Xin chào Khách

Adnet.uCoz.com

Cộng đồng

Trang chủ » Articles » Truyện » Truyện ma Đăng truyện

Chat với thế giới bên kia - 3

Mình mang trong người các yếu tố của tổ tiên như cha mẹ, ông bà hay cha mẹ của ông bà và rất nhiều thế hệ trước đó nữa. Có những người đã qua đời, tiếp tục tái sinh làm người và tu tập, nhưng cũng có những người không may mắn như thế, họ phải sống trong cảnh tối tăm và đau khổ. Tổ tiên chưa bao giờ chết mà đã đi vào trong mình nên những hạnh phúc hay đau khổ của họ cũng đi vào trong mình. Nhiều hận thù từ ngàn xưa để lại và con cháu phải giải quyết. Thật không đáng để kéo dài thù hận. Khoa học chứng minh con cái chứa đựng gen của cha mẹ trong khi cha mẹ lại mang gen của cha mẹ họ. Nếu có giận cha giận mẹ, đứa con không thể dứt cha mẹ ra khỏi mình và nếu giận họ, mình đang giận chính mình. Gia đình huyết thống rất lớn, không chỉ gói gọn trong các yếu tố vài thành viên hiện có. Nếu thử ngồi vẽ lại gia phả, mình khó lòng vẽ hết được vì không đủ thông tin và trường hợp có đủ thông tin, mình cũng không đủ giấy mực để liệt kê tất cả. Sinh rồi diệt, diệt rồi sinh nên chẳng có gì sinh cũng chẳng có gì diệt vì sinh diệt chỉ là các sự kiện trong tiến trình không sinh không diệt. Việt Nam có câu, con cháu ở đâu, ông bà ở đó, hiểu rộng ra là, con cháu ở đâu, tổ tiên ở đó. Đi ra nước ngoài, mình mang tổ tiên theo, không bao giờ xa cách. Người mất cha mất mẹ không phải là những kẻ mồ côi vì đã là hiện thân của cha mẹ rồi. Khoa học có thể xét nghiệm ADN biết được đứa con mất tích nhiều năm có phải là con của cha hay không. Thậm chí nhìn vào gương mặt, mình thấy có nhiều nét giống cha mẹ hay ông bà.

Tổ tiên nhiều vô số kể nhưng tất cả đều hiện tiền nơi mình nên một người bị sát hại là hằng hà sa số tổ tiên bị sát hại, kẻ mưu sát tội nặng không thể tưởng tượng được. Từ xa xưa tổ tiên có những hạnh phúc và khổ đau. Người gieo rắc khổ đau vẫn còn sống trong khổ đau và dĩ nhiên không thiếu người đang dưới hình thức vong linh. Người Á Đông có tập tục rước ông bà về ăn uống, sum họp gia đình trong ba ngày Tết, đây là một tập tục dễ thương, nhắc nhở con cháu kính nhớ tổ tiên, gìn giữ sự hiếu thảo và tôn trọng người đi trước. Làm đám giỗ hay tổ chức các buổi cầu siêu cũng hay, đề cao tinh thần uống nước nhớ nguồn, và mong mỏi tổ tiên nhanh chóng được siêu thoát. Nhưng việc giết súc vật làm cơm hay mời khách khứa ăn nhậu đình đám sẽ làm tổ tiên thêm đau khổ và con đường dẫn đến siêu thoát xa dần. Đành rằng hành động tưởng nhớ là đúng đắn nhưng phải biết cách tưởng nhớ, có lợi cho mình mà còn có lợi cho tổ tiên. Người đời thường cho rằng chăm sóc cha mẹ, ông bà, tổ tiên là đứa con có hiếu. Cái hiếu này rất nhỏ mà cái hiếu vĩ đại nhất là chăm sóc được chính mình. Mình mang các yếu tố khổ đau của tổ tiên và khi mình tu tập và chuyển hoá được khổ đau, tổ tiên trong mình sẽ hết khổ đau. Đứa trẻ lớn lên thành chàng thanh niên thông minh, học giỏi, có sức khỏe, biết lo cho cha mẹ nữa thì còn gì bằng. Nếu đi chơi lêu lỏng, kết bè kết đảng, sa vào hầm hố của xì ke ma tuý, khiến cha mẹ lo buồn, bản thân chưa cống hiến được gì đã gây khổ cho cha mẹ, có phải là đại bất hiếu hay không. Tổ tiên trao truyền các hạt giống tốt đẹp, mình phải có nghĩa vụ gìn giữ và tưới tẩm chúng càng thêm đẹp. Bản thân để cho tha hoá, các hạt giống trở nên bẩn thỉu, mình không chỉ bất hiếu với cha mẹ mà còn bất hiếu với tổ tiên. Hãy để ý một chút, tổ tiên lúc nào cũng có mặt, những thành tựu đạt được trong đời sống, công của mình có chút xíu thôi, công của tổ tiên mới lớn.

Một chàng thanh niên hay một cô thiếu nữ, tuổi vẫn còn thanh xuân, biết thực tập thiền định, là không chỉ thực tập cho bản thân mà còn cho tổ tiên, dù họ đang là vong linh, chư thiên hay loài người. Gia đình có đứa con biết tu, dù chỉ là cư sĩ, phước báu hưởng ba đời không hết và gửi được sự an lạc đến tổ tiên ít nhất ba đời. Gia đình có đứa con đi tu, tức là xuất gia làm tu sĩ, phước báu hưởng bảy đời không hết và gửi được sự an lạc đến tổ tiên ít nhất bảy đời. Nếu người tu sĩ tu hành đắc đạo đạt đến giải thoát, phước báu hưởng hoài không hết và tổ tiên nhiều đời có nhiều cơ may tu tập và luôn được thuận duyên gặp gỡ, hành trì chánh pháp. Thử nhìn vào đức Phật, thành tựu của Người không biết đã làm lợi lạc cho biết bao nhiêu chúng sinh, từ cõi người, cõi trời đến cõi âm và cả địa ngục. Nhiều tu sĩ và cư sĩ chưa thực tập nhiều, chỉ mới nghe thuyết giảng, họ đã chứng đạo ngay tức khắc. Lúc ngồi thiền, mình làm lắng dịu các tâm hành bất thiện hay những khổ đau tổ tiên trao truyền thì đồng thời lúc đó, các khổ đau của tổ tiên cũng được lắng dịu. Trong gia đình, cha mẹ thực tập, đi chùa nghe thuyết pháp, hành trì giới luật, con cái sẽ bắt chước theo và tiếp tục truyền cảm hứng thực tập cho các thế hệ tiếp theo. Muốn con của mình hiếu thảo với mình, mình phải hiếu thảo với cha mẹ mình. Một người cha dặn đứa con, khi đi học về con phải thưa ông bà, lên bàn ăn phải mời ông bà dùng bữa trước, có món gì ngon, nhờ đứa con đem mời ông bà dùng. Bằng những hành vi đơn giản, mình dạy con cách hiếu thảo, kính trên nhường dưới và dĩ nhiên bản thân phải là người làm gương. Khi có đủ và dư thừa sự an lạc, mình mới có khả năng chia sẻ cho tổ tiên và thế hệ tiếp nối. Đừng có đợi khi có con mới biết thương cha mẹ bởi những đứa con đã có sẵn trong mình, chỉ vì chúng chưa đủ điều kiện để biểu hiện thôi. Giống như nhìn cây mai thì phải thấy hoa mai, dù nó chưa ra nụ nhưng các yếu tố của nụ mai đã có sẵn trong thân mai rồi.

