Xin chào Khách

Adnet.uCoz.com

Cộng đồng

Trang chủ » Articles » Truyện » Truyện ma Đăng truyện

Chat với thế giới bên kia - 8

Mỗi lần có chút thời gian rảnh rỗi, mình mở chiếc điện thoại di động hay máy vi tính lên chơi game hay nghe nhạc. Làm việc cật lực, kiếm thật nhiều tiền để rinh cái tiện nghi về, mà tiện nghi ở đây là gì, là cái điện thoại, cái vi tính, cái máy truyền hình… Một bữa đang ngồi học trong lớp tiếng Pháp, bỗng nghe âm nhạc rên rỉ ma quái cất lên, tôi tưởng nhà nào gần đó mở ti vi lớn, ai ngờ đó là âm thanh chiếc điện thoại di động. Mình thích nuôi dưỡng bằng các âm thanh kích động như vậy và mang vào lớp bắt người khác nghe những thứ kích động. Trên vi tính và đặc biệt là mạng lưới Internet đầy dẫy những âm thanh này. Nói rằng mạng lưới kết nối con người lại với nhau nhưng thực ra làm cho họ thêm lười biếng, lười giao tiếp và làm tha hóa ngôn từ. Bao nhiêu cạm bẫy ở trên đó, bao nhiêu tà dục lôi kéo người trẻ, biến thành mạng lưới giải trí ảo và tình hình xấu đi. Mình ra cửa hàng mua cái máy vi tính là mang cái ảo về, mang cái tà dục về mà không biết. Người lớn phải thiết lập không biết bao nhiêu mật khẩu, bức tường lửa, phần mềm ngăn chặn để không cho trẻ em xâm nhập vào, gây sự lầm tưởng và điên đảo với tâm hồn non nớt của chúng. Truyền hình ngày nay có hàng trăm kênh, loại nào cũng có, kiểu nào cũng được và mình ra cửa hàng điện máy khiêng nó về, nó ngồi chiễm chệ trong phòng khách hay phòng ngủ. Phim bộ dài lê thê kéo từ năm này qua tháng nọ, hình ảnh quảng cáo chớp nhoáng, vợ xem mặc vợ, chồng đọc báo mặc chồng. Có những đứa trẻ phải xem quảng cáo mới chịu ăn cơm và dính vào đầu óc hình ảnh siêu nhân, sự đau khổ của nhân vật hay cách ăn nói buông thả của thần tượng.

Thực ra mình đang nối giáo cho giặc hay nuôi ong tay áo. Điện thoại di động, mạng Internet, máy truyền hình là một thứ giặc nếu sử dụng chúng không có chánh niệm. Không ai cấm mình mua và sở hữu chúng, nhưng mình xài như thế nào, tiêu thụ như thế nào để thấy khỏe, nuôi dưỡng và tưới tẩm được những hạt giống lành mạnh. Bản thân đã có nhiều sợ hãi còn mời các phương tiện kia tưới tẩm sự sợ hãi, kinh dị, bạo động, ma quái, thèm khát, hận thù, có phải mình rước giặc và mời họ vào nhà không. Trong nhà có rất nhiều giặc, không phải chỉ có bên ngoài, giặc đó nằm trong tâm của mình, người ta gọi là những tên trộm tâm. Chính chúng làm mình tê liệt, đau khổ, mệt mỏi và địa ngục hiện tiền. Mình xem ti vi thấy người ta ganh ghét đấm đá nhau, lừa lọc phản kháng, mình cũng bắt chước như vậy, xem đó là tuyệt vời là hay ho. Có người còn nói mình khóc như vậy là vì mình đồng cảm mà không biết đang chìm đắm trong thú đau thương. Ít khi nhìn nhận những hành động đang làm không có lợi cho mình. Một người bạn kể tôi nghe về ngày làm việc rất căng thẳng với bao nhiêu vấn đề phải giải quyết, về nhà vợ than con khóc, bật ti vi lên xem toàn những cảnh bạo lực hay tình cảm sướt mướt. Anh ngán ngẩm, không biết mình sống vì cái gì. Tại sao phải ngồi tự trách như thế? Làm việc hết lòng, tìm niềm vui trong công việc. Dành thêm thời gian cho gia đình, lắng nghe vợ, khuyên dạy con, nụ cười sẽ trở lại ngôi nhà. Lựa chọn kênh truyền hình thích hợp để xem, kênh nào bạo lực và ướt át quá đừng xem, chỉ xem kênh nhẹ nhàng và có tính giáo dục. Mình ngán ngẩm là do mình chọn, tại sao phải kêu ca. Ngồi than hay tự trách có giải quyết gì, có chăng làm cho sức khoẻ sa sút và suy nghĩ thất niệm. Khi còn nhỏ, mình rất tươi mới, lớn lên, mình ôm công việc vào, ôm tình cảm vào, ôm các đòi hỏi tiện nghi vào, ôm đủ thứ, nó trở thành giặc trong mình và mình là tù nhân. Mình bị sai khiến bởi những thứ giặc và giặc càng ngày càng đông.

Công việc là tên độc tài, xâm chiếm hết thời gian. Mình làm công việc thứ nhất chưa đủ, mình tìm công việc thứ hai, thứ ba, thứ tư. Cái gì sai sử, điều khiển mình, không cho mình cục cựa hay lên tiếng phản hồi, đều gọi là độc tài. Đã gọi là độc tài nên không nghe ai, chỉ biết có mình, mặc kệ hiện trạng của người. Một cư sĩ kể anh ấy đi xem nhạc rock, mọi người gào lên, thét lên, khóc hét om sòm. Âm nhạc là tên độc tài, nó bắt người phải quay cuồng như vậy. Nếu tiêu xài và giải trí ít, mình không phải làm việc nhiều, sống đơn giản và làm việc đơn giản, có nhiều thì giờ chăm sóc người thương và thực tập hạnh phúc. Đòi hỏi nhiều, nhu cầu nhiều, làm việc nhiều, đó là chuyện đương nhiên. Công việc đầu tắt mặt tối rồi chứng minh là người bận rộn, là một cái tham, tham chứng tỏ, muốn cho người khác biết mình giỏi giang, chẳng qua là nhằm phục vụ nhu cầu bản thân mà thôi. Muốn sống thảnh thơi hay bù đầu bù cổ do mình chọn, chọn thảnh thơi sẽ được thảnh thơi, chọn bận rộn sẽ được bận rộn. Trong thời đại bận rộn, ai cũng làm việc và nói đến chuyện thảnh thơi chắc mắc cười lắm. Thảnh thơi không phải là không làm gì cả, mà chỉ làm những gì đáng làm, không làm những gì không đáng làm. Làm việc cứ làm, đừng có lo sao làm lâu chưa được tăng lương hay thăng tiến. Sau giờ làm việc, nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình, biết cách giải trí lành mạnh, không đi vào thế giới ảo. Sống tiết kiệm rất hay, tiết kiệm khác với keo kiệt. Keo kiệt mang tính xan tham, tiết kiệm mang tính phòng thân, giảm bớt sự lo lắng về tương lai. Thiền tập là sự giải trí và nghỉ ngơi vi diệu, không tốn tiền gì hết, vừa tiết kiệm vừa có sức khoẻ. Thiền công việc giúp công việc mang tính chất thư giãn, không cần đi massage hay chơi thể thao quá mức. Nhiều vị tu sĩ làm việc nhiều, ăn ít nhưng vẫn khoẻ vì họ biết thảnh thơi trong công việc, không lo lắng, không rầu rĩ và nhất là không cạnh tranh, nên không gì chiếm hữu họ, không gì độc tài đối với họ.

