Xin chào Khách

Adnet.uCoz.com

Cộng đồng

Trang chủ » Articles » Truyện » Truyện ma Đăng truyện

Chat với thế giới bên kia - 6

Nhạc sĩ Hoài An liên tục đề cập câu điều kiện này trong tác phẩm của mình và chẳng cần trả lời, mình sẽ sống trọn vẹn ngày hôm đó. Có thể mình không hiểu sống trọn vẹn là như thế nào, chỉ biết tận hưởng từng khoảnh khắc bình yên của sự sống. Ai đã lỡ nói lời chia rẽ căm thù thì tận dụng ngày còn lại để hàn gắn và tha thứ. Ai đã lỡ gây đau khổ cho nhau thì xí xóa tất cả, kêu gọi tình yêu quay về. Ai đã lỡ tạo dựng địa ngục thì đóng cửa và ngưng cung cấp dịch vụ địa ngục. Nói sống trọn vẹn từng ngày chưa đủ mà phải sống trọn vẹn từng giây phút, thậm chí từng sát na. Để mỗi giây phút trôi đi trong các trò chơi ảo, của hờn giận, ghen tuông, tranh giành, mình biến sự sống thành địa ngục. Nói thương mẹ, thương bạn, thương người, thương muôn loài chỉ trong một phút, thậm chí ít hơn nhưng lại đem niềm tin rất lớn cho người nghe và họ sống hạnh phúc rất lâu sau đó. Người không dám nói lời thương, lời tha thứ trong phút chót thì uổng lắm. Nhưng tại sao phải đợi đến giây phút chót mà không nói ngay bây giờ, tha thứ và thương yêu ngay bây giờ. Sự chờ đợi không ngợi ca được tính kiên nhẫn mà lại tạo nên rào cản trên con đường sáng lập hạnh phúc. Hạnh phúc không nằm cuối con đường, hạnh phúc chính là con đường. Nếu chỉ còn một ngày để sống thì dĩ nhiên hãy sống trọn vẹn ngày đó. Thật vô lý nếu phải chờ đến ngày cuối cùng mới sống trọn vẹn. Hãy sống trọn vẹn vào lúc này, có phải mình có rất nhiều ngày trọn vẹn hay không? Ngày nào cũng trọn vẹn, ngày cuối cùng để sống kia quan trọng như mọi ngày.

Thôi không gây đau khổ, không giành ăn với nhau nữa. Trong lớp, người ta giành từng con điểm. Trong công sở, người ta giành từng đồng lương. Trên chính trường, người ta giành từng quyền lực. Trong xã hội, người ta giành từng lời ăn tiếng nói. Người đã quá đau khổ, địa ngục đầy dẫy, nhưng người cứ mãi tạo ra thêm nhiều đau khổ, nhiều địa ngục. Ngày nay có duyên nên gặp nhau, ngày mai hết duyên không gặp nhau nữa, vậy hôm nay hãy biết yêu thương nhau. Ngày nay còn sống, còn sức khoẻ nên hãy giúp đỡ, thông cảm nhau, ngày mai đi xa rồi ngay cả một lời chào cũng không kịp nói. Sống là phải biết chờ đợi, nhưng đừng chờ đợi tình thương, đừng chờ người khác mang tình thương đến mình. Mình luôn tự hào là người bận rộn nhưng hãy bận rộn trong công việc của tình thương, đừng bận rộn trong công việc của địa ngục. Thay vì sử dụng thời gian xây địa ngục, mình nên xây tịnh độ hay thiên quốc cho mình và cho người. Chất liệu từ bi trong mình có đầy, nhưng sao mình ban phát nó nhỏ giọt vậy? Khi mình đã tạo tịnh độ, mình mời người này người kia đi vào an vui với mình, còn địa ngục thì thôi, đập bỏ nó đi. Người giỏi xây được tịnh độ ngay trong địa ngục và chuyển hoá các yếu tố địa ngục thành tịnh độ. Duy tâm tịnh độ tức tịnh độ đến từ tâm nên dù hoàn cảnh có tính địa ngục cách mấy mà tâm bình an, mọi thứ bên trong lẫn bên ngoài đều bình an. Người khổ đau vì tình yêu, chiến tranh, dịch bệnh, muốn mà không được… nhưng nếu xem đó là những thử thách thì sống chung với thử thách thì sẽ vui hơn. Người luôn mong vượt qua thử thách, vượt lên đỉnh cao. Thử thách chỉ là thử thách, đừng xem nó là gì cao siêu bởi hy vọng nhiều, thất vọng sẽ càng nhiều nên vượt qua thử thách chỉ để vượt qua thử thách, còn đặt ra mục tiêu cho nó, người cũng thuộc nhóm người chạy theo danh sách mục tiêu thôi. Nhà quản trị hay nói vượt qua mục tiêu, mình sẽ phát triển và khi vừa hoàn thành mục tiêu này, mục tiêu khác đã xuất hiện. Vậy phát triển là phát triển cái gì, có chăng là phát triển tính ngã mạn và tiềm năng hưởng thụ của mình.

Buông bỏ mọi ảo tưởng và ước muốn để cuộc đời bớt khổ. Sở dĩ mình khổ vì dính mắc và ôm đồm nhiều thứ quá, cái gì cũng thích thu gom vào. Mình hay dựa dẫm vào tôn giáo, người thầy, gia đình hay người bạn để xây dựng và củng cố lại niềm tin nhưng mọi thứ đều vô thường, đều thay đổi, điều nương tựa cũng thay đổi, mình đánh mất niềm tin rồi đổ thừa cho điều đó, mình thấy khổ vì sự nương tựa. Người trẻ quay sang tôn thờ những người diễn viên, vận động viên hay lãnh tụ như thần thánh, đồng thời nhìn vào tài năng của họ nhiều hơn nhìn vào tình thương của họ. Tài năng có thể đóng góp cho nền văn minh nhân loại nhưng chưa chắc đem lại hoà bình đích thực, người có tài vẫn khổ như thường, như bị ganh tỵ, bị dèm pha, bị hãm hại, bị tàn phai nhan sắc hay bị mai một. Tài năng đâu có ở với mình hoài và không hẳn đi tiếp ở thế giới bên kia. Tình thương ngược lại, nó có sự tiếp nối và thừa hưởng. Mình thương người thì sự sống dài lâu và mang đến kiếp sống tiếp theo. Nếu chỉ còn một ngày để sống, hãy thương như chưa bao giờ được thương vì tài năng, tài sản, vật chất phải bỏ lại lúc ra đi nhưng tình thương vẫn mang theo, vẫn vun bồi và làm thuận duyên cho sự tu tập ở những kiếp sống khác. Nói cuộc đời là khổ hay bể khổ là đúng nhưng không đầy đủ. Cuộc đời cũng là hạnh phúc nữa, như vậy mới đủ. Khổ chỉ là một chiều của sự sống. Khổ là một phần của sự sống, hạnh phúc cũng thế. Đời được cấu tạo bởi khổ và vui, bên cạnh đó còn có không khổ không vui. Khổ là yếu tố hay bàn đạp thúc đẩy cái vui phát khởi, nhờ khổ mình mới trân quý cái vui, thực tập hạnh phúc và hết lòng chuyển hóa khổ đau. Nếu đời chỉ có hạnh phúc thôi, thế gian này sẽ không có ngục tù và nếu đời chỉ có khổ thôi, đức Phật sẽ không khám phá ra con đường diệt khổ. Vì vậy, khổ là một tiến trình của hạnh phúc, người biết khổ mới hiểu rõ hạnh phúc là gì.