Khi tu là tu cho tổ tiên, cho xã hội, cho đất nước, cho Địa Cầu. Câu nói này không hề sai và đã được chứng nghiệm qua các thế hệ. Ở Việt Nam và Thái Lan nhiều ông vua từng đi tu và dân chúng hay đất nước của họ được hưởng an vui thái bình rất dài lâu. Sự bình an có được trước hết là mình tiếp xúc được, nhưng đồng thời lúc đó, tổ tiên cũng tiếp xúc được. Các thế hệ luôn có sự kế thừa và mình muốn con cháu cũng kế thừa các thành tựu của mình. Một số quốc gia khuyến khích người dân gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc vì bản sắc hay truyền thống đôi khi mang lại dáng vẻ khác biệt và đa dạng trong khi hiện đại không làm được điều đó. Người đi du lịch thích đến nơi có nền văn hóa khác với mình để học hỏi thêm, còn nếu giống y chang thì ở nhà vẫn có thể đi du lịch. Ngày nay người ta hay nhắc tới khoảng cách giữa các thế hệ ngày càng lớn và truyền thông giữa cha mẹ và con cái trở nên khó khăn. Không hẳn như vậy, bằng chứng là có những gia đình cha mẹ và con cái rất thân thiết, thậm chí vẫn còn nhiều gia đình có hai, ba thế hệ sống chung. Đứa con hiện đại cách mấy hay sống độc lập cách mấy vẫn chưa bao giờ rời xa gia đình huyết thống của mình. Có thể cha mẹ và đứa con được đặt trong những hoàn cảnh khác nhau, có trình độ học vấn khác nhau nên cách suy nghĩ hay quan điểm khác nhau, nhưng nếu nhìn kỹ, các thế hệ đều giống nhau một chỗ là đều mang cùng một dòng máu. Ông A muốn từ con hay đứa con không muốn nhìn nhận cha, nhưng dù thế nào đi chăng nữa, đứa con không thể dứt cha ra khỏi mình và người cha vẫn phải công nhận mình đã có một đứa con. Người cha tu là điều tốt nhưng đứa con tu lại là điều tốt hơn nữa vì đứa con mang nhiều yếu tố hơn. Vì vậy muốn tu tập, giữ tâm tĩnh lặng hay hành trì giới, người càng trẻ thực tập thành công, thành tựu của người đó to lớn hơn nhiều so với người già bắt đầu tu tập thành công.

Hồi nhỏ mẹ thường nói với tôi, con gái nhờ đức cha, con trai nhờ phước mẹ. Câu nói này thể hiện rõ đạo ông bà ở Việt Nam nhưng nói lên được tinh thần Phật giáo. Những người huyết thống có mối liên hệ phước báu với nhau, hình thành gia đình, cộng đồng và sự cộng nghiệp. Con cháu hưởng phước báu tổ tiên không biết bao nhiêu mà kể nên những gì con cháu có được hay đạt được ngày hôm nay không hẳn do bản thân mang lại mà do rất nhiều yếu tố đóng góp vào và dĩ nhiên không thể không nói đến yếu tố tổ tiên. Thông thường người trẻ muốn khẳng định cái tôi, xây dựng thương hiệu hay bảo vệ bản quyền nhưng hãy nhớ rằng không có tổ tiên hay những người đi trước xây dựng nền tảng thì sức mấy họ có được ngày hôm nay. Nếu cho rằng đây chính là thành tựu của tôi thì coi chừng, thành tựu đó của rất nhiều người. Ai sinh ra tôi, ai nuôi tôi khôn lớn, ai dạy cho tôi học, ai mang kiến thức đến cho tôi, ai trồng lúa cho tôi ăn, ai dệt vải may áo cho tôi mặc, ai viết sách cho tôi đọc, ai ban phát không khí cho tôi thở và hàng triệu đóng góp của nhiều người cho thành tựu của tôi ngày hôm nay. Vậy đó có phải là thành tựu của tôi không hay tôi chỉ là người đi nhặt nhạnh từng yếu tố của sự sống và sức lực của người khác để tạo nên cái gọi là thành tựu của mình. Cái tôi của ta ơi, khoan vội lên tiếng và vênh vối, mà hãy lo trả công cho mọi thành phần của sự sống. Lúc này cái tôi mềm và tan chảy, mình thấy chẳng có gì là tôi, chẳng có gì là của tôi. Quí vị đọc cuốn sách này, thấy không phải tôi viết cuốn sách này đâu mà do chính quý vị viết. Nếu không có vong linh, lời dạy của các bậc tiền bối, sự thực tập, máy vi tính, điện nước, hoa cỏ, ông bà, cha mẹ… thì làm sao tôi viết được cuốn sách này. Vậy đừng bao giờ tự mãn, đang hưởng phước của nhiều người mà mình không biết, cứ chạy theo những cái tôi rỗng tuếch.

Nếu biết hưởng phước thì phải biết tạo phước, còn đòi hỏi chỉ hưởng phước thì dồi dào cách mấy, phước cũng cạn dần. Bản thân hãy tự nhắc nhở sống có ích để công đức và phước báu cho mình và con cháu mình. Nhìn đứa con biết phước đức của cha mẹ và ông bà họ. Nhìn cha mẹ hay tổ tiên, biết phước đức con cháu ra sau. Con cháu có điều kiện tu tập, học giỏi và sự nghiệp rỡ ràng vì cha mẹ biết cách ăn ở, biết dạy con thực tập đạo đức, kính trên nhường dưới và hiếu thảo với mọi người. Cha mẹ sống đàng hoàng nên con cháu có cơ hội bắt chước và thực tập theo. Đừng vội lên án cha mẹ nếu họ sống không đàng hoàng, có thể họ chưa đủ điều kiện để thực tập hay hoàn cảnh sống của họ rất khắc nghiệp nên không đủ khả năng thay đổi. Con cháu may mắn hơn, được dạy dỗ kỹ càng, hoàn cảnh có nhiều thuận duyên thì bản thân hãy lo thay đổi mình trước. Khi đã thành công rồi, quay lại giúp đỡ và chuyển hoá cha mẹ mình, đó là công đức lớn nhất. Còn ngồi than vạn cho số kiếp bất hạnh, trách móc người này, lên án người kia, mình vô tình tạo nghiệp xấu và làm cho tình hình thêm bế tắc, rối ren. Người thông minh biết cách hành xử văn minh, tức là biết thực tập tập hạnh cho mình, cho gia đình và cộng đồng. Người ích kỷ chỉ nghĩ bản thân, thân thể sẽ đẫy đà nhưng tinh thần ngày càng yếu đuối, èo uột và biến thái. Mình muốn có hạnh phúc nên mình cũng muốn người khác hạnh phúc như vậy, mà hạnh phúc người khác chính là hạnh phúc của mình nên hãy ban phát hạnh phúc không ngừng nghỉ, đừng bao giờ ngừng tay vì cái mình cho ra chưa bao giờ đủ. Để làm được vậy, mình phải là người có hạnh phúc và dư dả hạnh phúc. Không thể nói người đang đau khổ đem hạnh phúc đến người khác. Không ai mang phước báu đến cho mình một cách trọn vẹn, chỉ có mình mới tạo ra nó thôi. Một người bạn ở lớp học tiếng Pháp cứ ngồi than sao mình làm việc nhiều và cần mẫn thế mà đến giờ này vẫn chưa được thăng tiến, rồi ngồi coi bói, coi tuổi xem có tốt không, tương lai ra sao. Hiện tại không có hạnh phúc thì tương lai làm sao có hạnh phúc. Phước đức kém cỏi thì sức mấy thành tựu to lớn, mà làm phước còn đòi hỏi có thành tựu, e rằng đó là sự đổi chác, phước đức đã giảm đi ít nhiều.