Nói trở lại thú đau thương, nó có thể tạo ra địa ngục giả tạo, ăn từ từ vào da thịt và ngấm từ từ vào tâm. Sau này trong đời gặp chuyện tương tự, có thể mình hành xử rất đau thương. Người có ý niệm vì thương mình, mình phải làm cho nó đau, phải gây thương tích, phải xát muối. Người cảm thấy phấn chấn hay đê mê trong tình trạng đau thương, ngập chìm trong đau thương và bắt đầu có tà tư duy. Người hung dữ cho rằng người kia làm khổ mình nên mong cho người đó chết đi, gặp tai nạn hay chuyện xui xẻo. Người nhu nhược cho rằng mình đáng bị như vậy nên tự hành hạ, bắt người khác lo cho mình và tìm cách tự tử. Người thích nhìn những thứ độc hại, đôi mắt bị nhiễm độc. Người thích nghe những thứ độc hại, đôi tai bị nhiễm độc. Người thích ăn những thứ độc hại, cái miệng bị nhiễm độc. Người thích những xúc chạm độc hại, thân thể bị nhiễm độc. Người thích nghĩ về những thứ độc hại, tư tưởng bị nhiễm độc. Người trở thành một thứ chất độc, nguy hiểm và hết sức đau thương. Cũng vậy, khi đi vào một bài nhạc, bộ phim, cuốn tiểu thuyết, tin tức báo chí, mình tưới tẩm các hạt giống thèm khát, rồi tưởng tượng và cũng thèm khát đủ thứ. Xem thử cách người ta quảng cáo sản phẩm nhằm đánh vào tâm ham muốn của người, bắt người làm việc cật lực, để dành tiền và mua nó cho bằng được. Khi có nó, mình mân mê yêu thích, đây là yêu thích một vật dụng hay phương tiện. Đa số quảng cáo đều không thật. Một anh cư sĩ là chuyên viên quảng cáo (tiếng Anh gọi là copywriter) nói, anh phải tưởng tượng ra những ý tưởng kỳ lạ, thậm chí khác hẳn với sản phẩm được quảng cáo, nhằm thu hút khách hàng, đây là kiểu nói dối mà người đời chấp nhận. Tất cả là do tâm tham mà ra, vì tham nên đòi phải có sản phẩm đó. Nếu không tham, bài quảng cáo hay cách mấy cũng chỉ là bài quảng cáo, không làm người khó xử hay dằn xé trong tâm.

Ngày xưa một con ngựa đi vào thành Troy, người ta tưởng chiếm được nó là có hạnh phúc, ai ngờ khi đi vào thành nó gây biết bao tai hoạ và người dân mất thành luôn. Nàng Tây Thi đi vào nước Ngô, Phù Sai tưởng nàng đã là của mình, nhưng nàng đã làm cho nước mất nhà tan. Bây giờ, mình nghĩ chiếm được cái gì, sỡ hữu cái gì, như con ngựa, nàng Tây Thi hay điện thoại di động, mạng lưới Internet, máy truyền hình, mình cũng sẽ tan nát như dân thành Troy hay Ngô Phù Sai. Cái gì đưa vào cơ thể phải có chánh niệm. Ăn có chánh niệm, tức là chỉ ăn những thức ăn lành mạnh, không gây bệnh, không làm gia tăng quá đáng năng lượng tình dục, không gây hại đến sinh mạng loài khác. Ăn vào thấy khỏe, an lạc và chỉ dùng thức ăn thức uống mang lại hoà bình cho thân tâm. Nhìn có chánh niệm, tức là biết nhìn thứ không gây hại. Sống trong tự viện mỗi ngày tiếp xúc với cỏ cây, hoa lá, hình ảnh đức Phật, tăng thân, mình được nuôi dưỡng nhiều. Lâu lâu vào rừng chơi hay chăm sóc cây cối. Còn đi vào thành thị, có đèn chớp nháy sáng loáng, xe cộ nườm nượp, nhìn thấy mấy thứ độc, nhiều khi hại đến thân tâm của mình. Nghe có chánh niệm, tức là lựa chọn âm thanh để nghe, từ chối âm thanh không cần thiết, và nên bỏ đi không cần nghe âm thanh gây sự thèm khát hay hận thù. Ngửi có chánh niệm, tức là biết mùi đó như thế nào, nhận diện nó và thu nhiếp tâm không cho điên đảo. Nhiều người cố tình sử dụng nước hoa đặc biệt nhằm thu hút sự chú ý hay tạo nội kết ở người khác. Nói có chánh niệm, tức là nói lời nhẹ nhàng, dễ thương, mang hạnh phúc đến người và mình. Lời nói đẹp mang người đến gần nhau, xoá bỏ khoảng cách và thấu hiểu nhau hơn. Xúc chạm có chánh niệm, tức là biết những sự va chạm chỉ là giả tạm, nó không mang lại hạnh phúc đích thực mà chỉ là những khoảnh khắc buông trôi, nhất thời. Ý thức về sự xúc chạm, biết mình phải nuôi dưỡng tâm hành đẹp, lựa chọn sống trong môi trường lành và quen bạn thích hợp. Suy nghĩ có chánh niệm, tức là biết mình đang nghĩ gì, rong ruổi, biết đang rong ruổi, lúc này cho phép nó quay trở về hiện tại. Rong ruổi theo suy nghĩ tà dục mà không biết sẽ bị nó níu lấy và sai sử ngược trở lại. Chánh niệm giúp suy nghĩ tà dục được nhận biết và thôi không suy nghĩ như vậy nữa, đây là tập buông bỏ trong suy nghĩ. Sử dụng phương tiện có chánh niệm, tức là phương tiện đó có chức năng nào mang lại điều kiện thực tập hạnh phúc, không lợi dụng nó để chế tác khổ đau. Có bài kệ về sử dụng máy điện toán: Sử dụng máy vi tính – Vào thế giới bao la – Tâm phải nhìn cho ra – Đâu là bạn là thù. Xài cái gì, sử dụng tâm thiện để xài một cách có hạnh phúc.

Dính mắc vào đối tượng nào đó, mình đang có nội kết về đối tượng. Nội kết gây ra đau khổ và biến cuộc đời tươi đẹp thành địa ngục. Cô tiểu thư có nội kết với tiếng hát Trương Chi, ăn không ngon, ngủ không yên vì cô thương tiếng hát quyến rũ của chàng. Khi gặp được chàng, cô mới xóa bỏ được nội kết vì chàng không đẹp như trí tưởng tượng trước đây. Lần này chàng Trương Chi có nội kết với cô, với sắc đẹp của cô. Biết thân phận nghèo hèn của mình, chàng buồn bã, lâm bệnh mà chết. Nội kết trong chàng lớn đến nỗi đóng thành cục, xác được thiêu, nội kết đó vẫn còn. Nội kết làm khổ bản thân rồi gây khổ người khác bởi sự ưa thích cái gọi là bên ngoài. Mình sống không có chánh niệm nên dính mắc đủ thứ. Cả cuộc đời là một chuỗi những dính mắc, nói đến đâu cũng có nội kết hay khối u. Nội kết phát triển do có tập khí cho phép các đối tượng bên ngoài đi vào như con ngựa thành Troy hay máy vi tính mà không có sự tỉnh giác. Tập khí là những thói quen xấu do thiếu khả năng và nghị lực để làm chủ bản thân. Giống như ai đó nói chuyện không liên quan đến mình nhưng mình tưởng nói về mình, nên nhảy dựng lên, tranh cãi đủ thứ. Người đứng ngồi không yên, nói năng lộn xộn, hoa tay múa chân cũng là thói quen không tốt. Do có thói quen thích nghe những âm thanh du dương, đê mê, huyễn hoặc, cô tiểu thư tự tạo nội kết với âm thanh ấy và dính vào nó, nên cô khổ. Cũng vậy, chàng Trương Chi bị mê hoặc bởi sắc đẹp của cô, thương dáng vẻ bề ngoài và cô cũng thế, thấy ghê sợ dáng vẻ bề ngoài của chàng Trương, cô và chàng đều khổ. Người nào cũng dính vào lớp vỏ trấu rồi tự sinh ra đau khổ.

