất linh ứng, dân chúng lập miếu thờ, 4 mùa cúng tế, để cầu phước và cầu an cho làng.

Dương Giác Ai nghe xong mới tin thiệt câu chuyện gặp hồn Tả Bá Đào hiện về hồi khuya. Giác Ai đem quân sĩ theo, đến mộ Kinh Kha, rút gươm chỉ vào tượng Kinh Khá mắng :

- Mi là đứa thất phu nước Yên, được Thái tử Đan nuôi dưỡng, gái đẹp và của quí đều hưởng dụng, thế mà không nghĩ được mưu kế hay mà hành thích vua Tần đến nỗi thất bại hại thân, hỏng việc nước, thế mà dám đến đây mê hoặc dân chúng để vòi tế lễ. Nay anh ta là Tả Bá Đào, danh sĩ đời nay, nghĩa nhân gồm đủ, sao mi dám dùng cường lực uy hiếp. Nếu còn thói ấy, ta sẽ phá miếu, quật mồ để tuyệt diệt cái thứ nhà mi.

Mắng xong, Giác Ai trở về mộ của Tả Bá Đào, vái :

- Nếu đêm nay Kinh Kha đến phá anh thì xin anh báo cho em biết, để em tìm cách trị hắn.

Đêm ấy, Dương Giác Ai chong đèn nơi nhà thờ ngồi chờ. Quả thật, đến khuya, Bá Đào hiện đến nghẹn ngào nói :

- Cảm ơn hiền đệ hổ trợ, nhưng bọn bộ hạ của Kinh Kha đông lắm, anh đánh không lại. Ngày mai em cho bện nhiều hình nhân bằng cỏ, lấy lụa làm áo, tay cầm khí giới, đốt trước mộ anh để chúng xuống trợ lực với anh đánh Kinh Kha.

Nói xong, Tả Bá Đào biến mất.

Dương Giác Ai cho đám tùy tùng làm đúng theo lời Tả Bá Đào yêu cầu, đốt hình nhân xong thì Giác Ai khấn rằng :

- Nếu như hiền huynh được vô sự thì cho em biết.

Đêm ấy, Dương Giác Ai cũng chong đèn trong nhà thờ, thức khuya chờ đợi. Giác Ai nghe như có gió mưa, và tiếng binh khí chạm nhau như đang có một trận chiến. Giác Ai ra sân đứng nhìn, bỗng thấy hồn Tả Bá Đào chạy tới, nói :

- Những hình nhân của hiền đệ giúp anh không có tác dụng gì. Kinh Kha lại có thêm Cao Tiệm Ly đến giúp sức, anh đánh không lại chúng, thế nào cũng bị chúng quật xác lên khỏi mộ. Em nên dời mộ anh đi chỗ khác.

- Tên ấy sao dám khinh thị anh, em nhứt định sẽ đánh hắn cho hắn biết tay.

- Em là người dương thế, anh là người cõi Âm, người dương thế tuy có dũng mãnh nhưng âm dương cách trở, thì làm sao em đánh Kinh Kha được ?

- Hiền huynh cứ yên tâm, ngày mai em sẽ có cách.

Sáng hôm sau, Giác Ai dẫn quân đến miếu Kinh Kha, chửi mắng một hồi, rồi đập tan cốt tượng Kinh Kha, định nổi lửa đốt miếu, nhưng các hương lão và dân chúng đến kịp, van xin Giác Ai đừng phá miếu, sợ tổn hại cho dân làng.

Dương Giác Ai đành thôi, trở về nhà thờ Tả Bá Đào, ngồi suy nghĩ, rồi viết một tờ biểu văn dâng lên Sở Vương, đại ý nói rằng : Ngày trước, Tả Bá Đào nhường cơm áo cho thần để thần được sống mà gặp Đại Vương, được Đại Vương phong chức tước và ban cho vàng lụa. Ước nguyện bình sanh đã thỏa, xin cho thần kiếp sau dốc hết lòng báo đáp quân ân, còn nay xin cho thần được trả nghĩa đệ huynh.