Hạnh phúc là sự vắng mặt của khổ đau cho dù người đang trong hoàn cảnh khổ đau. Sự vắng mặt không phải là hoàn toàn không có mặt của khổ đau mà mình khổ đau biết mình khổ đau, nhận diện khổ đau một cách đơn thuần, không trốn chạy, không lấp liếm, không áp đặt. Giống như hoàn toàn có mặt cho người thương, biết người thương đang có mặt và bản thân nhận diện người thương đang biểu hiện. Người thương đang ngồi đó, mình không ý thức được, cũng vậy, mình đang có khổ đau nhưng mình không biết. Người thương đang sống còn không biết nên ở gần người thương, mình thấy vẫn xa cách. Mình đang khổ đau mà không biết, mình càng dấn thân vào khổ đau. Con người hay tự làm khổ bản thân và đổ thừa cho hoàn cảnh, tại người này, bị cái kia, ít khi nhìn nhận lại bản thân. 99% nỗi khổ là do mình tự tạo, không ai mang tới cả và nếu nhìn được 100% hay hơn nữa nguyên nhân của khổ là do mình, mình đã giác ngộ, còn cho nguyên nhân nằm bên ngoài mình, mình vẫn mê muội như ngày nào. Nguyên nhân to lớn nhất của khổ là sự thèm khát, ham muốn và sự gia tăng nhu cầu. Một công ty thèm khát thị phần nên tìm cách gia tăng thị phần và lũng đoạn giá cả, đến khi không đạt được nên khổ rồi đổ thừa đối thủ cạnh tranh, khách hàng, chính sách chính phủ… Người trẻ biết điều này rất rõ, không phải là không biết nhưng không dám từ bỏ cái khổ, thích chất chứa nó và hài lòng với tính hiếu thắng của mình. Biết ham muốn nhiều, đau khổ nhiều nhưng vẫn dính vào, đi vào và tranh đấu vì nó, đơn giản sức khoẻ của họ có thừa nhưng tâm quá yếu đuối, dễ ngã gục, dễ đầu hàng trước các cạm bẫy của nhu cầu. Các chiến lược marketing nhằm vào sự thèm khát của con người mà thôi, chuyên viên marketing giỏi chẳng qua là người am tường về tâm lý thèm khát này. Bên cạnh đó, cảm xúc chế ngự con người như cảm xúc thắng thế, cảm xúc được khen, cảm xúc được quan tâm… lấn át mọi nhu cầu hy sinh. Người biết hy sinh ngày càng ít đi, hy sinh này chính là hy sinh trong mình, như hy sinh tính đòi tiêu thụ, tính đòi vươn lên đỉnh cao, tính đòi đúng sai, tính đòi giàu sang, tính đòi được tôn trọng…

Để vơi bớt nỗi khổ và do đời sống đang ngắn lại, người thực tập tha thứ và yêu thương. Hy sinh các tính đòi hỏi bên trong chính là tha thứ cho mình, cho phép mình cơ hội không đau khổ; và yêu thương mình, cho phép mình cơ hội không bị ganh ghét. Người đòi hỏi quá nhiều bởi danh sách mục đích và tiêu chuẩn là người không biết buông tha bản thân, tự đẩy vào con đường hiểm nguy. Cũng vậy, người đi vào thế giới ảo như sử dụng các sản phẩm độc hại là người không biết yêu thương bản thân mình, tự đi vào con đường của đối đầu và đàn áp bản thân. Người biết yêu bản thân là người năng bảo vệ trí nhân ngày đêm, luôn tỉnh thức soi rọi mình. Người biết yêu bản thân năng làm lợi lạc cho chúng sinh, luôn nương tựa chính mình. Bảo vệ trí nhân là bảo vệ tâm, luôn tỉnh thức biết rõ chuyện đang xảy ra, điều gì nên làm và điều gì không nên làm. Nương tựa chính mình là nương tựa điều trong sáng nơi mình, không nương tựa ai hay không nương tựa điều gì. Bản thân biết rõ mình hơn ai hết, điều khác không biết rõ mình thì đừng nương tựa vào điều bên ngoài. Con người thường hay bị đánh lừa bởi các cảm xúc bên ngoài, như sắc dục, âm thanh, mùi hương, vị nếm, sự va chạm, suy nghĩ. Người có sắc đẹp, hát hay thì cho là có đức coi chừng lầm, coi đẹp đấy, giọng hát quyến rũ đấy, nhưng bên trong đã mục nát từ lâu, đi theo họ như đi theo khúc gỗ đầy mối mọt được trơn phết bằng sơn Nippon. Người được dạy nương tựa Tam Bảo vì thuở ban đầu chưa biết nương tựa ai, đến khi thực tập thành công, người sẽ nương tựa chính người, ngay cả Tam Bảo cũng phải buông bỏ, đơn giản chỉ vì Tam Bảo có sẵn trong mình. Mình có Phật thân, Pháp thân và Tăng thân hay nói cách khác là nương tựa mình là nương tựa Phật tính, Pháp tính và Tăng tính trong mình. Nương tựa Tam Bảo là giai đoạn đầu tiên của sự nương tựa, sau đó buông bỏ vì nó mang tính bên ngoài. Giai đoạn tiếp theo, mình quay sang nương tựa chính mình, tức là nương tựa Tam Bảo, là ba thân của mình.

Tha thứ và yêu thương được, mình đã cho người hạnh phúc. Đặt câu hỏi còn một ngày để sống thì nên làm gì, câu trả lời là như vậy. Mục tiêu của đời sống không gì khác hơn là làm cho người hạnh phúc, lấy hạnh phúc của người làm hạnh phúc của mình, vui với hạnh phúc của người, đây là tâm từ và tâm hỷ. Tìm hiểu nỗi khổ của mọi loài là lúc giúp họ có hạnh phúc. Nếu định nghĩa về hạnh phúc, có thể nói như vầy, hạnh phúc là được làm cho người khác hạnh phúc, tạo điều kiện cho người khác hạnh phúc và hướng dẫn cho người khác thực tập hạnh phúc. Hạnh phúc là cái cho đi chứ không phải cái thu vào nên càng cho, hạnh phúc càng lớn. Hạnh phúc này không thể mua được từ siêu thị hay cửa hàng miễn thuế, mà nó đến từ tâm, tâm vô tư khi chia sẻ hạnh phúc đến người. Ngồi suy nghĩ hạnh phúc là gì rất mất thì giờ mà hãy lo đi thực hiện nó. Bất cứ khái niệm nào về hạnh phúc đều không phải là hạnh phúc vì khi vừa mở miệng, bản thân người nói đã đánh mất hạnh phúc. Tha thứ được, mình có hạnh phúc, yêu thương được, mình có hạnh phúc, thế thôi. Mọi khái niệm về hạnh phúc chỉ là sự trình diễn, không thể nào nói lên phẩm chất của hạnh phúc. Thương một người là biết cách làm cho người đó hạnh phúc, cho người đó nhiều thời gian, cung cấp người đó nhiều không gian thênh thanh, mình là người biết thương. Còn thương người mà ganh tỵ với hạnh phúc của người, yêu cầu người báo cáo đi đâu gặp ai, bắt người khư khư ở bên mình suốt ngày, người hãy xem lại chữ thương, mình đang làm hại người thương bởi tính ích kỷ, độc tài và tham lam. Những gì muốn người khác làm cho mình, hãy làm như vậy với họ và mình phải làm trước. Muốn người khác tôn trọng, mình phải tôn trọng họ. Muốn có hạnh phúc, hãy là hạnh phúc của người khác.