Con người có những đau khổ đông lại lâu ngày không được giải quyết nên cứng như đá, khi gặp giọt từ bi tan ra chảy như nước. Người ôm ấp khổ đau quá lâu, đè nặng trên đôi vai gầy gò, đời sống thật thiếu sinh khí. Nỗi buồn kéo dài đến mấy mươi năm, thậm chí hàng trăm năm, cha ông buồn chưa đủ, bắt con cháu buồn theo. Tôi thích câu, buồn ơi chào mi hay buồn ơi tạm biệt nhé hay buồn năm phút thôi. Quan sát và nhìn sâu để biết mình buồn điều gì, nguyên nhân nào dẫn đến nỗi buồn, hành xử ra sao để không còn buồn nữa. Lúc nào cũng buồn, cơ thể sẽ tiết ra chất độc, riết rồi sinh bệnh. Người với tinh thần lạc quan nhìn đời bằng con mắt sáng đầy tình thương, dù có bệnh hay khổ đau vẫn mau chóng vượt qua. Nhiều chuyện không đáng để buồn nhưng lại thích buồn, chứng tỏ như bản thân là người có tâm sự, cố gắng làm người khác quan tâm, chú ý tới. Người đôi lúc chủ động rước cái buồn vào bên trong hay không có chuyện gì làm, kiếm cái buồn cho qua ngày đoạn tháng. Buồn ngày hôm qua dai dẳng đến ngày hôm nay và lan sang ngày mai, không biết làm thế nào hết buồn hay sống vui trong giây phút hiện tại. Ca sĩ Ngọc Lan hát thế này, buồn như ly rượu đầy không có ai cùng cạn, buồn như trong một ngày hai đứa không gặp mặt, buồn như khi gặp mặt không còn chuyện đầy vơi… buồn mỗi ngày buồn thêm. Đang vui nghe bài hát này xong chắc đứt ruột. Bài hát tưới tẩm những nỗi buồn không tên, người nghe rước vào lòng “đam mê buồn”. Mỗi ngày đều là một ngày vui, đáng sống, đáng hạnh phúc, đáng chia sẻ, vậy mà cứ để cho nỗi buồn ngự trị, có phải rất đáng tiếc không. Đủ sức khỏe để uống ly rượu kia là vui lắm, cũng chẳng cần uống rượu, uống nước lọc hay nước trà là vui rồi. Hai đứa sắp xếp thời gian gặp gỡ, đâu cần nói gì, im lặng ngồi nhâm nhi chén trà, vui chán. Ngày hôm sau thức dậy, thấy mình còn sống, mặt trời lên, rờ lên ngực tim còn đập, Chạy xuống nhà, thấy mẹ ngồi may vá, đứa em chơi đá banh ngoài sân, vườn cây hoa lan vừa nở, vài con bướm vờn bay, thật là vui. Trước giờ học tiếng Pháp ở IDÉCAF, tôi đi thiền hành trong vườn, tôi biết đây là cây mai, đây là cây sứ, đây là cây dương sỉ… Gọi tên từng cây như thế, vừa tận hưởng vừa học, vui làm sao. Học viên đông thế nhưng tôi dám cá là rất ít người bỏ thì giờ đi dạo rồi mới bước vào lớp hay họ bận rộn ngồi nói chuyện, ăn sáng, làm bài tập, suy nghĩ mông lung về công việc.

Đừng đem đau thương về nhà, nhà ở đây là thân và tâm của mình, mình chiều cái thân và cái tâm quá lâu. Thân thèm xúc chạm, mình chiều nó nên thân tàn tạ. Tâm thèm được ca tụng, khen ngợi, mình chiều nó nên tâm mãi lang thang, bị tổn thương. Hãy tập sự bình tĩnh bằng cách theo dõi hơi thở hay thiền im lặng, nghe nhiều hơn, cảm nhận nhiều hơn. Bình tĩnh nhận ra mấy tên giặc hay tên trộm không cho nó vào nhà, nếu có vào nhà thì mình vẫn là chủ nhà tỉnh thức, giặc hay trộm chẳng làm gì được.

Phát nguyện là đưa ra lời ước nguyện mong mỏi cho bản thân hay người khác thực hiện một hành động nào đó có tác dụng đem lại thành tựu hạnh phúc. Người phát nguyện giảm thọ cho cha mẹ sống lâu, nguyện chịu khổ để người khác được vui hay nguyện ăn chay để nuôi dưỡng lòng từ bi. Lời phát nguyện được xem như lời thực tập ban đầu, cam kết thực hiện công việc có tính chất cụ thể hay trừu tượng. Phát nguyện hiến máu nhân đạo để người thầy mau chóng lành bệnh, đây là công việc cụ thể, bản thân tác động được. Phát nguyện giảm thọ để thầy sống lâu, hoằng pháp thành công, đây là công việc trừu tượng, bản thân không tác động được. Người có tình thương thường xuyên phát nguyện, chịu trách nhiệm và thực hiện lời phát nguyện của mình. Thông thường lời phát nguyện đi kèm theo điều kiện, như phát nguyện tu tập đạt quả vị A La Hán trong kiếp hiện tại này, sẽ đi tu nếu gia đình cho phép hay hiến tặng tài sản để cha mẹ khỏe mạnh. Nhiều người phát nguyện thực tập Bố Thí Ba La Mật để có nhiều thuận duyên trong việc tu tập giải thoát trong kiếp hiện tại hay vị lai, nhưng phát nguyện thế nào cũng đều có điều kiện và công việc thực hiện lời phát nguyện. Lời phát nguyện có thể mang tính chánh tư duy hay tà tư duy. Chánh tư duy mang yếu tố thiện như làm việc thiện để mong đạt các kết quả thiện. Tà tư duy mang yếu tố bất thiện như làm việc bất thiện để mong đạt các kết quả bất thiện. Người thành tâm thành ý phát nguyện và thực hiện một cách nghiêm túc, lời phát nguyện sẽ hiệu lực có thể ngay lập tức hay kết quả mỹ mãn trong tương lai.