Lời lẽ viết trong biểu vô cùng thống thiết. Viết xong niêm lại giao cho kẻ tùy tùng đem về kinh đô dâng lên Sở Vương. Dương Giác Ai đến trước phần mộ Tả Bá Đào, khóc lớn, bảo kẻ tùy tùng rằng :

- Anh ta bị hồn ma Kinh Kha làm hại, không biết ở đâu. Ta không nỡ ngồi nhìn, muốn đập nát miếu hắn thì bị dân làng ngăn cản, nay ta đành liều chết để làm người cõi âm, giúp anh ta chiến đấu với Kinh Kha. Các ngươi đem thi thể của ta chôn kế mộ của anh ta, để anh em sống chết đều gần nhau, báo đền nghĩa lớn của anh ta, rồi các ngươi về triều tâu lại với Sở Vương tất cả các việc, xin Sở Vương nghe theo trung thần mà tô bồi xã tắc cho cường thịnh trường tồn.

Nói xong, Dương Giác Ai rút kiếm tự đâm cổ chết.

Đêm ấy, vào canh hai, bỗng mưa to gió lớn, sấm chớp vang rền, nghe tiếng hô “giết, giết” vang xa mấy dặm. Sáng ra, mọi người thấy mộ Kinh Kha bị nứt tung, xương trắng văng lên vung vải trước mộ, những cây tùng bách quanh mộ đều bị bật gốc, miếu thờ Kinh Kha bỗng bị cháy thành tro bụi.

Các hương lão thất kinh, biết rằng Kinh Kha đã bị 2 Ông quan Trung Đại Phu đánh bại. Các hương lão đốt hương khấn vái 2 Ông Dương và Tả.

Những người tùy tùng trở về nước Sở dâng biểu lên vua Sở và tâu bày rõ hết các sự nghe thấy. Vua Sở rất cảm động về nghĩa khí của 2 người, sai quan đến nơi lập miếu thờ, gia phong là Thượng Đại Phu, sắc tứ hoành phi đề 4 chữ “TRUNG NGHĨA CHI TỪ”, lại cho dựng bia ghi lại câu chuyện làm gương tốt cho đời sau, cấp ruộng để dân chúng làm từ điền, 4 mùa cúng tế.

Âm hồn của Kinh Kha từ đấy không còn linh nữa.

Dân làng từ đây cúng tế nơi 2 ngôi mộ của 2 vị Tả Bá Đào và Dương Giác Ai, cầu rất linh thiêng.

Có thơ xưa lưu lại rằng :

Xưa nay nhân nghĩa trùm thiên hạ,
Chỉ ở lòng người trong tấc gang.
Trung Nghĩa chi từ, Dương-Tả Bá,
Anh linh còn mãi, ánh trăng hàn.


Source: http://forum.pyv.com.vn/viewtopic.php?f=2&t=1131&sid=1d840eb891dee6806713365bcda57835

Total comments: 0 | Views: 3805
Category: Trung Hoa | Added by: admin (07-06-2014) | | Rating: 0.0/0
Truyện mới đăng
- Tóm tắt Biến đổi Trái Đất của SOTT - 7/2017
- Thọ Khang Bảo Giám
- Tóm tắt Biến đổi Trái Đất 07/2016
- Tóm tắt Biến đổi Trái Đất 06/2016
- Dấu hiệu thời đại tháng 05/2016
- Tình hình Trái Đất
- Chuyện Mạnh Phu Nhơn
- Thái-Thượng Cảm-Ứng-Thiên - 2
- Thái-Thượng Cảm-Ứng-Thiên - 1
- Khuyên người trẻ
-Xem thêm-
Những câu nói hay
Hãy hạnh phúc với những điều nhỏ bé mà bạn đang có.
Có những người… họ không có gì cả nhưng vẫn tìm được cách để mỉm cười.
Khuyết danh
Tâm sự
Tâm sự số #1306 [1]
Tâm sự số #1275 [1]
Tâm sự số #1270 [1]
Tâm sự số #1258 [0]
Tâm sự số #1249 [1]
Tâm sự số #1233 [3]
Tâm sự số #1227 [4]
Tâm sự số #1219 [2]
Tâm sự số #1195 [3]
Tâm sự số #1183 [3]
Vote
Bạn có bao giờ bị người khác lừa đảo qua mạng chưa?
Tổng bình chọn: 170
Search
Liên kết
Copyright adnet.uCoz.com © 2010-2024
Powered by uCoz
Top