Thực tập thiền định hay thực tập hạnh phúc là thực tập không có sự ích kỷ. Mời các vong linh cùng thực tập với mình. Khi đi thiền, mời cha mẹ đi với mình. Khi ngồi, mời tổ tiên ngồi với mình. Khi buông thư, mời các chúng sinh buông thư với mình. Bởi vì mình mang trong người yếu tố tổ tiên nên bản thân buông thư, cả tổ tiên đều được buông thư. Nhiều lần ngồi thiền tôi đều mời các vong linh ngồi thiền cùng, yêu cầu họ thực tập và tĩnh tâm trở lại. Công đức này giúp họ giải thoát hay tái sinh lên cõi trên rất nhanh. Điều này chứng minh cho việc mình không chỉ chăm lo cho mình mà phải biết chăm lo thêm cho người khác. Khuyến khích người khác thực tập là việc làm đẹp. Ban đầu người kia có thể phản đối, bực dọc, khó chịu, nhưng khi thấy mình thực tập có hạnh phúc, từ từ họ sẽ thay đổi hoặc nghe theo. Cách khuyến khích của mình nhiều lúc bộp chộp quá nên họ không lắng nghe. Hãy kiên nhẫn tìm hiểu vì sao họ chưa chấp nhận và thay đổi cách thức cho phù hợp. Quan sát và tìm hiểu đối tượng mình mời hành thiền và tuỳ theo đối tượng mà chia sẻ các phương pháp thực tập. Đôi lúc không cần nói gì cả, người kia cũng hiểu được mình muốn nói gì. Người con biết thực tập là phước báu lớn cho gia đình, và biết mời cha mẹ ông bà anh chị em thực tập chung nữa, người con đó là viên ngọc quý. Tôi có một số học trò thực tập rất giỏi, không những thế các bạn còn chia sẻ với người thân của mình. Một mình hạnh phúc thì có gì vui đâu, nhiều người cùng thực tập, nhiều người cùng hạnh phúc, niềm vui to lớn hơn nhiều. Nhìn bầu trời cao rộng, một chú chim sơn ca bay ngang, bầu trời được tô điểm thêm. Nhưng nếu một đàn chim hàng trăm hàng ngàn con bay cùng một lúc, bầu trời đẹp đẽ biết bao. Hồi còn trẻ, tôi đi về đồng bằng sông Cửu Long, đến mấy cánh đồng có vài con cò đậu, trông chúng thật bơ vơ, nhưng nhìn sang cánh đồng khác, hàng trăm con đậu với nhau, nhìn gia đình chúng thật ấm áp.

Hành giả sau thiền tập dù thành tựu hay không đều tạo ra công đức ít nhiều. Đừng giữ công đức này mà hãy hồi hướng đến chúng sinh mười phương, trong đó có vong linh, ông bà và cha mẹ của mình. Hồi hướng bao nhiêu, mình chẳng mất đi tí nào mà ngày càng lấp đầy và to lớn. Nguyện những công đức hay phước báu đã tạo, nguyện các vong linh thọ hưởng, các chư thiên thọ hưởng, các chúng sinh thọ hưởng. Muốn nhiều thì hưởng nhiều, muốn ít thì hưởng ít. Mình không có ích kỷ công đức của mình vì nó không hề mất đi mà mang đến cho mình nhiều thuận duyên tu học, nhiều hạnh phúc, an lạc và thảnh thơi. Hãy ban tặng những gì có thể bằng tâm chân thật, vô tư, không cầu không báo. Chẳng có gì to lớn bằng việc tu tập và mang lợi ích đến người xung quanh. Hạnh phúc khi tất cả mọi người đều trầm mình trong đó, một mình hạnh phúc, hạnh phúc của mình nhỏ xíu như hạt đậu đen.

Cuộc đời có trả có vay là quy luật, như không khí hít vào thì phải thở ra, còn hít vào nhưng không thở ra được coi như chết. Bệnh nhân cảm thấy khó thở phải nhờ máy trợ thở nên hơi thở quý lắm, không biết thở xem như cái xác không hồn. Người cõi dương qua đời thiếu phước duyên khi qua đời sinh về cõi âm và sống dưới hình thức khác. Nói thế giới bên kia cho dễ gọi, thực ra vong linh không phải là người chết mà đang thực sự sống và cũng chẳng có ai là ma, vì không thấy được vong linh nên cảm tưởng đó là ma. Thực ra ma tính là yếu tố xấu xa có mặt bên trong chúng sinh, do không tu tập nên nó phát khởi, làm chủ và lấn át nhân tính của mình. Vậy người cõi dương có thể là một con ma hay quỷ dữ đội lốt người và làm nô lệ cho các tà dục của mình. Khi vong linh biết tu tập, nghe kinh, giữ giới, kính trọng người tu hành, và trả nghiệp, họ sẽ đủ phước duyên tái sinh làm người, làm chư thiên hay về cõi trời, tức là được siêu thoát. Tuy nhiên dù sinh về cõi trời nào, họ vẫn sống trong luân hồi sinh tử, chịu đau khổ, hết tạo nghiệp rồi đến trả nghiệp, say sưa trong tà dục mãi không thôi. Muốn thoát khỏi sự tái sinh, mình phải tu tập, tự thắp đuốc lên mà đi, không thể người khác tu mà mình đắc đạo cả. Một nhạc sĩ tài hoa Việt Nam được đề cập ở trên khi chết sinh về cõi âm và sau bao năm chịu khổ, ông đã sinh về cõi trời, đến khi hết phước duyên và cũng đủ phước duyên, có thể tiếp tục con đường sinh tử luân hồi của mình. Nhìn một bông hoa, có khi nó là hoa, có khi nó là rác và dù hoa hay rác, nó đều biết cống hiến cho sự sống. Nếu mình ở cõi dương hay cõi âm, không sao cả, không kiêu ngạo cũng không sợ hãi, vấn đề là phải biết thực tập hạnh phúc trong mọi hoàn cảnh.