Phát nguyện khác với lời thề vì phát nguyện mang tính hy sinh còn lời thề vẫn còn tính cố chấp. Phát nguyện trung thành với Tam Bảo, thực tập theo giáo pháp của đức Thế Tôn, đi theo tăng thân và đi trọn đường tu, thậm chí phát nguyện kiếp sống tiếp theo được gặp chánh pháp và tiếp tục tu học, là đệ tử, là con của Thế Tôn. Lời phát nguyện mạnh sẽ mang lại hiệu quả mạnh và tính hy sinh phải cao, thậm chí biết xả thân vì lời phát nguyện của mình. Thông thường, người phát nguyện và thực hiện nó trong khả năng. Nếu còn trong khả năng, mức độ cố gắng vẫn còn thấp. Lời phát nguyện cao hơn khả năng khoảng 20%, sự cố gắng giúp người đạt được thành tựu. Chính sự thành tựu này mang lại hạnh phúc chân thật, người thực tập buông bỏ rất mau và đi nhanh về con đường đã chọn. Người phụng sự cần có lời phát nguyện và người chứng giám là chư Phật, chư Bồ Tát, chư Tăng, chư tổ, thậm chí là tổ tiên hay năng lượng trong sáng nơi bản thân. Việc phát nguyện với điều kiện không dành cho mình mà dành cho người khác, như nguyện tụng kinh Pháp Hoa liên tiếp 30 đêm để đứa con có nhiều thành tựu trong cuộc sống. Việc thành tâm khiến đứa con nhận được năng lượng thực tập từ người mẹ, nhưng bản thân người mẹ có được công đức nhiều hơn cả, đứa con chỉ nhận được một phần nào đó thôi. Bản thân đứa con biết thực tập, công đức lớn hơn rất nhiều. Phía trên đã nói, thế hệ càng sau cùng biết tu tập, cả thế hệ trước đó được hưởng công đức không biết bao nhiêu mà kể. Vấn đề là đừng đợi người khác tu dùm, người tự tu tự giải thoát, như vậy sẽ tốt hơn, không chỉ giúp cho bản thân mà còn giúp cho nhiều người. Muốn con đường đi thuận lợi và thành tựu, không gì khác hơn là đưa ra lời phát nguyện hướng về sự giải thoát và chấp nhận hy sinh cho đối tượng nào đó như cha mẹ, gia đình, bạn bè, người xung quanh và chúng sinh.

Chấp nhận hy sinh để người khác được vui và hạnh phúc. Tính hy sinh rất đẹp, không phải ai cũng làm được vì theo lẽ thường người thích tom góp sự hưởng thụ nhiều hơn bung nó ra. Hành động hy sinh không chứng minh sự nhu nhược hay yếm thế mà là biểu hiện của tình thương, vì người mà làm. Chấp nhận chết để người khác được sống, chấp nhận đau cho người khác an lành, chấp nhận thiếu thốn cho người khác đầy đủ… và nhiều hình thức, nội dung chấp nhận khác. Một số cộng đồng không thể sống an lạc vì họ không chấp nhận sự khác biệt, đồng thời cái tôi đề cao quá mạnh, biến mình thành con thiêu thân của cái tôi, cái ngã. Ai cũng sợ khổ đau, nhưng nhiều khi nó lại cần thiết vì mình học được cách chấp nhận và sống chung với nó. Một bà mẹ không chấp nhận bạn gái của đứa con trai vì không thể chấp nhận công việc của cô này, cách cô này nói chuyện hay cách cô nấu nướng. Đơn giản vì bà sợ, bà không muốn ai chiếm mất con trai của bà, bà cảm tưởng cô lấy đi tình cảm của đứa con dành cho bà. Bà không dám hy sinh đứa con vì không thể chấp nhận những viễn cảnh do bà tưởng tượng ra. Người đời nói nhiều về đức hy sinh nhưng hy sinh cho cái gì thì không nói rõ, có chăng là những đối tượng hy sinh không đúng đắn. Hy sinh vì hạnh phúc lành mạnh của người khác, điều này đáng làm, còn hy sinh vì hạnh phúc ảo của bản thân và người khác, đây là thứ hy sinh dại dột. Ngày xưa, đức Phật không tịch diệt sớm vì ngài muốn chia sẻ với chúng sinh các pháp môn tu tập, những sự thật do chính ngài tự thực tập và chứng ngộ, để rồi sau đó ngài gặp không biết bao tai nạn như bị hãm hại, bị chửi bới, bị vu khống… Nếu không chấp nhận các tai nạn, ngài sẽ không đi tiếp con đường hoằng pháp của mình. Từ đau khổ sinh ra hạnh phúc và hy sinh không phải là rước hoạ vào thân mà là quá trình chế tác hạnh phúc.

Phát nguyện cho mình, cho người và cho cả vong linh. Vong linh không đủ sức phát nguyện, mình giúp họ, để họ tu tập và nhanh chóng siêu thoát. Có người dẫm lên thành công của người khác để mang lại thành công cho mình, điều này hết sức nguy hiểm vì bản thân không bao giờ đủ sức mãi mãi làm như thế. Khi sức cùng lực kiệt, mình sẽ bị người khác dẫm lên tương tự, thậm chí nặng nề hơn. Phát nguyện cho mình, nguyện dứt ưu tư phiền não, sống đời thánh thiện và yêu thương muôn loài. Thành công của người là thành công của mình, tập tâm hoan hỷ với cái vui của người. Nguyện cho người hết khổ, nhiều niềm vui, phát triển trí tuệ và đi về nẻo lành. Mình không giữ các bí kíp thành công mà đem chia sẻ với người, cùng thực tập, cùng hạnh phúc. Phát nguyện cho vong linh, nguyện thay họ chịu khổ, quyết chí đi đến nơi đen tối nhất để giúp đỡ chúng sinh. Mình không muốn thành tựu cho riêng mình mà tất cả đều thành tựu, niềm vui rất to lớn. Vong linh chịu khổ nhiều, mình mong họ đừng khổ nữa vì họ sẽ chịu không nổi. Mình chịu nổi, mình hy sinh chịu thay cho họ nhưng trong tâm không mảy may thấy mình hy sinh. Năng lượng phát nguyện giúp mình vượt thoát khó khăn, nghị lực hơn, tinh thần vững hơn và điều khó khăn cách mấy cũng vượt qua được. Điều quan trọng là phát nguyện liên tục, đừng dừng lại, đừng tự thoả mãn với vài thành tựu mỏng manh. Tính tự mãn giết chết người tu, thậm chí làm giảm hiệu lực và có khi gây ra phản tác dụng. Phát nguyện có thể xem là mục tiêu hay thử thách, thực hiện được là mục tiêu đạt được và thử thách vượt qua. Người tu không đi vào con đường ép xác, ép tâm hay theo kiểu khổ hạnh, nhưng lời phát nguyện giúp mình có cơ sở, có con đường để đi. Mình đừng than vãn vì sao phát nguỵên hy sinh nhiều mà thành tựu hay hưởng lợi không bao nhiêu. Đừng mong cầu như thế, hãy kiên nhẫn, làm việc một cách vô tư, việc gì tới cũng sẽ tới, không mong cũng tự nhiên tới. Đức Phật ngày xưa đâu biết mình đắc đạo trong khi ngồi thiền dưới cội cây. Mọi sự thật tự nhiên đến và ngài đón nhận cũng tự nhiên như thế.