Quay về với yêu thương là quay về với nguồn cội. Bản chất của con người là yêu thương, muôn loài cũng vậy. Loài vật còn biết bày tỏ tình thương với nhau, con người phải hay hơn. Nguồn cội không nằm bên ngoài mà bên trong mình. Mình chứa đựng các yếu tố của tổ tiên, ông bà, cha mẹ, núi non, biển cả, sông ngòi, chim chóc, cỏ cây… Người tha hương rời xa quê cha đất tổ vẫn mang tổ tiên đi theo, con cháu ở đâu, ông bà ở đó. Hơn nữa, không cần đi Nha Trang mới nhìn thấy biển, ở Sài Gòn vẫn thấy được biển, biển dạt dào đang chảy cuồn cuộn trong mình. Thiên nhiên và muôn thú xuất hiện từ lâu trên Địa Cầu, loài người sinh ra chậm nhất nên mang tất cả các yếu tố của thiên nhiên và muôn thú. Bảo vệ thiên nhiên và muôn thú là bảo vệ tổ tiên, bảo vệ mình và khi chăm sóc mình là chăm sóc thiên nhiên, chăm sóc muôn loài. Hành trình trở về nguồn cội là hành trình của tình thương, bảo vệ cái gốc của mình. Trở về không chỉ đơn thuần là người đi xa trở về nhà, mà trong lúc đi xa vẫn có thể trở về được. Chăm sóc cho thân và tâm, đem thân hợp nhất với thân, đây là cách trở về hay nhất. Có câu, lá rụng về cội, nhưng lá phải chờ đến khi rụng mới về với đất được. Mình ngược lại, chưa rụng nhưng trong giây phút này vẫn có thể trở về. Nhìn lá vàng rụng, có thể buồn nhưng đó là qui luật. Nếu nhìn kỹ, chiếc lá đã đi vào đất, đi vào thân cây. Mình đừng đợi lúc rụng mới về cội mà mình có khả năng về cội khi đang còn sống, vào lúc này, tại chỗ nay. Theo dõi hơi thở vào ra, mình tiếp xúc với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, thiên nhiên và muôn loài. Tất cả đều là mình và mình là tất cả. Nên nói một sinh vật hay bất cứ loài nào đều đại diện cho cả vũ trụ, chăm sóc mình là chăm sóc cả vũ trụ, dễ sợ chưa. Trường hợp tâm đi lang thang, mình bỏ quên nguồn cội, tâm quay về với thân, nguồn cội hiện tiền ngay lập tức.

Tâm đi xa thân quá lâu, thân bị bỏ hoang và mấy con ma thâm nhập làm cho hư hỏng, dật dờ. Một học trò trường Kent hỏi tôi, thầy tin trên đời này có ma không. Tôi không trả lời thẳng nhưng trả lời theo kiểu muốn hiểu sao thì hiểu. Mỗi người đều có tính Phật và tính ma. Bản thân tu tập, tính Phật sẽ phát triển, tính ma ngủ yên, không tu tập, tính ma sẽ phát triển, tính Phật bị quên lãng. Đến giờ đi ngồi thiền, ý thức giờ giấc và thực tập công phu cùng với đại chúng, mình dậy sớm, sửa soạn cho buổi thiền toạ chu đáo, tính Phật đang phát huy. Nhưng trời đã đứng bóng, mình còn ngủ nướng, tự nhủ để chiều thực tập cũng được, tính ma đang phát huy rồi. Tính Phật biểu hiện khó nhưng tính ma biểu hiện dễ lắm, chỉ cần sơ ý một chút là sa vào ác ma ngay. Vậy ma hay Phật là do tâm tạo, tâm Phật sẽ sinh ra Phật, tâm ma sẽ sinh ra ma. Tâm tạo ra nghiệp và nghiệp dẫn mình sinh về cõi tương ứng. Không có cõi nào gọi là cõi ma cả vì tất cả đều là chúng sinh. Nhìn người phải nhìn tâm, tâm tà làm nô lệ cho ma, tâm thiện làm đệ tử Phật. Bản thân muốn trở thành ai sẽ trở thành người đó, dĩ nhiên chỉ có người vô minh mới chọn trở thành ma thôi. Nếu chỉ còn một ngày để sống, người khôn ngoan sẽ thực tập tâm Phật ngay, không suy nghĩ lôi thôi.

Mọi thứ đều vô thường, đây không là lời tuyên bố mà là chân lý, một quy luật tự nhiên của vũ trụ. Thuyết tiến hoá của Darwin chẳng qua chỉ là hệ quả của vô thường. Vô thường là sự biến đổi, không thường còn, không mãi mãi, không muôn năm. Ngay trong một phút đồng hồ, hằng hà sa só yếu tố đã thay đổi, nói chi đến muôn năm, điều quan trọng là sự thay đổi này mang đến điều tốt đẹp hơn hay tệ bạc hơn. Nhiều người cứ cho vô thường là khổ, là địa ngục, có thể họ xem xét về sự kéo dài đời sống của sự vật. Nhìn sâu sẽ thấy vô thường là hạnh phúc. Nhờ vô thường nụ hoa sẽ nở thành bông, mặt trời mọc lên, em bé trở thành người lớn, vong linh sẽ siêu thoát, thái tử Sĩ Đạt Ta tu tập thành Phật… Nếu không có vô thường, nụ hoa mãi mãi là nụ hoa, mặt trời chẳng bao giờ mọc hoặc mọc hoài không lặn, em bé không thể là chàng trai, vong linh chịu khổ muôn đời và Sĩ Đại Ta chỉ là Sĩ Đạt Ta mà thôi. Trong một bài giảng, sư cô Như Thủy nói hạnh phúc là được chết và chết có trật tự. Vô thường giúp cho mình được chết và tiếp nối. Cái chết không xảy ra, con người phải xây nhà dưới biển mới đủ chỗ ở. Người cho vô thường là khổ vì sợ chết, sợ không đủ thời gian để hưởng thụ. Chính sự sợ hãi này, người sinh lòng không chân thật, đó là quyết định sống vội vàng, sống bon chen, sống thâu tóm hay sống tàn hại. Người với tấm lòng chân thật chấp nhận vô thường, xem nó là điều kiện của hạnh phúc, rồi quyết định sống chậm, sống sâu sắc trong hiện tại, tiếp xúc với thực tại cùng tột và nhìn nhận vô thường là chất xúc tác tạo nên sự sống.