Trả vay là quy luật của nhân quả, tức là đã vay cái gì thì phải trả cái đó, còn vay mà không trả sẽ mắc nợ, đến lúc thuận tiện nợ khó đòi sẽ trở thành oan gia, mình đau khổ vì vay không trả. Người táo bón rất khổ sở, ăn nhiều mà không đi cầu được, cái nợ chồng chất, bụng phồng to lớn. Mọi hiện tượng đều có cái nhân của nó, chớ sầu chớ trách ai, vui hay buồn là do mình, vui vì mình chất chứa những yếu tố vui, buồn vì mình chất chứa những yếu tố buồn. Buồn vui do mình chọn. Đã biết cái nhân này sẽ tạo quả xấu thì đừng có làm. Biết ăn nói cộc cằn, thô sẽ mất tình bạn thì đừng có làm như vậy. Biết bom nguyên tử cộng với tâm bạo động sẽ tạo chiến tranh thế giới thứ ba thì đừng sản xuất bom nữa và hãy thực tập tâm thanh tịnh. Biết chăm sóc cha mẹ, chung thủy vợ chồng và nuôi dạy con cái nên sẽ tạo gia đình hạnh phúc và xã hội hài hoà thì hãy làm như vậy. Biết hậu quả nghiêm trọng mà cứ làm, có phải dại dột hay không. Biết kết quả tốt đẹp mà không dám làm thì càng ngu xuẩn hơn nữa. Hãy tránh xa những nguyên nhân gây nên đau khổ và thực hành liên tục các tiền đề dẫn đến hạnh phúc. Đau khổ hay hạnh phúc là do mình, là quy luật tự nhiên của vũ trụ. Đâu có ai bắt ép mình đau khổ hay hạnh phúc, tất cả đều do mình chọn rồi mình tìm mọi cách phân trần và đổ thừa. Ví dụ, hai người cùng làm một công việc, nhưng người A cảm thấy rất đau khổ còn người B hạnh phúc vô cùng. Tại sao như vậy? Người A làm mãi công việc mà không được tăng lương, không được thăng tiến, nên thấy buồn thấy thất vọng. Trong khi đó, người B hạnh phúc, thậm chí rất sung sướng vì thấy mình may mắn có việc làm trong nền kinh tế thế giới đang khủng hoảng, hàng triệu người thất nghiệp và cả tỷ người bị đói. Nhìn lên mình không bằng ai nhưng nhìn xuống mình hơn được rất nhiều người.

Làm người phải biết tu tập, bằng không sẽ thật uổng phí. Nhìn người trẻ biết thực tập hạnh phúc chân thật, tôi mừng vì trong thế giới điên loạn này, vẫn còn ai đó có tấm lòng, biết chấp nhận biết hy sinh. Nếu lăn lộn trong sự ích kỷ của ham muốn tiêu thụ và ngụp lặn trong những trò chơi ảo của tà dục, mình héo hắt như một cành cây khô, thiếu nước, thiếu ánh mặt trời. Tinh thần nhiều người khô khốc và thiếu sinh lực đến nỗi họ không còn khao khát sự sống rồi đẩy bản thân đến tận cùng của xã hội. Người như vậy tội nghiệp lắm. Nếu biết tu và kể từ khi khởi ý niệm thực tập, họ bắt đầu tiếp xúc với hạnh phúc ngay tức khắc, không phải đợi mười năm hay kiếp sau. Muốn hạnh phúc thì thực tập ngay bây giờ, tại sao phải đợi có thì giờ, có bạn tu, có kiếp sau? Người tu không bao giờ sợ lỗ mà rất lời, lời to nữa đằng khác. Họ đem cái lời chia chác cho mọi người và làm nơi nương tựa cho không biết bao nhiêu người. Ngày đi tu, tôi thấy mình là người may mắn bậc nhất, đi từng bước chân thảnh thơi không bon chen không kỳ thị, tôi là người hạnh phúc bậc nhất, buông bỏ mọi ý niệm về đúng sai hơn thua được mất, tôi là người an lạc bậc nhất. Cho tôi một núi vàng để đổi lấy sự căng thẳng, bất an, trầm cảm, thất vọng, tai nạn, tôi cũng không thèm. Cái mà tôi thèm nhất là làm sao sống sâu sắc trong hiện tại, tiếp xúc với thực tại cùng tột và an nhiên trong sự tao loạn. Bất cứ ai cũng có khả năng tu tập, vấn đề là mình có chịu hay không thôi. Mình mua cuốn kinh về nhưng không chịu đọc, cuốn kinh chỉ là mớ giấy lộn, đọc rồi nhưng không chịu hành, bài kinh chỉ là mớ lý thuyết suông, hành mà không có hạnh phúc là hành sai, có hạnh phúc mà không chia sẻ thì ích kỷ quá, chia sẻ mà kiêu ngạo thì lúc đầu thỉnh cuốn kinh đó về làm gì. Thì giờ thấm thoát như tên bay, dù có nói mỏi cả miệng, mệt cả lưỡi, tan cả răng, tôi vẫn sẽ tiếp tục khuyến tấn bản thân và mọi người tu tập.

Đối tượng có cơ hội thực tập nhiều nhất chính là chúng sinh, ngay quả địa cầu hay cõi Ta Bà. Đừng đợi sinh về cõi trời, giàu có, già cả hay khoẻ mạnh mới thực tập. Đã là chúng sinh thì còn tạo nghiệp và trả nghiệp, vậy hãy thực tập thế nào để không còn tạo nghiệp nữa, lúc đó mới mong giải thoát. Chờ đợi tha lực tiếp dẫn mình về tây phương cực lạc, thiên đàng hay cõi nào nghe có vẻ xa vời quá. Sao không tự tạo ra cõi cực lạc cho riêng mình. Chỉ cần nắm lấy hơi thở, quay về thực tại, nhận diện cái đang là, mình đã là một cõi tây phương và đem lợi lạc cho nhiều người. Một học trò trường Cao đẳng Kent nói với tôi, thầy đi tu cho giỏi mai mốt về độ tụi con. Trời, sứ mệnh của tôi to lớn vậy sao. Đừng có đợi người khác tu xong rồi mình mới tu vì tu như thế nào mới gọi là đủ. Tu không phải là trốn chạy sự sống mà là tiếp xúc với sự sống hay nhất. Quí vị ở trong đời có dám khẳng định mình là người sống sâu sắc nhất không, trong đời quý vị đã bỏ qua biết bao điều mầu nhiệm và hạnh phúc hay không? Khẳng định như vậy chỉ làm quý vị dính mắc và đau khổ đến nhanh như vũ bão vì kẹt vào lời tuyên bố của mình. Khi nói, làm hay nghĩ điều gì, mình phải cân nhắc thật kỹ vì mỗi hành vi đều có thể tạo nghiệp, dù thiện hay bất thiện. Muốn giải thoát, nghiệp thiện lẫn nghiệp bất thiện cũng không tham cầu vì người giải thoát không níu kéo nghiệp nữa. Điều này không có nghĩa là mình thờ ơ với nghiệp mà ngược lại nhận biết nó một cách đơn thuần để chấp nhận chứ không hoà tan vào nó vì thực ra có gì gọi là nghiệp đâu. Tính chân không của nghiệp nói lên điều đó, tức là vô thường, không nắm được, không kêu gọi được. Dù sao đi nữa, nghiệp thiện vẫn hay hơn nghiệp bất thiện và mình có tiến triển hay không là nhờ vào việc hành thiện liên tục, đồng thời tránh xa, từ chối mọi lời mời tạo nghiệp bất thiện. Người không tin vào nghiệp làm bậy rất mau, không ghê sợ tội lỗi và phạm giới không gớm tay.