Cầu nguyện là sự mong cầu điều gì đó được thực hiện mang lại kết quả như ước muốn. Người có phước đức lớn mong cầu gì cũng được. Việc cầu nguyện cho điều thiện, phước người đó lớn hơn và cầu nguyện cho điều không thiện, phước giảm nhanh, hoặc mất hết rồi chịu khổ địa ngục. Cầu nguyện thường không đòi hỏi thực hiện công việc như phát nguyện nhưng phước đức được sử dụng bù đắp cho việc hưởng lợi. Trong buổi cầu nguyện, người cần nhất tâm, hướng tâm đến đối tượng muốn cầu nguyện cho. Muốn cầu nguyện cho ông bà thì hướng tâm đến ông bà mà nguyện. Kinh Rải Tâm Từ là một bài cầu nguyện hay, Kinh Từ Bi cũng vậy. Điều quan trọng là cầu nguyện với tâm thành khẩn và tràn trề yêu thương, nhất là hết sức thảnh thơi và vui vẻ. Tâm đang đau khổ cầu nguyện khó thành, nên phát nguyện thì hay hơn. Thực tập cầu nguyện lúc thảnh thơi, thoải mái, có hạnh phúc, năng lượng cầu nguyện sẽ lớn. Người đời thường không tin lắm vào hiệu lực cầu nguyện, và các cư sĩ không biết cách cầu nguyện nên không thành tựu. Yếu tố nhân quả phải được xét đến đây. Cầu nguyện nhiều không đạt vì phước đức kém cỏi, chưa làm gì đòi hưởng quả nên cầu mãi cũng không thành. Người trồng lúa sẽ thu hoạch lúa, không trồng lúa mà đòi thu hoạch lúa thì hết sức vô lý. Muốn lời cầu nguyện thành tựu, hãy thực tập công đức và phước đức, nói cách khác là phước huệ cùng tu. Ngày nay, người ta có pháp môn thiền tịnh song tu, tức là vừa tu thiền vừa tu tịnh độ, nhưng dù tu theo pháp môn nào cũng không thể xa rời phước huệ. Tu huệ rất quan trọng, nhưng tu phước cũng không kém vì phước giúp tạo thuận duyên cho việc tu huệ nhanh chóng thành tựu. Tiền thân đức Phật đã tu phước liên tục, buông bỏ tài sản và thân thể, đến kiếp cuối cùng việc tu huệ mới thành tựu viên mãn.

Bây giờ nói về tự lực và tha lực. Tự lực là bản thân thực tập có thành tựu và tha lực là phải nhờ vào sự hỗ trợ từ bên ngoài. Tuy nhiên, tha lực mang yếu tố của tự lực bởi vì nhờ tự lực, người mới gặp tha lực. Thời đức Phật, nhiều tu sĩ đắc đạo do nhờ sự chỉ dạy của đức Phật, nhưng bản thân họ tu tập nhiều kiếp đến kiếp này mới gặp Phật và mới thành tựu, nên nói tự lực khiến cho tha lực biểu hiện và sự hiện tiền của tha lực cũng do tự lực làm nên. Nếu tự lực không có, cầu nguyện hoài, tha lực cũng không thành tựu. Dù vậy, người được khuyến khích tự lực thực tập, không quá ỷ lại vào sự thực tập của người khác. Lúc ban đầu, tự lực còn yếu kém nên phải nương tựa Tam Bảo, sau khi thực tập vững vàng, ngay cả Tam Bảo cũng phải buông và nương tựa chính mình, phải tự đi trên đôi chân của mình. Tự lực mạnh, không cần cầu nguyện vì người có cần gì nữa đâu mà cầu, thậm chí làm nơi nương tựa cho kẻ khác, giúp ích cho đời. Giống như nguyên thủ quốc gia, có bản lĩnh mạnh mẽ, người dân được nhờ, còn tinh thần yếu đuối, nhu nhược, dân sẽ khổ. Sáng nay, một học trò hỏi tôi, con không thể nói lời ái ngữ. Bất cứ ai cũng nói lời ái ngữ được, nhưng đừng ép mình nói liền, mà phải thực tập từ từ, từng đối tượng, từng hoàn cảnh, cho đến khi lời nói ái ngữ trở thành thói quen, lúc này nó trở nên tự nhiên, không thực tập cũng là đang thực tập. Đôi khi mình cũng cần đến tha lực vì tự lực đang yết hay mờ nhạt. Đứa trẻ còn nhỏ sống nhờ cha mẹ là đương nhiên vì chưa thể tự lực cánh sinh, chưa đủ điều kiện để sống độc lập. Người lớn cũng cần tha lực như người già, người khuyết tật hay bệnh nhân. Người chưa có nhiều kinh nghiệm cần tha lực, cần học kinh nghiệm từ người đi trước, lắng nghe nhà tư vấn và học hỏi từ sách vở. Không ai có thể tự lực hoàn toàn, kể cả đức Phật. Không có các đại để tử, không có thị giả, không có tăng đoàn, sức mấy đức Phật hoằng pháp thành công. Một mình ngài không thể hoằng pháp khắp nơi như vậy.

Vào ngày rằm hay đầu tháng, các cư sĩ đến chùa cầu nguyện rất đông, cầu nguyện từ đức Phật hay các vị Bồ Tát, nhưng có một phương thức cầu nguyện rất hay là cầu nguyện từ chính mình, từ người còn sống. Trong kinh Kim Cang, đức Phật dạy, Tìm ta qua hình sắc – Cầu ta qua âm thanh – Là kẻ hành tà đạo – Không thể thấy Như Lai. Đức Phật không thể hiện qua 32 tướng tốt, qua lời nói, hay qua bất cứ phương tiện nào. Phật tại tâm, nằm ngay trong tâm. Khi tâm thanh tịnh, thực tập các hạnh Phật, người làm Phật tính phát khởi và bản thân tu tập đến lúc nào đó rồi cũng sẽ thành Phật. Năng lượng Phật trong cơ thể đầy dẫy nếu mình tiếp xúc được với nó, nên cầu nguyện với chính mình là cầu nguyện với Phật tính trong mình. Chính Phật tính này sẽ chứng minh lời cầu nguyện có thành tựu hay không. Bên cạnh đó, cầu nguyện từ người còn sống như ông bà hay cha mẹ, xin cha mẹ gia hộ cho con sức khỏe, công việc thành tựu hay điều gì đó. Mình và tổ tiển có mối quan hệ mật thiết và con cái nhờ phước đức ông bà, cha mẹ. Những người này còn sống, năng lượng tiếp xúc sẽ mạnh và mình nương nhờ phước báu của họ. Những người có thành tựu ngày hôm nay nhờ vào phước đức của tổ tiên một phần và phước đức bản thân nhiều phần. Khi cầu nguyện, cầu nguyện với chính mình, với tổ tiên, với ông bà cha mẹ còn sống. Dĩ nhiên, thường mình cầu người đã qua đời, nhưng dù còn sống hay đã quá vãng, các yếu tố vẫn ở trong mình. Vậy đâu cần đi chùa, ở nhà hay nơi khác vẫn cầu nguyện được, giống như tu tập, tu khắp mọi nơi, không phải vào chùa mới tu. Mục đích của đi chùa là gì, là thực tập thiền định, nghe giáo pháp, tụng kinh, tham vấn ý kiến và lời chỉ dạy của các nhà sư, còn bái sám hay cúng kiến chỉ là vấn đề rất nhỏ. Lời cầu nguyện được hằng hà sa số đối tượng nghe thấy, nhưng người nghe nhiều nhất chính là mình vì mình biết rõ điều đó hơn ai hết. Vì thế, cầu nguyện Phật tính và tổ tiên tính trong mình, mình có cơ hội làm cho lời cầu nguyện mau chóng thành tựu.