Tấm lòng chân thật là gì, có phải thật thà, liêm khiết hay không? Chân là chân chính, thật là tôn trọng sự thật, chân thật là sống chân chính và tôn trọng sự thật. Hiền lành là một yếu tố của chân thật nhưng đừng hiền lành quá mà thành ra nhu nhược. Hiền lành chứa đựng yếu tố nhẫn, vì thương mình thương người nên thực tập tính hiền lành nhưng phải đủ can đảm nói lên sự thật, kêu gọi công bằng bình đẳng, bảo vệ nhân phẩm quyền làm người. Tấm lòng chân chính biểu hiện ở người có lương tâm nên suy nghĩ, hành động và nói lời thiện, không gây tổn hại bất cứ ai. Do ghê sợ tội lỗi và cảnh khổ địa ngục, người áp dụng các tiêu chuẩn đạo đức cho hành vi của mình trong tất cả mọi hoạt động của đời sống. Tôn trọng sự thật không đơn giản là chuyện có nói có chuyện không nói không, mà cao siêu hơn cả là chấp nhận sự thật về chánh pháp. Bốn Sự Thật Vi Diệu (Tứ Diệu Đế) là một sự thật, thực tập sự thật này là có hạnh phúc, giải thoát khổ đau. Tám Con Đường Chân Chính là một sự thật, thực tập sự thật này là đi trên con đường hạnh phúc, an lạc, thảnh thơi. Vô thường, vô ngã, Niết Bàn là một sự thật, chấp nhận sự thật này là bước vào sự thanh tịnh, gỡ bỏ mọi rào cản của khổ đau. Luật nhân quả hay thuyết mười hai nhân duyên là một sự thật, tôn trọng sự thật này là đón nhận hạnh phúc, chuyển hoá khổ đau, dứt trừ những tai nạn và sống đời thánh thiện. Ăn hiền ở lành là câu nói đầu môi ông bà hay dạy con cháu. Ăn ở đây là sự tiêu thụ, biết lựa chọn các thức ăn và giải trí lành mạnh giúp thân tâm thêm tráng kiện. Ở lành là cách đối nhân xử thế, hành vi đời sống phù hợp với chuẩn mực đạo đức mà các nhà đạo đức, các nhà giáo dục, các tôn giáo ủng hộ. Mỗi người cần yểm trợ nhau thực tập đạo đức, đồng thời vinh danh những người thực tập giỏi. Đạo đức quan trọng hơn tài năng, có tài mà không có đức thì thà không có tài còn hơn. Một công ty tuyển dụng bên cạnh tài năng, cần quan tâm đến đạo đức, đơn giản vì tài năng giúp công ty thành tựu nhanh chóng nhưng đạo đức giúp cho thành tựu đó phát huy vẻ đẹp của nó.

Bằng tấm lòng chân thật, người chấp nhận cái nghèo và sống an vui với cái nghèo. Nghèo không phải là tội nhưng làm ăn thế nào để không bị quá thiếu thốn và túng quẫn. Người Việt Nam có câu, nghèo cho sạch, rách cho thơm, thà sống nghèo mà giữ được tình nghĩa, giữ thủy chung, hiếu thảo ông bà cha mẹ, anh em đùm bọc bên nhau, còn hơn giàu nhưng rất ít dịp nhìn thấy mặt rồi sinh ra những tật xấu. Người có quyền làm giàu nhưng làm giàu trên sự bình đẳng hơn là trên sự bất công của xã hội. Làm giàu chính đáng được khuyến khích không chỉ theo tinh thần tôn giáo mà còn theo tinh thần xã hội. Ngồi than vãn cho cái nghèo chỉ làm mất thì giờ vì ngồi than thì không thể té ra gạo ra cơm ăn được. Muốn thoát nghèo thì phải làm việc và khi làm việc, hãy làm việc chân chính, không vì cái nghèo mà sinh đạo tặc. Cũng có câu, bần cùng sinh đạo tặc, tức là nghèo quá nên đánh liều làm bậy, như vậy tạo nghiệp, nghèo sẽ càng nghèo thêm. Chấp nhận nhưng không an phận, tức là biết vươn lên, học hành, làm việc, yêu thương người hết lòng, đến lúc nào đó mình hết nghèo thôi. Cần hiểu rõ vì sao mình nghèo, mình đã làm gì để nghèo như vậy. Kiếp xa xưa mình có tham nhũng không, có cướp bóc không, có ăn chặn tiền bạc không nên kiếp này mình phải trả nghiệp. Tuy nhiên, đừng dính vào cái nghiệp đó, mình vẫn hoán chuyển được nó nếu bản thân biết bố thí ngay bây giờ, không bố thí bằng tài sản được thì bố thí bằng tinh thần. Trường hợp thực tập bố thí mà còn mong cầu giàu sang, e rằng đó là sự đổi chác, tâm không còn vô tư, nên hiệu quả của nó giảm đi ít nhiều. Người nghèo vẫn có thể tu và bố thí, thậm chí giỏi hơn cả người giàu. Người đẹp đẽ là người biết tu tập, không phải giàu tiền giàu bạc, ăn mặc sang trọng, bôi son trát phấn. Mình nên thường xuyên nhìn người ở cái tâm của họ, đừng nhìn bề ngoài mà lầm. Vậy nghèo đâu thực sự nghèo và giàu đâu thực sự giàu. Giàu nghèo chỉ là ý niệm, không đo lường được hạnh phúc đích thực. Bằng tấm lòng chân thật, mình không kỳ thị giàu nghèo, mình lắng nghe tất cả và điều quan trọng là tập tâm bình đẳng dù đối tượng đó là ai.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong một bài hát để cập ý niệm, sống trên đời sống cần có một tấm lòng. Thầy Minh Niệm cũng nhắc đến tấm lòng mà người cần phải có. Thật ra ai cũng có sẵn tấm lòng, chỉ vì mình quên, mình dấu nó đi, thậm chí xấu hổ khi nói về tấm lòng trong thời đại người ta chỉ quan tâm đến chụp giựt và ôm đồm mọi thứ về phía mình. Thời gian trôi qua rất nhanh, và nó bị phí phạm trong những trò chơi của thế gian. Một lời cảm ơn, một câu chào, một nụ cười, một lời chia sẻ sao thấy quá xa vời. Lòng mình gần như chai sạn bởi cái gọi là cơm áo gạo tiền. Thôi vọng tưởng cho lòng trong sáng trở lại. Vọng tưởng là suy nghĩ không đúng đắn về sự vật. Buông bỏ không phải là buông bỏ sự vật mà là buông bỏ vọng tưởng về sự vật. Mình vẫn lo cơm áo gạo tiền nhưng đừng ảo tưởng về cơm áo gạo tiền, như cho nó là điều kiện duy nhất của hạnh phúc. Không ít người trẻ yêu bằng con mắt nhưng không ít người trẻ yêu bằng con tim. Yêu bằng mắt, đó là tình yêu tạm bợ. Yêu bằng con tim, đó là tình yêu có thủy có chung. Yêu bằng con tim là yêu bằng tấm lòng chân thật, khát khao mang hạnh phúc đến cho người yêu. Có thể mình còn non nớt, còn ít kỷ, còn tham lam, mình vẫn chưa cao thượng nhưng nếu dừng lại một chút, lắng nghe một chút, chia sẻ một chút dù chỉ nhỏ nhoi, mình đang tạo cơ hội cho tấm lòng trong mình được thức dậy. Tấm lòng chân thật có giá trị lớn và mình cảm thấy an tâm bởi sự chân thật đó. Thử làm một cuộc thí nghiệm, đến ngồi gần một người chân thật, mình sẽ thấy thoải mái, dễ chịu và muốn chia sẻ nhiều hơn, còn ngồi gần một người không chân thật, mình thấy khó chịu, lo lắng và chuẩn bị các phương án phòng thủ. Nhiệt huyết của người không phải là sức trẻ hay đam mê mà là sự chân thật, vì mình có thể làm mọi thứ không chùn bước, không bị sự sợ hãi làm cho kiệt quệ.