Hai loại nghiệp mình cần hiểu rõ là biệt nghiệp và cộng nghiệp. Biệt nghiệp là đơn phương mình tạo nghiệp và đơn phương mình trả quả. Một ngàn sinh viên kinh tế tốt nghiệp ra trường nhưng chỉ có ít nhất một người làm lãnh đạo trong khi những người còn lại chỉ làm nhân viên hay làm công cho người khác. Cộng nghiệp là một nhóm người có những nghiệp giống nhau hay tương tự nhau đã từng tạo ra đến lúc phải trả. Sóng thần, động đất, núi lửa, bão tố, lũ lụt, cháy nổ, chiến tranh… xảy ra cho một nhóm người mà không xảy ra cho nhóm người khác vì nhóm người trước đã từng tạo nghiệp bất thiện với nhau hay với người khác. Không ai có thể chạy lên mây, vào rừng sâu hay lặn xuống biển để tránh nghiệp nhân quả vì nghiệp đi theo mình như hình với bóng, thậm chí ăn sâu vào mình nhiều hơn bóng. Người không học hành gì nhiều nhưng kính trọng Tam Bảo, hiểu rõ luật nhân quả và cam kết thực tập hành vi thiện, người này khôn ngoan, biết trân quý sự sống. Ngược lại, người làm chức cao vọng trọng, bằng cấp địa vị đủ thứ nhưng không dám công nhận luật nhân quả, thường xuyên tạo nghiệp bất thiện, người này dại dột và xa rời sự sống. Không nên ngồi than vãn, so đo hay phân bì vì sau người khác hưởng phước nhiều quá còn mình suốt đời gặp rủi ro, ở hiền mà chẳng gặp lành hay cùng một cộng đồng mà người kia sung sướng trong khi mình lam lũ cơ cực. Tuy nhiên, với người biết tu tập thì dù rủi ro hay sung sướng vẫn thấy hạnh phúc như nhau, còn làm việc thiện để cầu mong được quả thiện, việc làm đó tầm thường thôi. Mình hưởng phước đời này vì trước đây đã tạo phước lớn nhưng đời này chỉ biết hưởng phước không chịu tiếp tục tạo phước thì cái gì xài hoài cũng sẽ hết, nghiệp xấu phải trả là chuyện đương nhiên. Làm phước nhiều bao nhiêu cũng không bằng công đức tu tập vì tu tập sẽ mang đến sự giải thoát rất mau, còn phước đức vẫn mang tính vô thường.

Nhân có thể cho quả nhãn tiền hay quả đời sau. Quả nhãn tiền là nhân cho quả ngay tức khắc còn quả đời sau là kiếp sau hay nhiều kiếp sau nữa, quả mới biểu hiện. Điều này chứng minh cho người ở hiền nhưng không gặp lành vì hiện tại đang trả nghiệp xấu, ở hiền là nhân mới nhưng lâu sau mới có quả. Dù vậy, ngay lúc ở hiền người đã có hạnh phúc, không đợi đến đời sau, chỉ có điều người đang chìm đắm trong đau khổ nên không biết mình đang hạnh phúc và nhờ ở hiền nên quả xấu giảm đi mức độ ít nhiều. Nghiệp tạo ra thế giới này nên cái mình suy nghĩ, hành động hay nói ra tạo ra cả thế giới. Mình là một thế giới hay một vũ trụ, mình kiến tạo thế giới hay vũ trụ của mình. Nếu mình tầm bậy, thế giới của mình là thế giới tầm bậy. Nếu mình đàng hoàng, thế giới của mình là thế giới đàng hoàng. Có thể người khác nhìn thấy hành động và nghe lời nói của mình nhưng khó mà đọc được suy nghĩ nhưng nhìn vào hành động và lời nói, họ biết mình suy nghĩ cái gì. Vì vậy phải cần trọng hết sức, kể cả suy nghĩ. Chỉ mới suy nghĩ hay tính toán thôi, chưa hành động, chưa nói gì, mình đã tạo nghiệp rồi. Suy nghĩ thiện tạo nghiệp thiện, suy nghĩ bất thiện tạo nghiệp bất thiện và chẳng suy nghĩ gì thì nghiệp không tạo. Chẳng suy nghĩ không có nghĩa là trống không mà biết rõ mình đang suy nghĩ điều gì, ý thức rõ tình trạng của suy nghĩ, không để cho nó kéo đi. Nhận thức về nghiệp có thể khác nhau nhưng bản chất của nghiệp không hề khác nhau và bản chất của nó là không. Chẳng có gì gọi là nghiệp cả, chỉ vì con người đặt tên cho nó chữ nghiệp mà thôi, nhưng nếu lý giải người này khác người kia là vì nghiệp của họ khác nhau, nếu trả hết nghiệp và không tạo nghiệp mới, có phải mọi loài đều giống nhau, đều cùng một bản thể hay không. Không biết nghiệp, không tin nhân quả nghiệp báo, người sẽ sống hấp tấp, vội vã, không ghê sợ tội lỗi, sẵn sàng sống hưởng thụ và tiêu diệt ngay đồng loại của mình. Luật nhân quả không do đức Phật hay đấng thần linh nào đặt ra, mà là quy luật tự nhiên của vũ trụ, đức Phật chỉ là người khám phá ra mà thôi.

Con người có nhân duyên nên mới gặp nhau như trước đây đã gieo nhân thì bây giờ phải gặp quả. Mình là con của cha mẹ, sinh ra ở Việt Nam, nói tiếng Việt, gặp gỡ người này người kia đâu phải do mình chọn, do Chúa hay đấng thần linh nào sắp đặt đâu, tất cả đều nhân duyên định sẵn. Như nước gặp sức nóng và bốc hơi, gặp sức lạnh thì đóng băng. Nếu nói do mình sắp đặt thì khi bị bệnh, mình kêu thân thể đừng bệnh nữa có được không. Hay là đang nói tiếng Việt, mình bảo thôi đừng nói tiếng Việt nữa, nói tiếng Pháp đi, chắc không được. Muốn nói tiếng Pháp phải đi học tiếng Pháp, tức là cung cấp điều kiện đầy đủ, mình mới nói tiếng Pháp được. Khi còn duyên với nhau, mình sống chung, học chung, làm việc chung, nhưng khi duyên hết, mình không gặp gỡ nhau nữa. Người sống nơi môi trường trong lành vì từng có duyên với môi trường trong lành, tức là đã từng biết trồng cây, bảo vệ động vật, chăm sóc hoa cỏ, giữ gìn nguồn nước, đối xử thân thiện với thiên nhiên. Cái duyên này khiến họ đi đâu cũng gặp môi trường thuận lợi, chuyển nhà, xây nhà hay đi du lịch đều đến được nơi an toàn, khí hậu mát mẻ, hoa nở chim hót và gặp gỡ hay sống chung với những người có quan điểm bảo vệ môi trường như mình. Còn người chỉ lo khai thác, xâm chiếm, tàn hại hay gây ô nhiễm, họ sẽ tạo cái duyên ô nhiễm, cái duyên này khiến họ sống trong môi trường ô nhiễm, lụt lội, đi đâu cũng gặp phải cảnh hôi thối, sống chung với người chỉ biết gây thêm tình trạng ô nhiễm. Cái gọi là duyên đó không ai ban phát cho mà do mình tạo ra, dính vào nên thường xuyên bị điều đó ám ảnh, bao vây và chôn chặt. Mình mong gặp người thương nhưng người ấy cứ mãi xa lánh hay tránh mặt mình, thực ra đó là do điều kiện chưa đủ để thấy nhau mà thôi. Lớp học có 40 học sinh đều nghe cô giáo dạy về bài Tây Tiến nhưng chắc chắn 40 cái đầu sẽ hiểu bài ở mức độ khác nhau, đơn giản vì họ có hoàn cảnh khác nhau nên điều kiện am hiểu cũng khác nhau. Tuy vậy, họ có duyên là cùng học một lớp, cùng trường, cùng cô giáo, cùng học một bài.