Muốn cầu nguyện có hiệu lực, người cần có sự tu tập, tức là siêng năng làm việc thiện, điều phục tâm ý và biết hy sinh. Người tham nhũng đến chùa cầu nguyện để không bị phát hiện, chắc là chẳng bao giờ thành tựu. Tên trộm đến chùa cầu cho phi vụ trót lọt, nghe thật quá viển vong. Cầu nguyện cho có sức khỏe để hoằng pháp thuận lợi, việc này có thể khả thi. Cầu nguyện làm ăn phát đạt giúp đỡ mấy đứa trẻ mồ côi, lời cầu sẽ được nghe thấy. Phát nguyện và cầu nguyện vì mục đích thiện và điều đúng đắn, đừng lợi dụng chốn thiền môn làm chuyện sai trái. Cầu nguyện hay nhất là cầu cho sự tu tập được thuận lợi, được thành tựu, còn cầu cho sự hưởng thụ của mình, đó là lời cầu nhỏ bé. Biết bao người cầu về nhân duyên, tài sản, tiền bạc, nhà cửa, việc làm, sức khoẻ, … nhưng ít người cầu giải thoát, cũng có nhưng ít lắm, chắc là đếm trên đầu ngón tay. Tu sĩ bây giờ còn cầu về địa vị, giáo phẩm, nhiều người hâm mộ, chùa to, phật tử đông đúc, thuyết pháp hay, nổi tiếng… trong khi đạo giải thoát được tìm cầu ít dần. Hãy nhớ rằng, sống là để tu, không là mục đích gì khác.

Bố thí là một bài thực tập đến khi đạt được hạnh Ba La Mật gọi là hạnh bố thí. Người tu hay cư sĩ muốn tu tập thành công trước hết là hành bố thí. Thứ nhất là tài thí, bố thí những tài sản có giá trị, chia sẻ với người thiếu thốn, không khư khư ôm giữ tiền bạc chất đầy trong khi nhiều người nghèo đói. Một tỷ người đói trên thế giới trong khi nhiều quốc gia sử dụng tiền bạc mua sắm vũ khí, hiện đại hóa quân đội, tập trận, chế tạo vũ khí huỷ diệt hàng loạt. Các nước này không biết bố thí là gì. Bố thí không chỉ có nghĩa là cho đi mà còn có nghĩa buông bỏ và sử dụng tiền bạc đúng chỗ. Có tiền nhưng biết cách tiêu xài đúng chỗ, đây cũng là bố thí. Người có tâm hay sân, nóng giận liên miên, bây giờ buông bỏ, chuyển hóa cơn giận đi, đây cũng là bố thí. Không phải có tiền hay có tài sản mới bố thí, người nghèo tiền nghèo bạc vẫn bố thí như thường. Một nụ cười nho nhỏ, lời hỏi thăm sức khỏe hay cất tiếng chào thân ái, vậy là bố thí rồi. Hạnh bố thí hay lắm, người cho và nhận có nhiều niềm vui, trở nên thân mật và cần đến nhau. Khi bố thí, đừng đắn đo, vì nếu chậm trễ, năng lượng hạnh phúc giảm đi ít nhiều. Bởi cần hạnh phúc, và dĩ nhiên là hạnh phúc liên tục nên thực tập bố thí ngay và bố thí liên tục. Thái tử Sĩ Đạt Ta muốn tìm đạo giải thoát, rời khỏi ngai vàng, từ bỏ địa vị cao sang, ngài chưa đem tiền của phát cho dân nghèo, nhưng sự từ bỏ này là bố thí, bỏ đi sự lo lắng, sự tranh giành và hưởng thụ dục lạc. Bây giờ cũng vậy, buông bỏ những dính mắc vào các pháp thế gian, người thực hiện tâm bố thí dễ chịu, tức là bố thí sự bình an.

Thứ hai là nội thí, bố thí những gì thuộc thân thể, nằm bên trong. Ngày hôm trước đi hiến máu, tôi bắt gặp một anh công nhân nhà nghèo, nhìn cách ăn mặt là biết nghèo, nhưng anh đi hiến máu tới 450ml. Có ba lựa chọn hiến máu: 250ml, 350ml, 450ml. Đa số hiến mức nhỏ nhưng anh hiến rất nhiều. Tôi hỏi, sao anh hiến nhiều máu như vậy. Anh trả lời, con không có gì ngoài máu, còn máu thì còn hiến, ba tháng sau đi hiến máu tiếp. Tôi hỏi, nếu anh không khoẻ thì làm sau hiến máu được. Anh trả lời, con muốn có giọt máu khỏe, nên con phải sống lành mạnh, ăn uống lành mạnh để có những giọt máu lành mạnh, mới giúp được cho bệnh nhân. Thật hay, có phải không? Hiến tặng tài sản thì dễ nhưng hiến tặng thân thể thì khó như hiến mắt, tim, thận, tuỷ…, từng phần hay toàn bộ cơ thể, kể cả sinh mạng. Để buông bỏ được thân thể, người cần quán niệm để không kẹt vào ý niệm thân thể này là ta, là của ta. Bồ Tát Thích Quảng Đức ngồi yên trong ngọn lửa “vị pháp thiêu thân” vì ngài đã xa lìa được ý niệm như thế. Mức nội thí cao hơn mức tài thí. Tài thí là cho đi những gì thuộc bên ngoài, nếu còn sức khoẻ vẫn kiếm lại được, còn nội thí là những gì thuộc bên trong, rất khó tái tạo được. Người đang khoẻ mạnh phát nguyện nội thí đem lại lợi lạc lớn cho bản thân và người khác, không đợi đến khi già hay mắc bệnh nan y. Số bệnh nhân cần mô hay nội tạng ngày càng đông vì nhiều loại bệnh phát triển do cách sống của họ. Nội tạng được hiến tặng cũng nhiều, nhưng thường nội tạng được lấy đi khi người hiến qua đời, nên đăng ký nhiều cũng phải chờ đợi. Như vậy, thân mạng còn không tiếc, nói chi đến tài sản hay tiền của. Người muốn diệt tâm tham, không có cách nào khác ngoài việc thực tập bố thí và nếp sống khiêm cung. Khiêm cung nhằm thành tựu lối sống đơn giản, không quá lo lắng sầu khổ hay đòi hỏi quá đáng trong việc chất chứa tài sản và o bế thân thể. Kiến thức cũng không nên chất chứa vì có người cho rằng, kiến thức là tài sản và nhờ nó mới lớn lên được. Hãy nhớ rằng, kiến thức thế gian, kể cả kiến thức Phật học chưa bao giờ minh chứng cho sự giải thoát. Vấn đề là có hành trì giáo pháp hay không.