Thật vậy, tấm lòng chân thật là đức tính quyến rũ nhất ở con người. Con người hấp dẫn nhau vì họ có niềm tin, biết yêu thương, biết trân quý nhau. Mình biết nâng đỡ và chia sẻ những khó khăn, nên mình vẫn bên nhau, vẫn một lòng một dạ. Nếu không có tấm lòng, mình rất mau quên và hình như mình thích quên, quên tình thâm nghĩa nặng, quên nghĩa tào khang, quên hiếu thảo, quên tình huynh đệ. Mình sẽ lâm vào hoàn cảnh khó khăn nếu cứ mãi quên như thế và có người nhắc cho, mình vẫn chưa tỉnh ngộ. Lòng chân thật của đức Phật rất rõ và ngài là người quyến rũ nhất thế gian, không phải ba mươi hai tướng tốt mà là tấm lòng yêu thương muôn loài biểu hiện qua từng lời nói, hành vi, ứng xử và cách tu tập. Nhìn vào cách người ứng xử, biết ngay người có tấm lòng hay không, có phải con Phật không hay đã bán mình cho quỷ dữ. Tấm lòng biểu hiện khắp mọi nơi và sơ ý chút xíu, sự chân thật sẽ bị ô nhiễm. Bài hát Cô Thắm Về Làng nói về một cô gái quê lên tỉnh trở về thay đổi cách ăn mặc, nói năng; bề ngoài có thể thay đổi, nhưng tính chất phác, mộc mạc bên trong của cô thì không nên thay đổi. Thay đổi xảy ra, cô nên chân thật nhiều hơn trước, đó mới là cách thay đổi hay. Nhiều cha mẹ khen con mình là khôn lanh vì nó biết đối đáp, biết ăn miếng trả miếng với người ngoài. Nghe có vẻ hay đấy nhưng có khi mình khiến đứa trẻ xa rời tính chân thật vốn có. Khi học, hãy học chân thật, khi làm việc, hãy làm việc chân thật, khi yêu thương, hãy yêu thương chân thật. Chân thật có hay yếu tố: thứ nhất là đối tượng về chân thật, thứ hai là tính chất của đối tượng. Nói về việc học, học chân thật là học những điều nói về sự chân thật và học một cách chân thật, tức là áp dụng chân thật vào việc học. Sở dĩ phải học chân thật vì ngày nay, học trò học không chân thật hoặc bị ép phải học không chân thật quá nhiều. Hơn nữa trường hợp được học chân thật, họ không có đủ điều kiện học một cách chân thật, không áp dụng hay không được khuyến khích.

Hãy dạy cho người trẻ sống bằng tấm lòng chân thật, họ sẽ vững chãi và giúp ích cho đời nhiều hơn, đồng thời giảm thiểu những địa ngục không đáng có. Họ cứ đặt những câu hỏi đại loại theo kiểu hám danh như, mình là ai, mình phải làm gì, mình sẽ ở đâu trong nhiều năm tới, mình phải đạt cái gì… trong khi tấm lòng bị hoang phế, không biết chăm sóc và nuôi dưỡng. Tôi chứng kiến nhiều người nổi tiếng và giàu có đau khổ vô chừng vì họ dính vào chúng mà dính vào cái gì đều phải lo cho nó, càng lo càng ít có hạnh phúc. Sứ mệnh của nhân loại là tấm lòng chân thật, thực hiện được sứ mệnh này, người hoàn thành bất cứ sứ mệnh nào khác một cách dễ dàng. Nhưng vì mình lựa chọn con đường xa rời tấm lòng, càng đi mình càng nghèo nàn, ốm yếu, co rút và cô đơn. Tâm chân thật cũng gian nan lắm, không phải suôn sẻ gì, giống như muốn giúp người nhưng không phải lúc nào người cũng để cho mình giúp. Kỳ bão ở Miến Điện, một số nước muốn đến cứu trợ nhưng chính quyền nước này không cho phép, muốn cứu cũng không cứu được. Lòng tốt phải đủ điều kiện mới phát huy. Một tu sĩ muốn độ đời phải có đủ nhân duyên, bằng không sẽ tạo phản ứng ngược, chưa độ được gì mà đã gây ra nhiều tiếng oan. Người trẻ có tấm lòng không chạy theo hướng của hưởng thụ mà chạy theo hướng của phụng sự, hy sinh những đòi hỏi cá nhân để cống hiến cho lợi ích chung của tập thể. Như một người lính nằm xuống cho hành vạn sinh linh được sống, nhưng muôn loài được sống mà bản thân vẫn bảo toàn thì vẫn hay hơn. Bồ tát Thích Quảng Đức đã tự thiêu để bảo toàn đạo pháp, không phải ông tự tử mà ông muốn làm ngọn đuốc soi rọi vào u mê tăm tối của con người, đây là hành vi vị pháp thiêu thân để giữ chánh pháp, nên người đời tôn ông là một vị bồ tát. Tấm lòng của ông khiến nhiều người noi theo và người ta vẫn còn nhớ ông ngồi đó, trong ngọn lửa, bình thản, vững chãi. Người có tấm lòng luôn bình thản và vững chãi như vậy.

Sống tột cùng chân thật là phương châm tìm lại sự chân thật của lương tâm. Bất luận người là ai, là tu sĩ, là sinh viên, là doanh nhân, là nhà chính trị, là bác sĩ, là công nhân…, điều cần làm là làm việc, sinh sống bằng lòng ngay thẳng và chân thật. Dĩ nhiên chân thật như thế nào để mang niềm vui cho mình và người. Chân thật với người đã khó nhưng chân thật với mình lại còn khó hơn, đơn giản mình ít khi chấp nhận cái thật trong mình, mình hay trốn chạy và chỉ thừa nhận cái không thật. Như một người đang say có bao giờ chịu mình say. Nói anh say rồi, người phân bua, tôi đâu có say, tôi say bao giờ, mặc dù chân nọ xỏ chân kia. Trong ngõ ngách tâm hồn, có những nơi chân thật và những nơi không chân thật, sống chân thật là biết rõ điều gì chân thật và cũng biết rõ điều gì không chân thật. Mình nói ra được nỗi đau của mình, không lấp liếm nó bằng những hạnh phúc trá hình hay trốn chạy bằng các trò giải trí thế gian. Tôi được kể về một đứa trẻ tuổi teen nhà nghèo nhưng vì đua đòi chúng bạn, đã chối bỏ cái nghèo của mình và đi vào thế giới ảo, đánh mất tuổi thiếu niên hồn nhiên trong sáng. Người lớn cũng vậy, nói dễ, làm thì không dễ và lắm lúc làm nô lệ cho lời nói của mình, theo kiểu há miệng mắc quai hoặc lỡ nói rồi nên phải làm, bằng không người ta chê cười. Do sĩ diện, mình khó sống chân thật, thậm chí mình làm gây hại mối quan hệ và tổn thương người thân. Sự chân thật giúp mình dễ mến và có nhiều bạn bè, còn sử dụng lời nói hoa mỹ, hình tượng kiêu kỳ hay vẻ hào nhoáng bên ngoài, chỉ là phương tiện che lấp những sáo rỗng bên trong. Sống chân thật, mình không hổ thẹn với bản thân, lương tâm không bị cắn rứt, không rơi vào tình trạng người ta nói đùa là “còn lương tâm nữa đâu mà cắn”. Đứa con tự hào về người cha bởi tính chân thật của cha mình, ông biết làm việc, sáng tạo và cống hiến cho sự sống một cách đàng hoàng, ông trở thành tấm gương cho đứa con, nhìn đứa con biết người cha như thế nào.