Vậy khi còn gặp gỡ thì hãy trân quý sự có mặt của nhau. Có mối liên hệ huyết thống không có nghĩa mắc nợ hay trả nợ mà thực tập thương yêu hết lòng. Người trẻ có dự án hay bạn bè riêng quên đi sự có mặt của cha mẹ, đến khi cha mẹ mất rồi mới cảm thấy hối tiếc và đau khổ. Người lớn lo công danh sự nghiệp, đằng đẳng tháng ngày, quên bẵng mình đang có những đứa con thơ, đến khi sực nhớ thì chúng đã đi theo băng đảng hay lạc vào thế giới ảo. Khi ngồi ăn cơm, mình xem ti vi, đọc báo, nghe nhạc hay nói chuyện điện thoại, bỏ mặt người thương bên cạnh, lúc họ bất thình lình ra đi thì tự trách mình hồi đó sao lại nông nổi rồi ngồi than vãn bằng những câu bắt đầu bằng “phải chi…”. Thường xuyên có mặt cho người thương, hỏi han, chăm sóc, gọi tên người ấy, lắng nghe và chia sẻ, đừng có đợi ngày mai, bởi vì ngày mai người ấy không còn nữa, người ấy đi xa rồi.

Con người có nhiều trò chơi và một trong những trò chơi là làm khổ nhau. Ban đầu họ làm khổ chính mình nhưng chưa đủ, họ quay sang làm khổ người khác. Khi nhìn người khác đau khổ, bản thân lại càng đau khổ hơn, giống như người chuyên đi chọc ghẹo người khác và cười hả hê trên sự đau khổ đó, nhưng thực chất họ đang gieo nghiệp xấu mà không biết, đến lúc nào đó, đau khổ phát khởi, họ tuyệt vọng tột cùng. Thử nhìn ngoài đời xem, người ta làm khổ nhau đầy dẫy, nào là hờn giận, ganh ghét, nào là ích kỷ, xan tham, nào là tranh giành, đoạt lợi… Vậy đâu cần phải bị đày xuống địa ngục mới biết địa ngục thế nào, ngay tại trần gian này đã thấm thía đủ. Mình thường lên án người này người kia mang địa ngục đến cho mình, buộc tội họ mà ít khi dám nhìn lại mình. Thực ra có ai mang địa ngục đến đâu, chẳng qua mình tự chế tác lấy rồi nhốt mình trong đó. Làm việc ở khách sạn ba sao là mừng lắm nhưng mình không chịu, mình đòi làm việc ở khách sạn năm sao hay bảy sao mới vừa lòng. Cảm giác như sống trong địa ngục khi phải bắt ép mình làm việc trong khách sạn ít sao. Hoặc người mình ghét mà cứ gặp hoài, nhìn cái mặt là chịu không nổi, có phải mình đang xây địa ngục không. Nguyên nhân chủ yếu là mình không hài lòng với bất cứ điều gì, và vì không hài lòng, nên mình khổ và khổ khiến mình thấy cái gì cũng chán, cũng mệt. Mình trả thù đời bằng cách gây đau khổ cho nhau và mọi thời gian đều được sử dụng cho việc lên kế hoạch tấn công và phòng thủ.

Vậy địa ngục là gì? Có mấy quỷ sứ chạy tới chạy lui, áp giải phạm nhân, có máu me, tiếng khóc, rên la, có thịt thà chảy từng cơn … hay không? Đâu phải như vậy. Hãy thử nhìn một dòng sông ô nhiễm, cá tôm chết đầy, dòng nước đen ngòm đi theo sự biến đổi khí hậu và cạn dần, con người chết khô vì khát nước hay bệnh tật do nhiễm độc, đây chính là địa ngục, thưa quí vị. Hãy thử đi vào một lò sát sinh, hàng trăm con heo, con gà, con bò đang chuẩn bị bị chích điện, đánh đập, cắt tiết, chúng rên la, kêu gào, máu chảy thành dòng, đây chính là địa ngục, thưa quí vị. Hãy thử nhìn trẻ em lang thang, làm đủ thứ nghề nguy hiểm, bán thân xác, bán cả tâm hồn, nạn bắt cóc, lạm dụng sức lao động, lạm dụng tình dục, đôi mắt ngày càng héo hắt, thân thể gầy trơ xương, đây chính là địa ngục, thưa quí vị. Động đất, núi lửa, sóng thần, dịch bệnh, hạn hán, thiên tai, bệnh không thuốc chữa, thức ăn dơ bẩn, chiến tranh triền miên, người chết như rạ, xương trắng khắp đại địa, đây chính là địa ngục, thưa quí vị. Hơn nữa, con người lợi dụng cõi âm hãm hại người cõi dương, gây ra sự tương tàn giữa các cõi, băng tuyết tan đi, nhiệt độ tăng lên, diện tích rừng giảm xuống, nước biển dâng cao, không khí không còn một chút sự trong lành để thở, đây chính là địa ngục, thưa quí vị. Vậy tìm kiếm địa ngục làm gì, khắp nơi đều là địa ngục thì tìm kiếm chi nữa. Nhưng nếu thay đổi thái độ và chung tay xây dựng, từng mảng địa ngục sẽ trở thành tịnh độ. Biết sống trong địa ngục là đau khổ tột cùng thì đừng bao giờ xây dựng những địa ngục và vì địa ngục đã quá nhiều nên không cần kiến tạo thêm địa ngục nào nữa. Địa ngục đến từ tâm, suy nghĩ bậy bạ dù chưa làm gì cả mình đã bắt đầu gieo rắc địa ngục. Bằng con mắt khổ đau, nhìn đâu cũng thấy khổ đau, bằng con mắt yêu thương, nhìn đâu cũng thấy yêu thương. Dòng sông ô nhiễm thì làm sạch nó, cây cháy khô trồng cây mới, động vật bị giết thì cứu sống chúng… Cho mình nhiều cơ hội để đứng dậy, người bị tai nạn còn kiếm thanh gỗ chống để đứng dậy, còn mình có đôi chân, tại sao phải lê lết như thế?