Thứ ba là ngoại thí, bố thí những gì thuộc bên ngoài thân thể, tài thí là một phần của ngoại thí. Ngoại thí còn biểu hiện ở sự không tham gia vào các tranh cãi những học thuyết, vào các trò giải trí thế gian hay đi vào thế giới ảo. Trồng cây, chăm sóc trẻ em, người già, người khuyết tật, lấy công sức ra giúp người là ngoại thí. Nhiều tổ chức thiện nguyện hay tình nguyện viên ra đời cũng vì mục đích đó. Người không có khả năng về tài sản thì đóng góp bằng sức lực, bằng thời gian. Khi thấy người tu thực tập, mình yểm trợ bằng thực phẩm, gìn giữ môi trường sạch đẹp hay sự thanh tịnh của nó, giúp họ có đủ điều kiện thực tập, Tôi thấy các bạn sinh viên trẻ tham gia chương trình tiếp sức mùa thi hay chiến dịch mùa hè xanh và các bạn cho rằng đây là hoạt động xã hội (social activities). Những người dưới quê lên thi cử còn xa lạ với thành thị cũng như các cạm bẫy của nó, nếu có người hướng dẫn và giúp đỡ thì còn gì bằng. Bên cạnh đó, trẻ em lẫn người lớn nhiều vùng quê không có điều kiện đi học, người trẻ về đó giúp họ viết chữ, đọc sách, học thêm tri thức, làm công việc ngoại thí. Tuổi trẻ rất dư dả nhiệt huyết nên làm những công việc như vậy, không nên đi vào thế giới ảo, nên sống vì cộng đồng nhiều hơn vì cá nhân. Báo chí hay ca ngợi cái tôi, nói về cá tính nhưng cái tôi hay cá tính kia chẳng là gì nếu đem ra riêng rẽ một chỗ, hoàn toàn xa lạ với cộng đồng. Đi vào cộng đồng để thấy mình và cộng đồng là một, hoà tan với cái chung để sống vì cộng đồng nhiều hơn. Cái gọi là thương hiệu sẽ không thể là thương hiệu nếu không được cộng đồng công nhận. Nhiều khi chẳng cần phải xây dựng thương hiệu, người thành công ở đâu cũng thành công, thương hiệu phụ thuộc vào phẩm chất của sản phẩm. Cũng vậy, tên tuổi không khẳng định phẩm chất đời sống của người trẻ nên cái tôi chỉ mang dáng vẻ của thời trang. Thời trang là bên ngoài, buông bỏ ý niệm thời trang là ngoại thí.

Thứ tư là pháp thí, bố thí sự hướng dẫn về tu tập, giáo pháp của đức Phật và lời dạy về con đường hạnh phúc đích thực. Các tu sĩ thường thực tập pháp thí và được cho là bố thí cao thượng nhất. Pháp thí giúp người biết cách giải thoát, tìm niềm vui đích thực trong giây phút hiện tại. Người hành tài thí, nội thí, ngoại thí nhưng vẫn còn đau khổ, vẫn dính mắc, vẫn bị kẹt đủ thứ nhưng hành pháp thí giúp người chuyển hóa nỗi khổ niềm đau, duy trì chánh pháp và giúp cho trí tuệ phát triển. Không phải chỉ có tu sĩ mới hành pháp thí, cư sĩ tu tập giỏi vẫn hành pháp thí được như thường. Pháp thí thực sự viên mãn khi người bố thí có sự tu tập, có sự chứng ngộ, nếu không những gì đem đi thí chỉ là mớ lý thuyết suông. Ngày nay, nhiều viện và trường Phật học ra đời nhưng cái người ta đem đi dạy chỉ là lý thuyết, nghiên cứu và giải trình kinh điển, thực tập các bài viết, rồi bổ sung vào đó là các học vị, bằng cấp. Cũng tốt thôi, nhưng chưa đủ, vì pháp hành quan trọng hơn. Ngày xưa một số tu sĩ thành tựu đạo quả nhưng không biết giảng pháp hay biết rất ít về kinh điển, chủ yếu họ thực hành và dành phần lớn thời gian thực hành. Sinh viên đi học phải làm việc, bằng không cái học được chỉ là mớ lý thuyết suông, đem ra minh chứng cho cái ngã của mình. Khi thực hành giỏi, người đem giảng nói, đây không gọi là dạy, mà chia sẻ hay bố thí pháp. Pháp thí giúp người biết cách thực tập, nói lại những gì bản thân thực tập và thực chứng. Người tu chưa thành tựu gì thì khoan vội thí pháp vì sự ngã mạn sẽ khiến họ khó khăn trong việc tu tập. Khiêm cung là yếu tố hàng đầu, các vị viện chủ khi sắp xếp cho tu sĩ thí pháp cần cân nhắc và thử thách tính khiêm cung vì người khiêm cung tiếp tục học hỏi ngay khi họ làm công việc hoằng pháp.

Bố thí bình đẳng là sự cho đi một cách trong sạch, không phân biệt đối tượng, thời gian và không gian. Về đối tượng thì dù người lớn, người trẻ, người tu, cư sĩ, người theo tôn giáo này hay tôn giáo khác, người làm nghề nghiệp này hay làm nghề nghiệp khác, người nam, người nữ, quốc gia này, quốc gia khác… đều có tâm bố thí như nhau. Bố thí mà suy nghĩ cao thấp, hiệu lực bố thí giảm đi. Về thời gian, người muốn bố thí, bố thí ngay, không đợi ngày mai, ngày mốt hay hẹn lần lữa vì phước báu sẽ giảm nếu vật bố thí chậm đến tay người nhận bố thí. Trong việc cứu trợ lũ lụt, phân phát thực phẩm, thuốc men, chậm trễ vài phút, người nhận có thể trong cơn nguy kịch. Về không gian, sự bố thí không gói gọn trong khuôn viên của nhà chùa, bệnh viện, cơ sở từ thiện, trường học mà đi ra cả đường phố, rừng rậm, sông ngòi, địa phương, quốc gia và vũ trụ. Rải tâm từ là hành vi bố thí từ tâm đến muôn loài, các cõi, mười phương tám hướng và chúng sinh khắp vũ trụ. Trong các hạnh Bồ Tát, hạnh bố thí đứng đầu và hạnh này dẫn các hạnh khác đi đến thành tựu rất mau, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi thực tập buông bỏ, nhất là buông bỏ ảo tưởng. Nhẫn cũng là bố thí, bố thí im lặng sấm sét, bố thí tình thương…, không đơn thuần bố thí tài sản vật chất. Mọi kế hoạch làm việc hàng ngày, mọi hành vi đời sống, mọi suy nghĩ đều chỉ nên hướng về bố thí. Trước khi đi ngủ, xem xét mình nên bố thí cái gì, hôm nay đã bố thí được gì và cần làm gì để bố thí hơn nữa. Càng chất chứa càng nghèo đi, càng cho ra thì càng giàu có. Giàu có kiểu Thạch Sùng chẳng gì hay cả, mới có rồi mất đó nên khi cho đi, giúp được mình và giúp được người. Hạnh bố thí cần thực tập làm cho nó tăng trưởng, lúc này bản thân lớn mạnh, tình thương được dịp lớn mạnh. Thật hay nếu biết chìa tay ra nắm lấy tay người, tình thân ái càng mặn nồng, có phải vậy không.