Ngày nay có từ gọi là tấm lòng vàng. Người biết chia sẻ tài sản, sự chăm sóc, khả năng giúp đỡ người thiếu thốn hay hoàn cảnh khó khăn được cho người có tấm lòng vàng. Đó là hành động đáng quý nhưng chưa đủ. Có bao giờ mình nghĩ chia sẻ sự chân thật hay không, tức là bố thí tấm lòng chân thật. Đây là món quà vô giá, nếu không nói là món quà tối thượng. Mình cho căn nhà, cho tài sản, cho tim thận, cho máu, nhưng mấy ai nghĩ đến việc cho đi tấm lòng chân thật. Không tốn sức lực gì hết, không tốn tiền gì hết, bằng lối sống chân thật, suy nghĩ từ ái, nói lời yêu thương, hành động hoà nhã, mình đã cống hiến sự chân thật không biết bao nhiêu mà kể. Đâu cần phải giàu có mới làm phước, người nghèo, người trắng tay vẫn làm phước theo cách mà ít người nghĩ tới và cách sống chân thật là làm phước cao siêu. Thử nhìn một tu sĩ đi khoan thai trên đường, vị ấy chưa thuyết pháp, chưa độ đời, chưa là thánh tăng, nhưng vị ấy đã ban phát hoà bình cho nhân loại, nhờ vào sự tu tập của vị ấy. Cho nên nói một người biết tu, vạn người hưởng, mọi người tu, thiên hạ thái bình.

Sám hối là việc suy xét trở lại những gì mình đã làm, việc thiện sẽ tiếp tục phát huy và việc không thiện sẽ từ bỏ, hứa với lòng từ rày về sau không sai phạm nữa. Sám là sám những lỗi trước và hối là chừa những lỗi sau. Đây là cách tự đánh giá lại mình, tìm con đường chân chính mà đi. Trong doanh nghiệp, một nghiệp vụ nhân sự người ta hay dùng là đánh giá năng lực nhân viên, nhưng thường người ta cho trọng số hoặc cho điểm cao ở các hành vi công việc và các kỹ năng hỗ trợ cho công việc nhằm phát triển sự nghiệp và hoàn thành mục tiêu, hơn là giúp người được đánh giá phát triển về mặt tính cách và đạo đức. Sám hối làm công việc của đạo đức, xem mình đã làm những gì hợp với đạo đức, hợp với giới luật để giữ các công việc hay hành vi đó, đồng thời chia sẻ kinh nghiệp thực tập cho người khác, và dĩ nhiên những gì được cho là không hợp với đạo đức hay không hợp với giới luật thì ngưng lại, không làm nữa, và khuyến khích người khác từ bỏ hành động không thiện. Không sám hối, người không có cơ hội nhìn lại mình, mình đã làm gì, mình phạm sai lầm gì, mình phải sửa, thay đổi điều gì, và vì thế không biết sống bấy lâu, mình có phát triển hay không, hay già tóc già tai mà mình vẫn ngu muội, dốt nát và cằn cỗi, héo khô. Bên đạo Cơ đốc có hình thức xưng tội, tức là dám nói ra những tội lỗi mà mình đã sai phạm và cam kết từ bỏ, biết đổi mới, biết sửa sai. Tuy nhiên đừng tưởng sám hối hay xưng tội là hết tội, đó là một vọng tưởng. Điều này sẽ được đề cập ở những đoạn tiếp theo nhưng phải nhớ rằng, sám hối là để không còn mặc cảm và dằn vặt tội lỗi, người có thể đi tiếp đời sống trên con đường khác, con đường thánh thiện, không cho ám ảnh về tội lỗi lôi kéo, làm trở ngại cho việc thay đổi của bản thân.

Sám hối là một bài thực tập từ bi, trước hết là từ bi với mình, sau đó với người và muôn loài. Thông thường, người ta cho sám hối là một nghi thức hay một điều kiện của lễ nghi tôn giáo. Nó không chỉ đơn thuần như vậy, mà còn là pháp môn tu tập, chuyển hóa được những nỗi khổ niềm đau trong thân và trong tâm, từ bỏ ác đạo, hướng về đời sống yêu thương. Người phạm giới chắc chắn sinh về các đường ác đạo nhưng biết hối cải và làm mới, người thay đổi được số phận của mình. Rất nhiều người phạm giới hay gây ra tội lỗi nhưng không dám thừa nhận, chỉ tìm cách giấu nhẹm nó, thậm chí không chịu hối cải và cứ theo đuổi ý nghĩ, tôi có làm tội gì đâu, hồi nào tới giờ tôi rất trong sáng. Đây là kiểu suy nghĩ ngây thơ vì có bao giờ thực sự hiểu thế nào là tội lỗi, thế nào là không hay chưa. Nếu kiếp này không phạm giới, không gây tội, mình có chắc kiếp trước, kiếp trước nữa, mình không gây tội. Sám hối cho kiếp này đã đành, mình còn phải sám hối cho hằng hà sa số kiếp trước, những lúc mình không biết hay không nhìn thấy được. Sám hối là một vấn đề tối quan trọng, giúp tâm hồn thanh thản, hiểu rõ giá trị của khổ đau, biết trân quý hạnh phúc và thực hiện lời cam kết. Không cam kết và sửa đổi, người sẽ tiếp tục gây án và tội lỗi tiếp tục chồng chất. Phật giáo luôn nói đến Luật Nhân Quả, bất cứ pháp môn nào không nói đến luật nhân quả là nguy hiểm, vì cư sĩ phạm giới đã đành, tu sĩ vẫn phạm giới như ri nếu luật này không được nhắc tới và việc hành trì giới luật không được miên mật. Tu sĩ còn phải sám hối, nói chi cư sĩ, nhưng sám hối như thế nào mà sau đó người có sự thay đổi, tươi mới hơn, đẹp đẽ hơn, hạnh phúc hơn, chứ không xem đó là một trò chơi, cho hết thì giờ, cho có với người khác.

Thông thường, người có khổ đau và khổ đau đó làm cho người tả tơi, người mới biết sám hối và tìm đến sự thực tập. Trước đó, người quá hả hê với hạnh phúc mỏng manh, nên từ chối, bác bỏ và chê bai việc thực tập. Lời sám hối dù có muộn màng vẫn hơn không chịu sám hối. Nó đánh dấu một sự kiện, à mình đã gây nên tội, làm việc này là tội lỗi, là khổ đau, làm việc này không có hạnh phúc, gây đổ máu, gây tương tàn, gây xa cách, nên mình tránh, sau này gặp chuyện như vậy, mình không dính vào, không tạo ra bất cứ điều gì sai nữa. Hồi đó mình trẻ người, non dạ, bồng bột, nông cạn, mình không biết điều gì sai, bị tà dục lôi kéo, bị hoàn cảnh đưa đẩy, không đủ vững chãi vượt qua, bây giờ thấy được điều đó, trước sau như một mình từ bỏ và đón nhận những hành vi từ ái, bao dung, tha thứ. Dòng nước chảy biết luồn lách vào những con lạch, mũi tên biết tìm hướng để đi, con ong tìm đến hoa để hút mật. Vạn vật còn thông minh như thế, huống chi con người, người phải biết tìm đường mà đi, tự thắp đuốc lên mà đi. Người ta đánh kẻ đi, không ai đánh kẻ quay về. Nếu đi xa quá lâu, mình sẽ nhớ nhà, nhớ ông bà, nhớ cha mẹ, nhớ anh chị và nỗi nhớ thôi thúc mình quay về, con đường về có nhiều chông gai, thú dữ nhưng mình vẫn về, mình sẽ mở đường để về. Người cô đơn vì xa nhà quá lâu, không chịu nhận tình thân nghĩa nặng. Đi mãi mà không về, mình là đứa con lạc loài, mình mồ côi ngay khi cha mẹ vẫn còn sống. Người mồ côi là người không biết quay về, vẫn rong ruổi, vẫn bươn chãi trong khi cha mẹ đang chờ đợi và kêu gọi, con ơi về mau. Sám hối là chấp nhận những khổ đau của mình, biết rõ vì sao mình khổ, vì sao mình đau, đau khổ là gì và ai đem đau khổ cho mình. Có phải mình tự đem nó đến cho mình không, biết điều đó, mình sám hối, quyết tâm từ bỏ các yếu tố tạo ra khổ đau, tìm con đường hạnh phúc trong thực tại.