Trần gian là tịnh độ và cũng là địa ngục. Khi tâm tịnh độ, cõi tịnh độ hiện tiền, khi tâm địa ngục, cõi địa ngục hiện tiền. Tha thứ, bao dung cho tịnh độ mau chóng hơn và địa ngục lùi bước. Chắc hẳn ai cũng muốn sống đời thánh thiện thay vì cuộc đời bệ rạc, héo hắt theo năm tháng. Vậy hãy sửa đổi, cái gì sai thì sửa, cái gì hay thì phát huy. Sau cơn mưa trời lại sáng nhưng dù có mây đen tâm tối cũng hãy thực tập vững chãi và an nhiên. Duy tâm tịnh độ là tịnh độ được tạo bởi tâm, nên muốn tiếp xúc với tịnh độ, hãy điều phục tâm của mình. Mình cứ mãi nói chúng ta đang ở thời mạt pháp, ấy vậy chẳng bao giờ biết cách làm thế nào cho nó đừng có mạt mà cứ ngồi than vãn tại sao tính mạt càng ngày càng tăng. Như người muốn vãng sinh về tịnh độ, nhưng lại chẳng chịu tu tập, cứ ngồi chờ thời hay chờ đợi tha lực. Đợi đến lúc già hay chết rồi mới tu tập, e rằng muộn màng quá tuy muộn vẫn hơn không. Để đạt tâm tịnh độ có vẻ khó nhưng đạt tâm địa ngục chắc dễ ẹt. Làm tốt thì khó mà làm bậy thì dễ. Mấy ai bàn bạc hay thực hành đạo đức, toàn là nghe nói về ăn chơi và đi vào giải trí không lành mạnh. Địa ngục không là hiện tượng hay khái niệm, mà do tâm khởi. Nếu nghĩ có, nó sẽ có, nghĩ không nó sẽ không. Nhìn sợi dây, biết là sợi dây, người khác nhìn sợi dây tưởng là con rắn. Đau khổ cũng do tưởng mà ra, tưởng nhiều quá nên miên man trong tri giác sai lầm và vì không cam tâm chấp nhận sự thật, mình làm hành trì địa ngục thêm kiên cố. Người đẹp hay chấp vào hình tướng, ai khen đẹp thì khoái chí, ai chê xấu thì buồn bực tức tối. Mình bị kẹt vào hình tướng nên khi chúng không như ý, mình dằn vặt đau khổ như sống trong địa ngục. Có ai bắt mình vậy đâu, do dính mắc, mình khổ, đâu phải tiếng khen chê đem cái khổ cho mình.

Ngoài đời, người ta tham cầu và dính mắc nhiều lắm, chắc cứng như hắc ín rải xuống mặt đường, muốn đào lên phải dùng đến xà beng hay sức lực của nhiều người. Một số cái chấp hết sức vô lý, nói ra thế nào cũng có người bậc cười nhưng vẫn cứ chấp. Chấp vào tham, sân, si, mạn, nghi kiến, các địa ngục xuất hiện và chỉ người trong cuộc mới biết và nếm trải được. Đi ngoài đường, gặp gỡ đủ hạng người, làm sao biết người nào đàng hoàng, người nào không đàng hoàng. Người ăn nói tía lia nhưng chẳng làm hại ai. Người ăn nói ngon ngọt nhưng lại rất hung dữ. Địa ngục cũng vậy, nhiều loại địa ngục trá hình, thích dụ dỗ, thích đóng vai người tốt. Nhìn lâu đài nguy nga tráng lệ cho là thiên đường, nghe người nhiều bằng cấp nói chuyện cho là điều đúng đắn, coi chừng bị sập bẫy và dưới cái bẫy đó là gì, là hầm chông là gai nhọn là thương tật là đau nhức. Biết bao người thích nhảy vào cái bẫy đó, bủa giăng khắp nơi, vừa ngóc đầu dậy đã bị dập đầu xuống. Thật kỳ lạ, có người vớt lên, họ nằng nặc đòi xuống và khi lên được rồi, thân tâm đầy thương tích. Tham cái gì, mình khổ về cái đó. Dính mắc cái gì, mình trả giá cho cái đó. Người tham được khen, đến lúc bị chê thì đau khổ. Cuộc đời vốn vô thường, có khen thì phải có chê, nghe lời khen nhưng cũng chấp nhận lời chê. Khen chê chẳng qua chỉ là sự thăng trầm của tâm mà thôi. Nói khen là thiên đàng, coi chừng lại bị sập bẫy, nói chê là địa ngục, coi chừng cũng bị sập bẫy. Lời khen khiến mình trở nên kiêu ngạo, ngủ quên trong chiến thắng, không còn thành tựu gì nữa, có phải địa ngục hiện tiền không. Lấy lời chê để soi rọi bản thân, thay đổi để tốt đẹp, có nhiều hạnh phúc và an toàn hơn, có phải thiên đàng hiện tiền không. Vậy tại sao phải kẹt vào lời khen hay lời chê? Bất cứ việc gì làm đều phải nhìn lại mình, mình xứng đáng với lời khen đó chưa, mình đã làm cái gì để người ta chê mình? Điều quan trọng là biết vươn lên trong khó khăn, đối diện với nghịch cảnh, dù khen hay chê đều là những bài học quý giá, nên biết cám ơn người khen lẫn người chê.

Một trong những vị bồ tát có duyên lớn với chúng sinh là bồ tát Địa Tạng, người đã từng phát nguyện khi nào giải trừ địa ngục, giúp tất cả thành Phật thì bản thân mới thành Phật. Ngài dám đi đến những nơi tăm tối nhất, đau khổ nhất để khuyên dạy các chúng sinh biết cải tà qui chính, xa lìa những vọng niệm và sống cuộc đời đạo đức, đồng thời dẫn dắt họ đi trên con đường chính đạo. Mình hãy tu tập theo hạnh Địa Tạng, trước hết gìn giữ bản thân để không rơi vào tình trạng địa ngục và không chế tác bất kỳ địa ngục nào trên thế gian này. Đi đâu tới đâu nhìn thấy địa ngục thì dám lên tiếng xoá bỏ địa ngục đó, thiết lập bình an nơi Địa Cầu. Môi trường ô nhiễm thì dừng lại không làm cho nó ô nhiễm thêm nữa, bên cạnh đó nghiên cứu các phương pháp làm sạch môi trường như trồng cây, xử lý nước thải, giảm hiệu ứng nhà kính và chất thải CO2. Trẻ em không được bảo vệ thì xây dựng hoàn cảnh thuận lợi cho trẻ em được chăm sóc, tiếp cận đầy đủ y tế và giáo dục. Bệnh tật nhiều thì ăn ở sạch sẽ, chú ý đến việc sử dụng thực phẩm, tiêu thụ, giải trí có chánh niệm, bảo vệ thân và tâm. Đây là những việc làm của bồ tát Địa Tạng, tức là giải trừ những đau thương, mất mát, đem tới hoà hợp, an lạc và thịnh vượng. Nhà chính trị học hạnh Địa Tạng không gây chiến tranh, đối đầu và đàn áp, thay vào đó, họ nổ lực hết sức hoà giải, đối thoại, tôn trọng xây đắp hoà bình. Doanh nhân học hạnh Địa Tạng làm giàu chính đáng, kiếm tiền với tinh thần bất hại, đàm phán với môi sinh và cam kết phát triển nền kinh tế sinh thái. Giáo sư học hạnh Địa Tạng dạy cho sinh viên thực tập đạo đức, giảm thiểu sự tiêu thụ và đóng góp vào việc cải tổ thiên nhiên. Mình sẽ trở thành bồ tát Địa Tạng nếu làm được như vậy và bất cứ ai biết học và làm theo hạnh Địa Tạng đều trở thành bồ tát hết. Hạt giống Địa Tạng có sẵn trong mình rồi, điều quan trọng là mình có chịu làm không, có thực tập và hành trì không hay tối ngày cứ chạy đôn chạy đáo trong sắc dục, đến lúc nào đó thân tâm bệ rạc, địa ngục trần gian hiện tiền, chẳng ai giúp mình bằng chính mình.