Bố thí trong sạch là bố thí không cần mang ơn, sự trả hơn hay phước báu về sau. Làm việc thiện cần quả đẹp về sau thì tâm vẫn có ý niệm của sự đổi chác. Tuy nhiên, bố thí để hồi hướng đến người khác và tạo điều kiện thuận duyên cho sự tu học, bố thí này rất dễ thương. Thông thường, cách phát nguyện này cũng có, nhưng ít lắm, bởi vì hầu hết nguyện tiền tài, danh vọng, địa vị cao sang, mấy ai cầu sống đơn giản, tâm tĩnh lặng hay giải thoát. Người hay đàn áp mình đi vào con đường hưởng thụ, hơn là con đường phụng sự. Muốn vậy phải thực tập từ từ, bắt đầu tài thí, ngoại thí đến nội thí và pháp thí. Tuỳ theo khả năng mà làm, nhưng nếu có mục tiêu, người sẽ để tâm vào việc đó. Bố thí đòi hỏi tính hy sinh và tình thương. Hy sinh những gì do mình sở hữu, đơn giản một mình thọ hưởng đâu có gì vui, vui là vì nhiều người cùng thừa hưởng. Tình thương là thấy người thiếu thốn, nên chia sẻ, họ thiếu thốn cả tinh thần lẫn vật chất. Bố thí cùng khắp nên hy sinh và tình thương cùng khắp. Ai cũng đáng để hy sinh và đáng để thương. Bố thí Ba La Mật không chỉ nhằm mục đích đi tới bờ bên kia mà bố thí chỉ để bố thí, không nhằm mục đích gì khác. Có một loại bố thí gọi là vô uý thí, tức là làm cho người khác không còn sợ hãi như sợ chết, sợ địa ngục vô vàn, sợ gia đình ly tán, sợ sản nghiệp tiêu tan… Nỗi sợ lấp đầy thế gian, chia sẻ các phương pháp thực tập chuyển hoá nỗi sợ, thân tâm nhẹ nhàng và hạnh phúc. Người hạnh phúc, mình cũng hạnh phúc, đó là thành quả việc bố thí. Cuộc đời tươi đẹp nhưng không biết cách sống, mình làm cho nó khổ rồi gán câu, đời là khổ. Đem cái đẹp, cái vui cho đời là hành xử bố thí, bằng không mình gieo rắc khổ đau, trở thành tên trôm, tên cướp, lấy đi sự bình an của nhân loại. Bố thí không nên chấp tướng, không để sự phân biệt và ganh tỵ len lỏi, vì như vậy, phẩm chất bố thí giảm đi ít nhiều, có khi gây phản tác dụng, không còn là nghiệp thiện nữa. Tính tự cao tự đại rất dễ sinh ra vì nghĩ rằng mình là người ban ơn, kẻ kia là người chịu ơn.

Bây giờ nói đến tính không của việc bố thí, tức là không thấy ai bố thí cũng không thấy ai là người nhận và hành động đưa cho ấy cũng là chuyện bình thường. Bố thí là diễn tiến của vô số nhân duyên đưa tới thành tựu. Nếu không có người nhận, vật thí nhiều cách mấy cũng không cho được, nên nhiều lúc phải biết ơn người nhận, vì họ tạo điều kiện cho mình làm phước. Nghe có vẻ kỳ cục, bố thí một người, phải mang ơn người đó. Người nhận với tâm vui vẻ, phước người cho mới lớn, nhưng có gì gọi là phước đâu, chẳng qua mình chịu ảnh hưởng của nhân duyên do chính mình tạo. Không người cho, không người nhận, không hành động cho nhận, nên không có gì gọi là bố thí cả, nếu kẹt vào nó, mình sinh ngã mạn và dính vào các pháp bất thiện. Người có tâm bố thí không bao giờ sợ thất nghiệp, vì đối tượng bố thí nhiều vô số kể, làm hoài cũng không hết. Đây là sự may mắn. Nhiều người tự cho không may mắn trong khi các yếu tố may mắn có đầy, chỉ tại mình không dám tiếp xúc với nó. Con đường phụng sự là con đường may mắn, đi trên con đường đó rất hiếm khi gặp rủi ro, có chăng nó chỉ là gia vị giúp cho sự may mắn thêm phát huy. Bố thí có tác dụng độ người và độ mình, cả hai đều vui, đều có hạnh phúc. Một số doanh nghiệp hay cá nhân làm từ thiện để người khác biết đến, thậm chí nó được đưa vào nghiệp vụ PR doanh nghiệp, trở thành cái nghề. Việc thiện đã bị biến tướng quá nhiều, là công cụ quảng bá thương hiệu và xây dựng hình ảnh. Nói đến tính không của bố thí, chắc sẽ có người trở nên loạn cuồng, không thể hiểu. Đơn giản vì cái ngã khiến họ muốn được chứng minh, muốn được nêu danh, muốn được công nhận. Giống như người tự xưng là vĩ nhân, tự đúc tượng, tự ca ngợi chính mình, đang to lớn bỗng trở nên nhỏ bé, đến lúc nào đó chẳng còn ai nhắc đến, do thói hám danh, hám lợi của mình.

Có người nói nghèo quá lấy gì bố thí đây. Có một thứ cho đi không cần tiền bạc, đó là tình thương và sự tu tập. Ai cũng cần tình thương và tình thương là thứ bố thí không ngừng nghỉ. Ngày nay người ta thiếu thốn tình thương ghê lắm, đến nỗi họ đi tìm tình thương ảo, chấp nhận cái ảo làm sự khoả lấp cho mình. Tu sĩ còn trẻ, chưa hoằng pháp, chỉ mới tu tập thôi, đã cống hiến cho đời nhiều bình an. Người ta còn sợ hãi sự bình an, tìm cách triệt phá nó, ghê gớm đến như vậy. Cuộc đời đức Phật là bài pháp thoại muôn màu, chưa nghe ngài thuyết giảng, chỉ mới nhìn cách ngài đi đứng, ăn nói, ứng xử là có thể học tập rất nhiều. Bố thí là biểu hiện chân thật của tình thương, vì thương nên chia sẻ và cho đi những gì mình có, dư thừa hoặc chế tác được. Thương người, mình cống hiến sự có mặt của mình cho người thương, nhiều khi nhìn thấy mình, người ấy đã ấm lòng. Khả năng nhỏ, bố thí nhỏ, khả năng lớn, bố thí lớn, sự tu tập luôn là việc bố thí không phụ thuộc vào khả năng, bất cứ ai cũng có thể làm được. Đừng đợi ngày mai mới tu mà hãy tu ngay bây giờ, tại chỗ này. Đừng đợi đi vào chùa mới tu, mà giữa chợ lo tu đi.

Source: http://damlinhthat.net/chat-voi-the-gioi-ben-kia

Total comments: 0 | Views: 1037
Category: Truyện ma | Added by: admin (27-12-2013) | | Rating: 0.0/0
Truyện mới đăng
- Tóm tắt Biến đổi Trái Đất của SOTT - 7/2017
- Thọ Khang Bảo Giám
- Tóm tắt Biến đổi Trái Đất 07/2016
- Tóm tắt Biến đổi Trái Đất 06/2016
- Dấu hiệu thời đại tháng 05/2016
- Tình hình Trái Đất
- Chuyện Mạnh Phu Nhơn
- Thái-Thượng Cảm-Ứng-Thiên - 2
- Thái-Thượng Cảm-Ứng-Thiên - 1
- Khuyên người trẻ
-Xem thêm-
Những câu nói hay
Người không biết tươi cười sẽ không biết cách mở ra những cánh cửa.
Ngạn Ngữ Trung Quốc
Tâm sự
Tâm sự số #1306 [1]
Tâm sự số #1275 [1]
Tâm sự số #1270 [1]
Tâm sự số #1258 [0]
Tâm sự số #1249 [1]
Tâm sự số #1233 [3]
Tâm sự số #1227 [4]
Tâm sự số #1219 [2]
Tâm sự số #1195 [3]
Tâm sự số #1183 [3]
Vote
Bạn có thích mua sắm online ko?
Tổng bình chọn: 48
Search
Liên kết
Copyright adnet.uCoz.com © 2010-2024
Powered by uCoz
Top