Mỗi ngày đều là ngày sám hối và mình thấy hạnh phúc vì dám làm công việc như vậy. Ngày xưa có bộ phim mang tên Ngày Phán Xét, vào ngày này con người bị phán xét về tội lỗi của mình và sau đó là biện pháp trừng phạt. Sám hối không nói đến chuyện trừng phạt mà nói đến chuyện thay đổi và sửa sai. Nếu sợ trừng phạt thì đừng làm tội và nói về trừng phạt trong sám hối, người sợ, không dám sám hối nữa. Người cõi dương sám hối đã đành, vong linh cũng phải biết sám hối. Sở dĩ họ phải mang kiếp vong linh vì đã mang tội như phạm giới hay không lo tu tập. Họ cần được hướng dẫn trong việc thực tập sám hối với mục đích được nhanh chóng siêu thoát, không làm sai và không vướng vào kiểu ngựa quen đường cũ. Khi đọc bài sám hối, mình mời vong linh đến nghe hay triệu thỉnh họ tham gia buổi thực tập sám hối với mình. Sám hối không chỉ làm cho riêng mình, mà còn cho vong linh, cho các cõi, cho muôn loài. Ngày cả cõi trời, cõi chư thiên cũng phải thực tập sám hối vì khi phước báu của họ hưởng hết, các tội lỗi cũ phát khởi nghiệp báo, họ vẫn chịu khổ địa ngục như thường. Một chư thiên không lo tu sẽ rớt xuống địa ngục và một vong linh biết tu sẽ sinh về cõi trời. Tuy nhiên, dù ở cõi nào con người vẫn phải chịu cảnh sinh ly tử biệt, vẫn phải trải qua sự tiếp nối liên hồi không ngừng nghỉ, cơ hội gặp Phật pháp không có nhiều. Chúng ta sinh vào thời không có Phật, nhưng thật may là giáo pháp do đức Phật chỉ dạy vẫn còn, người khôn ngoan sẽ tận dụng cơ hội này để tu tập, không những thế, khuyến khích liên tục người khác thực tập với mình. Ăn cơm có canh, tu hành có bạn. Thực tập sám hối, mời vong linh làm mới, không chỉ giúp được cho bản thân, các vong linh cũng được giúp, cõi âm có cơ may hoà bình hơn và vì cõi âm được tiếp xúc với hoà bình, cõi dương sẽ êm dịu trở lại. Nhưng điều thật hay, bản thân biết sám hối, muôn loài đều biết làm mới, mọi thứ đều tươi mát và bình yên.

Bàn chân đưa người đi khắp bốn phương trời nhưng chỉ quay đầu là thấy bờ. Kế hoạch đi du lịch, tham quan thắng cảnh, thăm viếng di tích được đặt ra, nhưng có bao giờ mình thôi không đi nữa, đó là những cái đi của thế gian, để thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ. Một Phật tử làm nghi thức phóng sinh, thả chú chim ra khỏi lồng, chú bay được vài dặm, chú bị bắt nhốt vào lồng trở lại. Cũng vậy, sám hối thì phải buông bỏ cho được con đường cũ, không tái phạm lẫn nữa, không chui vào lồng nữa. Chú chim kia không biết cách lựa chọn môi trường sống, vừa bay ra khỏi lồng, vui mừng quá đã không nhìn kỹ các cạm bẫy đang rình rập. Người nghiện ma tuý sau khi cai nghiện, đem vào môi trường xấu đầy dẫy cám dỗ ma tuý, chắc chắn sẽ tái nghiện. Người mới bước vào đường tu, tâm rất đẹp, rất mãnh liệt nhưng đặt họ vào môi trường tu không lành mạnh, họ sẽ hư hỏng ngay. Thực tập sám hối phải quán chiếu môi trường bên trong lẫn bên ngoài. Môi trường bên trong chưa vững phải lựa chọn sống ở môi trường có phẩm chất tu học cao và vun bồi cho môi trường bên trong. Đến khi môi trường bên trong vững vàng, muốn đi đâu cũng được, môi trường bên ngoài ô nhiễm cũng không hề hấn gì. Nhiều người làm sai liên tục, sám hối rồi lại sai, thậm chí biết sai nhưng vẫn cứ làm, nên việc thực tập trở nên vô tác dụng. Họ không đủ nghị lực vượt qua sự lôi kéo của cái sai. Ví dụ, người biết chửi thề hay nói văn tục là sai nhưng cứ cho rằng nói như vậy sướng cái miệng mà không chịu hiểu, sướng cái miệng khổ cái tâm. Nói tục trở thành thứ văn hoá, làm lu mờ văn hoá ăn nói thanh lịch, biến thành chuyện bình thường và bắt đầu cổ xuý cho nền văn hoá sai. Chấp nhận cái sai để chuyển hoá nó rồi sửa chữa, không phải đồng hoá với cái sai và xem cái sai là đúng. Sám hối phải đưa đến kết quả tiến bộ, hay hơn, đẹp hơn, còn thực tập mỗi ngày mỗi tệ, không nên sám hối làm gì. Ban đầu có thể chưa quen vì càng đánh giá, cái sai càng lòi ra và thấy bản thân quá xấu xa, sinh tâm chán nản. Không ai bắt mình thay đổi nhanh chóng, từ từ thôi, nhưng phải thay đổi, bằng không mình sẽ đi thụt lùi, đi hoài, đi hoài, hằng hà sa số kiếp rồi vẫn cứ phải đi.