Tu tập hạnh của đất là bắt chước theo tính dễ thương của đất. Khi người ta đổ vào đất nước thơm hay rác rến dơ dáy, đất đều thấm vào không chê bai, không kỳ thị. Có câu: hiền như cục đất. Thực sự đúng vì đất bị đối xử thế nào vẫn không ca thán, không sợ hãi, không đòi hỏi cái này hay cái kia. Đất là người phụng sự không mệt mỏi, từ đất hoa trái mọc lên, nhà cửa xây lên, núi non, sông ngòi, biển cả và muôn loài có mặt. Ngay cả loài người cũng sinh ra từ đất và khi qua đời, họ trở về với đất, với cát bụi. Hành xử văn minh là hành xử như đất, dù cho người đời phóng vào mình đủ thứ âm thanh, giận dữ, ghét bỏ, tranh chấp, chửi mắng, gây tiếng oán, mình vẫn im lặng, lắng nghe và chấp nhận với tâm không thành kiến, không phán xét, không gây oan trái. Đó là sự im lặng của đất, của tính hiền như cục đất và nghĩ rằng người kia chưa kịp hiền thôi chứ không phải họ không hiền. Đất dễ thương nên mình gần gũi và dễ thương như đất. Im lặng hùng tráng hay im lặng như sấm sét tức là cái im lặng ngăn chặn được bão táp và làm chùn bước những trận cuồng phong. Khi nhìn thấy một người không dễ thương thì mình biết như vậy là xấu, đem lại nhiều khổ đau và buồn tủi. Khi nhìn thấy một người dễ thương thì mình mong được tiếp chuyện, chia sẻ và người đó thật đẹp. Vậy tại sao mình còn chần chờ mà không thực tập để trở thành một người dễ thương? Lúc còn là đứa trẻ, mình dễ thương như một nụ hoa, sau đó nắng gió dòng đời làm cho nụ hoa của mình chưa kịp nở đã héo úa. Thế thì mình hãy làm cho hoa nở, vui tươi và bình an trở lại. Đối xử dễ thương với mình và mọi người cho dù hoàn cảnh không dễ thương thì mình đã là một nụ hoa, đến lúc nào đó sẽ tươi thắm rạng rỡ, khoe sắc giữa bầu trời xanh.

Khi có hạnh phúc, mình mong muốn chia sẻ với người và hướng dẫn người khác, có thể ban đầu họ từ chối nhưng hãy kiên nhẫn, đến lúc nào đó đau khổ trong họ quá lớn, họ sẽ tìm tới mình để được thực tập chung. Bản thân hãy thực tập trước đã, mới có đủ kinh nghiệm và cơ duyên để giúp đỡ người khác. Điều này rất quan trọng, vì nếu không có hạnh phúc, tức là mình thực tập không đúng và cái mình đem đi chia sẻ cũng sai lệch theo. Hạnh phúc tràn đầy, mình giúp người hạnh phúc như mình, đừng giấu diếm, có thể mình học hỏi và phát triển thêm cách thực tập của mình. Nói như vậy để thấy nếu địa ngục xảy ra, mình dám lên tiếng gọi công bình, bảo vệ nhân phẩm quyền làm người. Con người có quyền thực tập và tận hưởng hạnh phúc, nên khi có thế lực ngăn cản điều này, mình phải giúp họ, không thờ ơ, không nhắm mắt làm ngơ vì nếu vô cảm, mình vô cảm với ngay nỗi đau của mình, nói chi đến nỗi đau của người. Bất cứ ai cũng đều có khó khăn và lúc không giải quyết được thì nhờ người khác giúp, lời khuyên của nhiều người giúp ích cho mình rất nhiều. Vấn đề là thực tập như thế nào để khó khăn không xảy ra và trường hợp có khó khăn, mình không trở nên rối ren, quẫn trí mà luôn giữ trạng thái bình tĩnh. Bình tĩnh được mới sáng suốt nhìn nhận vấn đề và xem xét việc gì cần làm việc gì không cần làm. Khó khăn cách mấy cũng phải giữ giới và lấy tình thương làm căn bản cho việc thực tập, giải quyết vấn đề, không nên nguỵ biện hay đổ thừa hoàn cảnh để chống chế cho việc làm sai trái của mình. Đã làm sai còn không chịu sửa, cứ bênh vực cho cái sai là việc làm hết sức nguy hiểm, nó sẽ ngấm ngầm giết chết tình thương trong mình, quên đi tình nghĩa, quên đi sự hy sinh. Biết hy sinh để không đòi hỏi gì nữa vì hồi nào tới giờ, đức hy sinh luôn được ca ngợi nhưng hy sinh phải đúng chỗ, còn hy sinh sai chỗ, nó sẽ mang tính phá hoại khó lường.

Giải trừ địa ngục không thể thiếu vắng sự hy sinh và có thành tựu nào mà không hy sinh đâu. Nhiều người sống trong địa ngục nhưng không biết, thậm chí sung sướng với địa ngục của mình. Những địa ngục có mặt do nghiệp xấu từ kiếp xa xưa nhưng cũng có những địa ngục do kiếp hiện tại tạo ra hoặc sắp sửa có trong tương lai do không tu tập trong hiện tại. Đừng lo sợ mà cứ sống đàng hoàng ngay giây phút này, mặc dù hoàn cảnh khó khăn. Bản thân cam kết giải trừ địa ngục bằng sự thực tập miên mật, đem cái vui cho mình và người. Địa ngục có tính vô thường, không phải thường còn, nên đến lúc nào đó cũng phải chấm dứt hay được chuyển hoá. Thật ra nó mang tính không, tức là không có gì gọi địa ngục cả, chẳng qua chỉ là tâm bị dằn xé, đau khổ và không chấp nhận được. Tu tập hết lòng, mọi địa ngục sẽ giải trừ và nếu như địa ngục đang hiện tiền, mình vẫn thản nhiên như không. Sự bình an của mình giúp ích rất nhiều người vì năng lượng bình an có sức lan tỏa
(còn tiếp)

Source: http://thegioivohinh.com/diendan/showthread.php?14088-Chat-v%E1%BB%9Bi-th%E1%BA%BF-gi%E1%BB%9Bi-b%C3%AAn-kia

Total comments: 0 | Views: 1194
Category: Truyện ma | Added by: admin (27-12-2013) | | Rating: 0.0/0
Truyện mới đăng
- Tóm tắt Biến đổi Trái Đất của SOTT - 7/2017
- Thọ Khang Bảo Giám
- Tóm tắt Biến đổi Trái Đất 07/2016
- Tóm tắt Biến đổi Trái Đất 06/2016
- Dấu hiệu thời đại tháng 05/2016
- Tình hình Trái Đất
- Chuyện Mạnh Phu Nhơn
- Thái-Thượng Cảm-Ứng-Thiên - 2
- Thái-Thượng Cảm-Ứng-Thiên - 1
- Khuyên người trẻ
-Xem thêm-
Những câu nói hay
Ăn để sống chứ không phải sống để mà ăn.
Shakespeare
Tâm sự
Tâm sự số #1306 [1]
Tâm sự số #1275 [1]
Tâm sự số #1270 [1]
Tâm sự số #1258 [0]
Tâm sự số #1249 [1]
Tâm sự số #1233 [3]
Tâm sự số #1227 [4]
Tâm sự số #1219 [2]
Tâm sự số #1195 [3]
Tâm sự số #1183 [3]
Vote
Bạn có thích mua sắm online ko?
Tổng bình chọn: 48
Search
Liên kết
Copyright adnet.uCoz.com © 2010-2024
Powered by uCoz
Top