Một vấn đề cần xem xét kỹ là nhân quả thay đổi thế nào sau khi thực tập sám hối và làm mới. Nên nhớ sám hối không bao giờ tiêu trừ tội chướng, nó có tác dụng ngăn chặn các ham muốn tạo nghiệp tiếp theo mà thôi. Thực tập làm mới mới thực sự giúp chuyển hóa được tội, giảm thiểu nghiệp báo đã gây ra và tích trữ thêm nghiệp thiện làm thuận duyên cho sự tu tập. Một người đàn ông chuyên bắt giết mấy chú chim làm thịt ăn hay bán lấy tiền, sau đó hối hận, sám hối và hứa với lòng không làm như vậy nữa. Vẫn chưa đủ, việc ngưng sát hại chim chóc là điều tốt, ông ta cần phải cứu những chú chim bị bắt và lên tiếng bảo vệ sinh mạng động vật, lúc này ông có thể hy vọng chuyển hóa được nghiệp không thiện đã gây ra. Con người có mưu cầu về hạnh phúc và muốn hiểu hạnh phúc phải hiểu luật nhân quả, nhưng hiểu thôi chưa đủ, phải hành trì và thực tập nó. Thái tử Sĩ Đạt Ta trở thành đức Phật Thích Ca Mâu Ni vì ngài đã trải qua không biết bao nhiêu số kiếp tu tập và nếu kể ra in thành sách, viết mực của khắp thế gian này cũng không đủ. Sự sám hối và làm mới của mình chưa bao giờ hoàn thiện, mới có chút xíu thôi nên hãy thực tập không ngừng nghỉ, không than vãn, không mệt mỏi. Hãy phát nguyện tu tập từ kiếp này sang kiếp khác cho đến khi đạt giải thoát hoàn toàn, chưa giải thoát là còn tội, còn tội thì còn phải sám hối, còn sám hối thì còn phải làm mới. Rất dễ, không có khó khăn gì, quay đầu là thấy ngay bờ giải thoát, chỉ tại mình thích bơi lội nên cứ ở biển cả triền miên. Biển cả có nhiều sóng to, gió lớn, chưa kể đến các loài cá dữ, bản thân cũng mỏi gối chồn chân. Kiếp này tu tập chưa được, kiếp sau nguyện gặp Phật Pháp tu tập tiếp. Có thực tập là mừng lắm rồi, chưa nói đến kết quả ra sao. Kết quả tốt đẹp thì còn gì bằng. Nhân quả không quên những người có tâm, có tâm ở đây là biết lo cho mình, biết yêu bản thân mình, biết chăm sóc cho thân tâm, biết hối hận, biết vùng dậy.

Người biết sám hối là người có nghị lực và biết làm mới là người có ý chí. Nói vậy để thấy nhiều người rất sợ sám hối vì họ thấy tội lỗi mình nhiều quá, đau khổ nhiều quá, đam mê nhiều quá hay tưởng tượng rằng mình hồi nào tới giờ rất trong sạch, làm gì có tội. Một số tội vô tình mình không biết nhưng dù vô tình hay cố tình, nó vẫn là tội. Đi trên đường, giẫm đạp không biết bao nhiêu côn trùng, ăn uống, đưa vào cơ thể biết bao sinh mạng, suy nghĩ, tán loạn cũng không ít… Đó là những điều tội nếu không thực tập quán niệm, sám hối, bản thân sẽ vô tâm, do vỗ béo mình mà hy sinh hằng hà sa số sinh mạng khác, vậy mình có đẹp đẽ gì đâu. Sám hối ba nghiệp và khi ba nghiệp thanh tịnh, mình đủ sức cúng dường cho các đức Phật. Ba nghiệp ở thân, ở miệng, ở ý. Thân này từng hành động sát sinh, từng tà dâm, từng trộm cướp nên sám hối để không làm những chuyện đó nữa, đồng thời thực tập và khuyến khích thực tập hành động cứu sinh, tôn trọng tiết hạnh và quyền tư hữu. Miệng này ăn đủ thứ món gây bệnh hại thân, nói lời chia rẽ, nói lời không đúng với sự thật, nói lời ác ngữ, nói lời ba hoa khoe khoang, nói lời ngạo mạn thêu dệt, nói lời căm thù bạo động nên sám hối để không nói như vậy nữa, đồng thời thực tập và khuyến khích thực tập ăn uống lành mạnh mang lại hoà bình cho thân tâm, nói lời hoà giải, nói lời sự thật, nói lời ái ngữ, nói lời khiêm cung, nói lời nhẹ nhàng từ ái tha thứ bao dung. Ý này suy nghĩ lung tung, bay trên mây lặn xuống biển sâu nên lúc nào cũng rong ruổi, lang thang, tuyệt vọng, buồn chán rồi dẫn cái thân và cái miệng đi vào thế giới ảo nên sám hối để không suy nghĩ như vậy nữa, đồng thời thực tập và khuyến khích thực tập suy nghĩ điều thiện, nhớ đến chánh pháp, nhắc nhở hạnh phúc và kêu gọi bình yên quay về. Người là người rất chân thật nên thực tập những điều vừa kể, chắc chắn không có khó khắn gì. Bay vào vũ trụ hay đi vào lòng biển sâu, người còn làm nổi, huống chi mấy bài thực tập dễ chịu này.

Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi. Trong một cuốn sách, Andrew Mathiew đã nói như vậy. Thay đổi này không phải thay đổi cái bên ngoài mà thay đổi cái bên trong, thay đổi thái độ, thay đổi cách nhìn nhận, thay đổi lối sống. Mình đang có nhiều điều kiện mầu nhiệm mà không biết, như đôi mắt còn sáng, đôi tay còn khỏe, đôi chân còn vững, trái tim còn đập, lá phổi còn tươi mới, cha mẹ còn sống, anh chị em đang có mặt đây, vậy sao mình không trân quý, còn đi tìm đi kiếm gì nữa. Những việc đau buồn đã qua hãy cho qua, không cần phải nhắc lại, vấn đề là tiếp tục sống, dĩ nhiên sống như thế nào cho đẹp, cho vui, cho hạnh phúc. Tu sĩ mà cứ tối ngày rầu rầu hay làm việc mà cứ bực bội đủ thứ thì nên xem lại cách tu hay cách làm việc. Mình kiếm tiền nhưng chẳng bao giờ thấy đủ thì xem lại cách tiêu tiền, vì sao với người khác thì đủ, với mình lại không. Có phải do mình. Sám hối để thấy mình tiêu tiền đúng chưa, tu đúng chưa, làm việc đúng chưa và điều chỉnh cho hợp lý. Thực tập sám hối chẳng qua là bài thực hành tự đánh giá, tự thay đổi vì muốn tiến bộ, mình phải thay đổi, khi thay đổi được, mọi thứ tự nhiên sẽ thay đổi.

Source: http://damlinhthat.net/chat-voi-the-gioi-ben-kia

Total comments: 0 | Views: 1186
Category: Truyện ma | Added by: admin (27-12-2013) | | Rating: 0.0/0
Truyện mới đăng
- Tóm tắt Biến đổi Trái Đất của SOTT - 7/2017
- Thọ Khang Bảo Giám
- Tóm tắt Biến đổi Trái Đất 07/2016
- Tóm tắt Biến đổi Trái Đất 06/2016
- Dấu hiệu thời đại tháng 05/2016
- Tình hình Trái Đất
- Chuyện Mạnh Phu Nhơn
- Thái-Thượng Cảm-Ứng-Thiên - 2
- Thái-Thượng Cảm-Ứng-Thiên - 1
- Khuyên người trẻ
-Xem thêm-
Những câu nói hay
Ngàn vàng dễ được; Lời tốt khó tìm.
Khuyết danh
Tâm sự
Tâm sự số #1306 [1]
Tâm sự số #1275 [1]
Tâm sự số #1270 [1]
Tâm sự số #1258 [0]
Tâm sự số #1249 [1]
Tâm sự số #1233 [3]
Tâm sự số #1227 [4]
Tâm sự số #1219 [2]
Tâm sự số #1195 [3]
Tâm sự số #1183 [3]
Vote
Bạn có thích mua sắm online ko?
Tổng bình chọn: 48
Search
Liên kết
Copyright adnet.uCoz.com © 2010-2024
Powered by uCoz
Top